Sầm Dương Nhiều Giống Cây, Con Mới Có Giá Trị Kinh Tế

Để khơi dậy ý chí vươn lên làm kinh tế, thoát nghèo bền vững cho bà con nhân dân, mấy năm trở lại đây Đảng ủy, chính quyền xã Sầm Dương (Sơn Dương) tích cực khuyến khích bà con nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa các giống cây con có giá trị kinh tế cao vào trồng và chăn nuôi mang lại hiệu quả tích cực.
Đến xã Sầm Dương vào những ngày này, trên khắp các cánh đồng ven sông là những bãi mía, nương ngô, ruộng lúa xanh mướt trải dài. Thấp thoáng sau những quả đồi, những rặng tre xanh là các ngôi nhà xây mái ngói đỏ tươi khang trang. Đồng chí Đỗ Xuân Trường, Phó chủ tịch UBND xã cho biết, là xã thuần nông, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, vì vậy, để từng bước triển khai có hiệu quả diện tích đất sản xuất nông nghiệp, vận động nhân dân tận dụng quỹ đất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng cho phù hợp nhằm nâng cao hệ số sử dụng đất để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, hàng năm xã có nghị quyết chuyên đề về phát triển trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi đưa các loại cây, con có giá trị kinh tế vào thâm canh, sản xuất; phối hợp với các đoàn thể và các phòng chức năng của huyện như: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Thú y huyện... tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cách phòng trừ sâu bệnh, dịch bệnh về trồng trọt, chăn nuôi nhằm nâng cao kiến thức cho người dân, tăng hệ số sử dụng đất, bố trí cây trồng hợp lý, tạo ra sản phẩm chất lượng.
Vụ xuân này, toàn xã đã gieo cấy 65 ha lúa, 36 ha ngô, 1 ha lạc, do thực hiện tốt khâu chăm sóc, gieo trồng nên đến nay toàn bộ diện tích lúa của xã đều sinh trưởng phát triển tốt. Cùng với các giống lúa truyền thống, Sầm Dương đã đưa vào gieo cấy các giống lúa mới có năng xuất chất lượng cao phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của đồng đất địa phương như: Tạp giao 1, Nhị ưu 838…
Nhờ vậy mà năng suất đã tăng lên trung bình từ 4 đến 5 tạ/ha. Cùng với việc chú trọng phát triển trồng trọt, xã cũng đã khuyến khích đưa vào các mô hình kinh tế mới như chăn nuôi lợn siêu nạc, nuôi rắn, ba ba, mô hình một lúa, một cá… Các mô hình này đều đang cho hiệu quả kinh tế cao.
Hiện toàn xã đã có 90 mô hình làm kinh tế giỏi, tiêu biểu như hộ gia đình ông Hoàng Văn Toản, Đỗ Châu Tuấn nuôi ba ba; hộ anh Nguyễn Bảo Tuấn chăn nuôi lợn và gia cầm mỗi năm thu lãi 50 đến 60 triệu đồng.
Ông Nguyễn Xuân Điều, Chủ tịch Hội nông dân xã cho biết, để khuyến khích hội viên nông dân trong xã chăn nuôi, trồng trọt đến nay chúng tôi đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tín chấp cho hội viên vay với tổng số vốn trên 700 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn này mà có nhiều hội viên nông dân đầu tư phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.
Hiện tại, chúng tôi đang đẩy mạnh khuyến khích bà con nhân dân phát triển mô hình 1 cá, 1 lúa trên diện tích ruộng 2 vụ lúa nhưng năng suất đạt không cao. Thực hiện mô hình, khi cấy lúa bà con chỉ cần để một khoảng trống nhỏ để nuôi ương cá con các loại như trắm, rô, chép... sau 1 đến 2 tháng khi cá trưởng thành thì cây lúa cũng đã lớn vì vậy hạn chế việc cá tác động xấu đến diện tích lúa trên đồng ruộng.
Qua mấy vụ thu hoạch cho thấy, mô hình giúp bà con nông dân thu nhập cao gấp 1,5 lần so với những ruộng chỉ cấy lúa thông thường. Đến nay, toàn xã đã có 20 hộ dân tham gia thực hiện mô hình với tổng diện tích gần 6 ha, tập trung nhiều nhất tại thôn Hưng Thịnh.
Những mô hình mới, cách làm hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đã và đang giúp Sầm Dương rất nhiều trong công tác xóa đói, giảm nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con nhân dân. Đến nay toàn xã đã có 29% hộ khá, giàu; 100% hộ mua sắm được các phương tiện nghe nhìn; 65% hộ có xe máy; 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 6,1% so với năm 2011... Bộ mặt nông thôn mới của xã cũng đang đổi thay từng ngày.
Có thể bạn quan tâm

Đồng Tháp là tỉnh có nhiều tiềm năng về kinh tế. Ngoài sản lượng lúa ổn định hàng năm trên 2,8 triệu tấn, thủy sản là thế mạnh thứ hai với chủ lực là con cá tra, mỗi năm xuất khẩu sản phẩm đông lạnh trên dưới 120.000 tấn. Những năm gần đây, con tôm càng xanh được lãnh đạo các địa phương quan tâm với mô hình nuôi trên ruộng lúa mùa nước nổi. Diện tích nuôi tôm ngày càng gia tăng. Giá trị kinh tế từ con tôm càng xanh ngày càng được khẳng định.

Những năm gần đây, mô hình nuôi chồn hương được các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đầu tư, nhưng nếu chỉ nuôi đơn thuần chồn hương lấy thịt thì hiệu quả không cao. Tại xã Minh Lập (Chơn Thành - Bình Phước), anh Đặng Ngọc Tuân đã gây dựng mô hình nuôi chồn hương lấy thịt, giống, đặc biệt kết hợp sản xuất cà phê chồn mang lại tiền tỷ.

Điều kiện môi trường bất lợi, hàng trăm người nuôi tôm ở phường 12 (TP. Vũng Tàu) đã bỏ nghề, nhưng nhiều năm nay, tại ao nuôi của ông Lê Quang Hùng guồng quay máy sục khí vẫn hoạt động bền bỉ. Ao nuôi tôm của ông là một trong số ít những điểm sáng trên vùng đất nuôi thủy sản đã bỏ hoang nhiều năm của khu vực này.

Sở Khoa học và Công nghệ Long An vừa tổ chức hội nghị nghiệm thu kết quả điều tra “Tình hình chăn nuôi, đặc điểm ngoại hình gà tàu và đề xuất quy trình chăn nuôi gà tàu theo hướng an toàn sinh học sẽ thực hiện từ nay đến tháng 10/2013 tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An” đây là giai đoạn 1 của đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu xây dựng mô hình chăn nuôi gà tàu theo hướng an toàn sinh học tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An” do phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành đăng ký chủ trì thực hiện; tiến sĩ Đoàn Đức Vũ giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học Nông nghiệp thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam và kỹ sư Nguyễn Thị Đậm trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành làm chủ nhiệm đề tài.

Từ lâu, các nhà khoa học đã khuyến cáo nông dân nên chuyển sang trồng các loại rau màu hoặc luân canh lúa màu trên đất lúa kém hiệu quả.