Trang chủ / Cây lương thực / Trồng lúa

Rầy phấn trắng hại lúa

Rầy phấn trắng hại lúa
Tác giả: Kim Ngọc - Thành Tín
Ngày đăng: 21/01/2022

Rầy phấn trắng (còn gọi rầy cánh phấn, bọ phấn trắng), do cơ thể bao phủ một lớp phấn trắng, được ghi nhận dịch hại đầu tiên trên lúa năm 1966 tại Santaram (Ấn Độ).

Trứng rầy bám mặt dưới lá, lá bị khảm và nghẹn đòng.

Rầy phấn trắng hại lúa (Aleurocybotus indicus) cơ thể bao phủ một lớp phấn trắng, gây hại đầu tiên 1966 tại Ấn Độ và sau đó ở các nước Châu Phi, gây thất thoát năng suất lên tới 80%. Tại Việt Nam, rầy ít xuất hiện và gây hại trên lúa, chỉ phổ biến trên rau màu như ớt, cà, dưa, bầu bí… Năm 2010 ghi nhận rầy gây hại quy mô lớn ở Long An, An Giang, Tây Ninh, diện tích nhiễm 15.462 ha và hiện nay có xu hướng lan rộng ở các tỉnh ĐBSCL.

Thiệt hại

Rầy phấn trắng gây hại bằng cách chích hút nhựa lá, làm lá vàng vọt, mặt lá sần sùi (khảm), lá xoắn hay vặn vẹo, cổ lá co rút. Nếu gây hại giai đoạn trỗ, lá cờ bị nghẽn, xoắn khiến gié trổ không thoát, nếu trỗ thoát, hạt cũng bị lép.

Triệu chứng này giống như bệnh lùn xoắn lá do virus, nhưng chưa phát hiện thấy có virus trong lá xoắn. Rầy gây hại chủ yếu giai đoạn từ đẻ nhánh, lúc đầu chỉ là một đám nhỏ màu vàng, sau lan rộng ra theo sự phát triển của quần thể, nếu không phòng trị và gặp điều kiện thuận lợi (nắng nóng), sẽ tích lũy mật số và gây hại nặng giai đoạn đòng - trỗ. Các giống Jasmin 85, IR 50404… dễ nhiễm.

Theo nghiên cứu của Viện lúa ĐBSCL, thí nghiệm trên giống OM 4900, IR 4625, IR 64 ở giai đoạn 30 ngày sinh sản, lây nhiễm 30 – 40 con/rãnh, ảnh hưởng đến năng suất, nếu mật số lây nhiễm 60 con/rãnh, năng suất giảm từ 23 – 31%, thiệt hại có thể lớn hơn nếu rầy gây hại giai đoạn làm đòng - trỗ bông.

Do giai đoạn trỗ, nhụy lúa có màu trắng nên dễ lầm lẫn với rầy phấn trắng, mặt khác triệu chứng vàng lá lúa giai đoạn này cũng dễ lẫn với bệnh vàng lá chín sớm hay cháy bìa lá, chuẩn đoán sai sẽ khiến thiệt hại nặng hơn.

Do rầy có vòng đời tương đối ngắn ( khoảng 20 – 22 ngày), đẻ nhiều trứng ( 100 – 200 trứng), trứng đẻ mặt dưới lá, phun thuốc khó tiếp xúc, rầy phát triển và gây hại mạnh lúc trời nắng nóng, giai đoạn gây hại kéo dài từ đẻ nhánh – đòng, trỗ, dễ ảnh hưởng đến năng suất nên cần thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm và phòng trị kịp thời.

Đặc điểm sinh học: Rầy phấn trắng biến thoái không hoàn toàn. Vòng đời kéo dài khoảng 17 - 24 ngày (ngắn hơn rầy nâu), gồm 3 giai đoạn: Trứng - ấu trùng – thành trùng. Ấu trùng có 4 tuổi, ấu trùng tuổi 4 là nhộng giả. Nhiệt độ thích hợp cho rầy là 30 độ C, sống và gây hại phổ biến trong mùa khô, trời nắng nóng (tháng 7 - 8 ở các tỉnh phía Nam).

Thiên địch: Ong ký sinh, thiên địch ăn mồi như bọ rùa 8 chấm…

Biện pháp canh tác và mật số bọ phấn: Các giống Jasmin 85, IR 50404, Đài thơm 8, RVT… dễ nhiễm. Giống OM 4218, nếp IR 4625 ít nhiễm. Sạ dầy (150 – 250 kg/ha) có mật độ rầy cao hơn sạ thưa (100 – 120 kg/ha). Vụ lúa mùa mưa có mật số rầy phấn thấp hơn mùa khô, do nước mưa làm giảm mật số rầy.

Phát hiện: 

- Khua động tán lá xem có rầy phấn bay lên không.

- Quan sát mạng nhện trên ruộng, xem có rầy phấn dính vào mạng nhện không.

- Quan sát mặt dưới lá lúa xem có trứng rầy đẻ dọc theo gân lá hay không.

- Chú ý lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng - trỗ, kiểm tra ruộng lúa có triệu chứng vàng lá để xác định là do bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, vàng lá chín sớm, cháy bìa lá hay do rầy phấn.

