Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Rynan - Tiên phong chuyển đổi số trong chuỗi giá trị ngành tôm

Rynan - Tiên phong chuyển đổi số trong chuỗi giá trị ngành tôm
Tác giả: Dương Nghĩa
Ngày đăng: 24/06/2021

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã tạo ra những thách thức to lớn đối với ngành thủy sản toàn cầu, làm sụt giảm doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành. Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP RYNAN® Technologies Vietnam về thực trạng của thị trường cũng như những dự báo trong thời gian tới, nhất là việc ứng dụng công nghệ số trong phát triển ngành tôm hiệu quả và bền vững hơn.

TS Nguyễn Thanh Mỹ (ngoài cùng bên trái) giới thiệu các công nghệ của RYNAN® Technologies Vietnam với lãnh đạo Bộ NN&PTNT

Nhận định của ông về tầm quan trọng của chuyển đổi số ở thời điểm hiện tại và trong tương lai đối với ngành sản xuất tôm cũng như chuỗi cung ứng thủy sản tại thị trường Việt Nam ra sao, thưa ông?

Chuyển đổi số ở thời điểm hiện tại và trong tương lai đối với ngành sản xuất và chuỗi cung ứng tôm tại thị trường Việt Nam và xuất khẩu rất quan trọng, là xu hướng tất yếu phải thực hiện. Chuyển đổi số là tiến trình tích hợp công nghệ số (hay còn gọi là công nghệ 4.0) vào trong mọi lĩnh vực hoạt động của chuỗi giá trị ngành tôm, nhằm tạo ra giá trị mới thích nghi với xã hội thông tin (xã hội 4.0) hiện tại và sự phát triển của xã hội siêu thông minh (xã hội 5.0) trong tương lai. Ứng dụng công nghệ số sẽ giúp giảm rủi ro do dịch bệnh, giá thành canh tác và ô nhiễm môi trường. Tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên nước và năng lượng; tăng năng suất, chất lượng, khả năng truy suất nguồn gốc tôm và sự hài lòng của khách hàng.

Là nhà thiết lập hoạt động nghiên cứu, sản xuất các công nghệ chuyển đổi số tiên phong ở Việt Nam, ông có thể cho biết những thành tựu về chuyển đổi số trong ngành tôm thế giới và Việt Nam hiện nay?

Việt Nam hiện đang đứng thứ hai trên thế giới về nuôi và xuất khẩu tôm. Chúng ta đang dẫn đầu thế giới về công nghệ nuôi tôm. RYNAN Technologies Vietnam là công ty duy nhất trên thế giới nghiên cứu và sản xuất những thiết bị thông minh kết hợp thuật toán trí tuệ nhân tạo, học máy và học sâu ứng dụng trong toàn chuỗi giá trị ngành tôm. Chúng tôi cũng phát triển phần mềm phục vụ và ứng dụng di động, giúp nông dân tương tác với những thiết bị thông minh trong canh tác và đồng thời giúp nông dân quản lý trang trại nuôi tôm hiệu quả về kinh tế hơn.

Ông có thể cho biết những hoạt động trong quý đầu của năm 2021 như thế nào, cũng như những giải pháp về công nghệ của RYNAN Technologies trong lĩnh vực này là gì?

RYNAN Technologies Vietnam được thành lập và bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2016 tại tỉnh Trà Vinh. Là một trong ba công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam được mời tham gia “Diễn đàn kinh tế thế giới”, tại Hà Nội vào tháng 9/2018. Công ty đã nghiên cứu, phát triển và sản xuất những thiết bị kết nối internet và vật tư thông minh ứng dụng trong toàn chuỗi giá trị ngành tôm nước lợ bao gồm:

Vật tư đầu vào

Công ty đang nghiên cứu, sản xuất và đưa vào thử nghiệm thức ăn chức năng và tảo vaccine giúp tôm tăng trưởng nhanh, kháng bệnh tốt và chất lượng cao. Vi sinh giúp xử lý nước thân thiện với môi trường.

