Trang chủ / Cây ăn trái / Xoài

Rầy bông xoài

Rầy bông xoài
Tác giả: Ths. Huỳnh Kim Ngọc
Ngày đăng: 20/04/2019

Rầy bông xoài là côn trùng gây hại phổ biến khi xoài ở giai đoạn ra bông, trái non. Trong một thời gian ngắn, gặp điều kiện thuận lợi, rầy có thể bộc phát thành dịch.

Rầy đẻ trứng, chích hút bông và cuống làm bông khô, rụng, ngoài ra dịch nhựa tươm ra từ vết chích, cộng với chất thải của rầy trên lá, bông, cành tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bồ hóng phát triển, che phủ bề mặt lá, ảnh hưởng đến quang hợp.

Rầy bông xoài là đối tượng kiểm dịch ở Úc. Ở Việt Nam, có nhiều loại rầy bông xoài, loài Idioscopus niveoparsus đẻ trứng trên lá non, bông, còn loài I.clypealis chủ yếu đẻ trên bông. Rầy bông xoài có màu xanh nâu, đầu tròn, cơ thể giống như cái nêm. Ấu trùng mới nở dài khoảng 0,5 mm, màu vàng nâu nhạt, hai mắt đỏ. Thành trùng dài 4 – 5 mm, màu nâu xanh. Rầy trưởng thành có thể búng, nhảy, bay xa từng đoạn ngắn, di động linh hoạt.

Do vậy, khi mật số rầy cao, ban đêm có thể nghe tiếng rầy di chuyển xào xạc trên cây. Rầy cái đẻ 100 – 200 trứng. Trứng đẻ từng quả một, có màu trắng sữa, đẻ cạn trong phần mềm của bông, cuống bông, gân lá, cuống chồi non. Thời gian ủ trứng 5 – 6 ngày. Giai đoạn ấu trùng tuổi 1 đến tuổi 4: 10 – 15 ngày. Vòng đời khoảng 16 – 21 ngày. Cả ấu trùng lẫn thành trùng đều chích hút nhựa bông, lá non… nhưng gây hại chủ yếu trên bông.

Rầy bông xoài xuất hiện quanh năm, sống trong các vết nứt của cây, thường xuất hiện nhiều sau một đợt khô hạn và gia tăng mật số nhanh khi xoài ra lá non, trổ bông, đạt mật số cao nhất khi xoài ra bông rộ, lúc ấy, trên một bông có thể có nhiều lứa rầy. Sau khi trái hình thành và phát triển, mật số rầy giảm dần.

Thiên địch của rầy bông xoài có nhiều loại như nhện, bọ rùa, ong ký sinh trứng Eulophids, Mymarids, kiến vàng, nấm ký sinh Verticilium, Hirsutella, Beauveria.

Để phòng trừ rầy bông xoài hiệu quả, cần áp dụng biện pháp tổng hợp như:

(1) Không trồng dầy.

(2) Không bón thừa phân đạm, bón cân đối NPK.

(3) Sau thu hoạch nên tỉa cành, vệ sinh vườn cho thông thoáng giúp hạn chế rầy tích lũy mật số và gây hại.

(4) Bẫy đèn: Trước khi ra bông 1 – 2 tuần.

(5) Giai đoạn xoài sắp ra bông (lú cựa gà), nếu phát hiện có rầy, dù mật số thấp, có thể phun ngừa thuốc đặc trị rầy nhóm ức chế lột xác hoạt chất Buprofezin như Butyl 40WG, Butyl 400SC do tác dụng ức chế lột xác, nên thuốc có hiệu lực diệt rầy cao, kéo dài, ít hại thiên địch. Nếu mật số rầy cao, có thể phun định kỳ 7 – 10 ngày một lần, cần phun kỹ, chỉnh bét phun mịn hạt để thuốc tiếp xúc với rầy.

Ngoài Butyl, có thể dùng thuốc đặc trị khác như Comda 250EC (Emamectin benzoate 5 g/l + Petroleum spray oil 245g/l); Brimgold 200WP (Dinotefuran: 50g/kg + Imidacloprid: 150g/kg), Sagometro 50WG (Pymetrozine 50% w/w). Cần chú ý phun luân phiên để tránh tình trạng quen thuốc.


Có thể bạn quan tâm

Bọ trĩ hại xoài Bọ trĩ hại xoài

Bọ trĩ là dịch hại phổ biến trên xoài, đây là loại côn trùng rất nhỏ. Tuy nhiên, có thể thấy được bằng mắt thường, thân hình thon dài, miệng rất cứng, khỏe

20/12/2018
Bọ trĩ hại xoài Bọ trĩ hại xoài

Ngoài xoài, bọ trĩ còn thấy gây hại trên rất nhiều cây trồng như cam, quít, ổi, điều, dưa hấu, lúa, rau cải các loại…

21/12/2018
Phương pháp trị sùng đục vỏ thân cây xoài hiệu quả Phương pháp trị sùng đục vỏ thân cây xoài hiệu quả

Khi thấy xoài trong vườn có các triệu chứng như đột nhiên bị đỏ lá rồi rụng dần, đột ngột héo, khô, xung quanh thân cây xoài có dấu dịch mủ đã sậm màu

15/01/2019