- Chú ý các đám ruộng lúa trồng gần vườn ổi, rau dưa, khoai mì…

- Thường xuyên thăm đồng các ruộng bị rầy gây hại vụ trước, chú ý ruộng bón thừa đạm, bón đạm muộn, ruộng rậm rạp, phun thuốc trừ sâu sớm

Thuốc hóa học: 

- Nghiên cứu cho thấy các thuốc hóa học có gốc Abamectin, Emamectin có thể kiểm soát rầy 65 - 68%. Các thuốc gốc Pymetrozine (500g/kg) kiểm soát 70,5 – 72,6% khi quan sát 10 NSP ( Viện lúa ĐBSCL). Ngoài ra các gốc khác như Imidacloprid, Acetamiprid cũng cho hiệu lực tốt trừ rầy phấn (CABI, IRRI).

- Cần lưu ý do cơ thể rầy (thành trùng) bao phủ một lớp phấn trắng, trứng rầy được bọc trong lớp sáp cứng, không thấm nước nên các thuốc có tính tiếp xúc cho hiệu quả không cao bằng thuốc có tác động lưu dẫn, thấm sâu và xông hơi và cần thiết nên pha với chất bám dính hay dầu khoáng SK Enspray 99EC, ngoài ra, phun đúng kỹ thuật cũng giúp tăng hiệu quả phòng trừ.

Phòng trị: 

Áp dụng các biện pháp tổng hợp, gồm:

- Trồng giống kháng rầy phấn trắng, nhất là các giống có bộ lá đứng thẳng.

- Gieo cấy đồng loạt, không sạ, cấy dầy.

- Bón phân cân đối, hợp lý, không bón thừa đạm, bón đạm muộn.

- Thăm đồng thường xuyên, chú ý giai đoạn đẻ nhánh – đòng, trỗ, nhât là ruộng thường bị hại.

- Ruộng bị hại sớm, có thể bổ sung thêm phân Urê, DAP và Kali.

- Nếu mật số rầy cao vào giai đoạn đòng – trỗ (10 - 40 rầy trên 30 – 50 bụi lúa), có khả năng gây hại năng suất, có thể dùng một trong các loại thuốc sau:

+ Gốc Pymetrozine: Osago 80WG, Sagometro 50WG: Gốc Dinotefuran: Brimgold 200WP.

+ Gốc Abamectin/Emamectin: Binhtox 3.8EC hay Comda gold 5WG.

+ Gốc Chlorpyrifos methyl: Sago super 20EC.

+ Trường hợp cần dập dịch tức thời, dùng Fenbis 25EC (hiệu lực cao trừ rệp sáp và có tính xông hơi), Sherzol 205EC hay Sec Saigon 25EC.

Các thuốc trên cần dùng luân phiên và nên kết hợp với dầu khoáng SK Enspray 99EC để gia tăng hiệu quả phòng trừ.

Khi phun cần chú ý: 

- Nên phun sát mặt lá lúa để diệt rầy trưởng thành, phun đều hai mặt lá, đồng thời hướng đầu vòi phun xuống thấp bên dưới tán lá để rầy dễ trúng thuốc và diệt cả trứng bám mặt dưới lá. Chú ý không phun thuốc khi lúa đang trỗ, nếu cần thiết phun buổi chiều.

- Chỉnh bét phun mịn hạt và phun đủ lượng nước-thuốc theo khuyến cáo.

- Nên pha thêm dầu khoáng SK Enspray 99EC (liều pha 50 – 60 ml dầu khoáng/bình 25L) hay chất bám dính (Sago bám dính) để đánh tan lớp phấn và kéo dài thời gian tồn lưu trên lá.

- Nên phun sáng sớm (6 - 9 giờ) do rầy còn ướt cánh, bay chậm, không phun khi trời gió to hay sắp mưa.

- Nên phun đồng loạt để hạn chế rầy phát tán, di chuyển từ ruộng nầy sang ruộng bên cạnh.

- Nếu lúa chuẩn bị trỗ, bị rầy hại, có thể bổ sung thêm phân bón có chứa U rê, DAP, Kali, nếu lúa giai đoạn mới trổ, trổ đều có thể phun thêm phân bón lá.


Có thể bạn quan tâm

Giống lúa chịu ngập SHPT3 Giống lúa chịu ngập SHPT3

Giống chống chịu cao với dịch bệnh và thời tiết, đặc biệt thích nghi với chân đất chua và có thể chịu ngập từ 12 - 15 ngày. Gạo rất thích hợp cho chế biến.

11/11/2021
Khôi phục giống lúa Bao thai Khôi phục giống lúa Bao thai

Giống lúa thuần Bao thai hay còn gọi là Bao thai lùn, có nguồn gốc từ Trung Quốc được nhập vào Việt Nam từ những năm 1970 của thế kỷ 20.

12/11/2021
Những điều cần lưu ý trong chăm sóc ruộng lúa sạ khóm Những điều cần lưu ý trong chăm sóc ruộng lúa sạ khóm

Ruộng lúa sạ khóm sẽ giúp nông dân giảm đáng kể lượng lúa giống gieo sạ nhưng cần phải có kỹ thuật chăm sóc tốt thì lúa mới đạt năng suất cao.

25/12/2021