Canh tác

Máy cho tôm ăn thông minh kết hợp trí tuệ nhân tạo tự động điều chỉnh lượng thức ăn hàng ngày dựa trên:

1.Tình trạng của tôm như: mật độ, trọng lượng trung bình, chu kỳ lột vỏ và sức khỏe tôm;

2.Chất lượng nước như: độ pH, nhiệt độ, độ mặn và độ đục;

3.Thời tiết: nắng, mưa và gió.

Thiết bị và ứng dụng di động kết hợp thuật toán trí tuệ nhân tạo, để theo dõi sự phát triển và sức khỏe của tôm.

Hệ thống theo dõi chất lượng nước bao gồm những cảm ứng độ mặn, pH, độ đục và độ kiềm.

Máy quang phổ kết nối internet và chất chỉ thị màu đo những chất hữu cơ trong nước bao gồm NH4+,NO2-,NO3-,H2S,(PO4)3-,Ca2+,Mg2+...

Máy cấp khí ôxy tinh khiết tách từ không khí, giúp tăng hàm lượng ôxy hòa tan trong nước trên 10 ppm và giảm chi phí tiền điện hơn 50%. Với nồng độ ôxy tan trong nước cao hơn 10 ppm, nước trong ao nuôi sạch hơn, do hệ vi sinh phân giải chất hữu cơ hoạt động hiệu quả hơn sẽ giúp tôm phát triển nhanh, ít bị bệnh và tiết kiệm chi phí xử lý nước và thay nước.

Thu mua: Cung cấp dữ liệu cho những công ty thu mua về thời gian thu hoạch, sản lượng, địa điểm canh tác và thông tin về nông hộ nuôi tôm.

Chế biến

Sản xuất và cung cấp thiết bị, vật tư sử dụng trong đóng gói khí cải tiến giúp tăng thời gian bảo quản từ 3 đến 5 lần lâu hơn ở nhiệt độ mát (dưới 4 độ C). Những sản phẩm bao gồm màng đa lớp cản khí cao, máy đóng gói với khí cải tiến và máy đo nồng độ khí cải tiến. Không khí chúng ta thở bao gồm 20,5% ôxy, 76% nitơ, 0,04% carbonit và những khí trơ khác. Khí cải tiến là hỗn hợp những khí trên, nhưng nồng độ được điều chỉnh lại. Ví dụ, TTCT được đóng gói khí cải tiến gồm 60% carbonit và 40% nitơ có thể bảo quản 7 ngày ở nhiệt độ từ 0 – 4 độ C. Công nghệ đóng gói khí cải tiến sẽ giúp tôm có thể phân phối qua máy bán thực phẩm thông minh và thương mại điện tử, rất phù hợp trước tình hình ứng phó với đại dịch COVID-19 như hiện nay.

Sản xuất và cung cấp máy và mực in phun công nghiệp ứng dụng trong in mã vạch định danh, giúp quản lý phân phối, kho bãi và theo dõi vận chuyển. Người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc của tôm với ứng dụng trên điện thoại di động.

Phân phối

Sản xuất và cung cấp máy bán tôm thông minh để bán tôm tươi và thực phẩm chế biến từ tôm. Những máy bán tôm thông minh này có nhiệt độ bảo quản tôm từ 0 – 4 độ C, có thể đặt mọi nơi như trên đường phố, chung cư cao tầng, cửa hàng tiện lợi và nơi nhiều người lui tới.

Tiêu thụ

Người tiêu dùng có thể trả tiền qua QR Pay với điện thoại di động rất tiện lợi.

Công ty CP RYNAN Technologies Vietnam phát triển và cung cấp phần mềm phục vụ (Software as a Service – SaaS) và ứng dụng di động cho hộ nuôi tôm, thực hện thu mua, phân phối đến người tiêu dùng, có thể quản lý và truy xuất nguồn gốc cho toàn chuỗi giá trị ngành tôm.

Ngành tôm ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức vào thời điểm này, vậy ông có thể đưa ra những lời khuyên gì trong việc giúp đỡ các trại giống cũng như người nông dân Việt Nam, thưa ông?

Ngành nuôi tôm thâm canh Việt Nam đang đối mặt với 4 thách thức lớn bao gồm:

Năng suất thu hoạch tôm trên tổng diện tích đất canh tác tương đối thấp: Do thiếu công nghệ xử lý nước phù hợp, hiện nay diện tích nuôi tôm dưới 20% và diện tích xử lý nước hơn 80%. Do đó, cần phát triển công nghệ xử lý nước phù hợp hơn, giúp tăng công suất và giảm diện tích đất dùng để xử lý nước. Ứng dụng công nghệ vi sinh và vật lý trong xử lý nước và giảm sử dụng hóa chất.

Thất thoát hơn 40% do dịch bệnh bùng phát: Dịch bệnh trong canh tác tôm do vi trùng và vi khuẩn có hại gây ra. Tôm bố mẹ và tôm giống cần phải có nguồn gốc và được kiểm nghiệm vi trùng chặt chẽ trước khi thả nuôi.

Ngăn cản sự phát triển của vi khuẩn có hại trong nuôi tôm, có thể được thực hiện với máy cho tôm ăn thông minh kết hợp trí tuệ nhân tạo, giúp giảm thiểu tình trạng dư thừa thức ăn. Chi phí thức ăn cho tôm chiếm từ 55 – 60% tổng giá thành sản xuất tôm. Hơn nữa thức ăn dư thừa gây ô nhiễm nguồn nước và phát triển vi khuẩn có hại gây dịch bệnh cho tôm.

Ứng dụng thiết bị quan trắc nước thông minh theo dõi chất lượng nước thường xuyên. Sử dụng vi sinh và thức ăn chức năng giúp ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn có hại. Không nên dùng kháng sinh để giảm thiểu tình trạng tôm nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh.

Không thể truy xuất được nguồn gốc do lệ thuộc quá nhiều vào thương lái và nhập khẩu tôm từ nước ngoài vào để chế biến và tái xuất khẩu: Ứng dụng công nghệ số trong toàn bộ chuỗi giá trị ngành tôm, được mô tả ở phần trên, sẽ giúp truy xuất nguồn gốc tôm dễ dàng và minh bạch hơn.

Giá thành sản xuất cao do phải nhập khẩu gần như 100% nguyên liệu chế biến thức ăn cho tôm từ nước ngoài: Thức ăn cho tôm được sản xuất tại Việt nam gần như độc quyền bởi những công ty đa quốc gia. Do đó, chúng ta cần phát triển thức ăn chức năng cho tôm với nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Thanh Mỹ, CEO của Công ty CP RYNAN® Technologies Vietnam: “Mục đích thứ nhất của tôi là muốn cho mọi người biết Việt Nam làm được những thứ mà thế giới muốn làm. Thứ hai tôi mong muốn ứng dụng những công nghệ 4.0 trong đất nước, để làm cánh đồng xanh hơn, nông dân giàu có hơn, thực phẩm an toàn hơn”.


Có thể bạn quan tâm

Indonesia muốn trở thành nước sản xuất tôm dẫn đầu thế giới Indonesia muốn trở thành nước sản xuất tôm dẫn đầu thế giới

Bộ trưởng Biển và Nghề cá Indonesia (KKP) Sakti Wahyu Trenggono tuyên bố Indonesia có thể trở thành nước sản xuất tôm hàng đầu thế giới với sự hỗ trợ

23/06/2021
EU giảm nhập khẩu cá ngừ đóng hộp trong quý 1/2021 EU giảm nhập khẩu cá ngừ đóng hộp trong quý 1/2021

Trong quý đầu năm 2021, NK cá ngừ đóng hộp vào EU giảm mạnh. Đây là sự tiếp nối xu hướng sụt giảm trong quý 4/2020

23/06/2021
Tiên phong trong nuôi trồng thủy sản tích hợp tại Trung Quốc Tiên phong trong nuôi trồng thủy sản tích hợp tại Trung Quốc

Mặc dù TS. Thierry Chopin (Canada) đặt ra khái niệm “Nuôi trồng thủy sản đa dinh dưỡng tích hợp” (IMTA) nhưng chính người Trung Quốc mới đi đầu

23/06/2021