Rau quả sáng giá, xuất khẩu liên tục tăng
Trong vài năm gần đây, rau quả đang nổi lên như mặt hàng sáng giá nhất của nông nghiệp Việt Nam khi thành tích XK liên tục tăng mạnh qua từng năm.
Rau quả được kỳ vọng tạo bước đột phá trong XK nông sản
Nhu cầu tiêu thụ rau quả tươi và chế biến trên thị trường thế giới dự báo sẽ tăng, là cơ hội tốt cho rau quả Việt Nam đi vào các thị trường khó tính.
Phụ thuộc vào thanh long và thị trường Trung Quốc
Kim ngạch XK ngành rau quả năm 2016 đạt 2,46 tỷ USD, tăng 33,6% so với năm 2015. XK hàng rau quả trong 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam. Đặc biệt là các nhà XK Việt Nam đã mở cửa thành công một số thị trường phát triển, giá cao, qua đó tăng cơ hội đa dạng hóa và giảm thiểu rủi ro thị trường.
“Tuy vậy, ngành rau quả Việt Nam vẫn còn phân tán, chưa được tổ chức hiệu quả và còn non nớt trên các thị trường quốc tế, xét đến sự gia tăng chính sách bảo hộ trong nền kinh tế thế giới, các rào cản phi thuế trong thương mại rau quả và đặc tính thời hạn sử dụng ngắn của rau quả hàng hóa thô”, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển NN-NT (Ipsard) nói.
Ông Nguyễn Đức Lộc từ Trung tâm Chính sách và Chiến lược NN-NT miền Nam (thuộc Ipsard) cho biết, XK rau quả nước ta liên tục tăng mạnh qua từng năm nhưng thực tế vẫn chưa tương xứng tiềm năng. Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ bé (1%) trên thị trường XK rau quả thế giới.
Trong khi thị trường rau quả có tỷ trọng lớn nhất trong nhóm thực phẩm tươi sống toàn cầu. Trong đó, rau và trái cây chiếm tới hơn 59% và có tốc độ tăng trưởng 2,88% trong giai đoạn 2016 - 2021. Đặc biệt, trong thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ rau quả tươi và chế biến trên thị trường thế giới dự báo sẽ tăng. Đây có thể coi là cơ hội tốt cho rau quả Việt Nam mở rộng XK sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…
Theo ông Lộc, nhu cầu cung ứng sản phẩm chất lượng được chứng nhận đang tăng lên nhanh chóng. Nhiều loại rau quả của Việt Nam với chứng nhận chất lượng đã có mặt trên nhiều thị trường khó tính. Điều này tạo động lực mới cho ngành rau quả của Việt Nam trong định hướng phát triển rau quả sạch, đạt chuẩn chất lượng, ATVSTP và có thể truy xuất nguồn gốc.
Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để phát triển thị trường rau quả như trồng và thu hoạch rải vụ, để tránh đối đầu với các sản phẩm trái cây của Trung Quốc, Thái Lan; nâng cao chất lượng, VSATTP của sản phẩm bằng chứng nhận GAP; cấp mã số vùng trồng cho các sản phẩm đảm bảo chất lượng… Tuy nhiên, hiện Việt Nam cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc bảo quản rau quả để XK và sự liên kết giữa DN và người SX.
Cũng như thanh long, thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất của các loại rau quả khác và chủ yếu vẫn là xuất tiểu ngạch. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, rau quả XK sang Trung Quốc hết quý I/2017 đạt 512 triệu USD, chiếm 73% tổng giá trị kim ngạch XK mặt hàng này của cả nước. Trước đó, năm 2016, báo cáo của Bộ Công thương cho biết, Trung Quốc là thị trường NK lớn nhất các loại rau quả của Việt Nam với mức tăng trưởng cao, 45,8%, đạt kim ngạch 1,74/2,46 tỷ USD; địa bàn XK mặt hàng rau quả tập trung chủ yếu ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn và khu vực cửa khẩu Lào Cai.
Ảnh: Tân Yên
Ông Nigel Smith, Tổng GĐ Cty TNHH Fine Fruit Asia nhận định, rau quả đang là mặt hàng chiếm ưu thế trong XK nông sản và Việt Nam đang trở thành một trong những đối tác quan trọng trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, điều hạn chế là rau quả của Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều nhất vào sản phẩm XK hàng đầu là thanh long, mặt hàng này chiếm tới 82% trong tổng kim ngạch XK rau quả cả nước. Hiện Trung Quốc thống trị cầu XK của thanh long Việt Nam (chiếm tới 91%).
Cần đa dạng hóa sản phẩm và thị trường
Nhiều chuyên gia nhận định, SX còn nhỏ lẻ và tính hợp tác trong mối quan hệ giữa nhà SX và XK còn thiếu ổn định. Điều này khiến cho Việt Nam khó có thể đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường... Do vậy, ông Nigel Smith cho rằng, Việt Nam cần đa dạng hóa các sản phẩm rau quả hơn; đồng thời hướng vào các nhóm sản phẩm có thế mạnh, tiềm năng cạnh tranh và có quy mô lớn để kết nối thị trường đầu ra…
“Điểm mạnh của SX rau quả ở Việt Nam là kiến thức về kỹ thuật SX tốt, hệ thống nghiên cứu và khuyến nông rất phổ biến và có hiệu quả. Hậu cần và hải quan hiệu quả nhưng đắt. Cần có năng lực cao hơn trong Bộ NN-PTNT về quản lý hệ thống các quy trình XK để hỗ trợ khả năng cạnh tranh của ngành rau và trái cây Việt Nam.
Các Bộ, ngành cần xây dựng quan hệ đối tác 3 chiều thực sự giữa DN, nông dân và Chính phủ ở cả cấp khu vực và cấp ngành với mục tiêu chung là xây dựng nhóm rau, trái cây cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Nigel Smith kiến nghị.
Đại diện Tập đoàn PAN cho hay, Việt Nam có nhiều thuận lợi, ngoài điều kiện đất, nước, khí hậu thì Chính phủ Việt Nam cũng đặt mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp hướng đến hiệu quả, chất lượng cao hơn và với mục tiêu tăng trưởng kép 3,5 - 4% từ năm 2016 - 2020, trong đó định hướng vào ngành nông nghiệp công nghệ cao.
Cùng với đó, người dân và DN đang chú trọng nhiều hơn vào các sản phẩm đảm bảo VSATTP, dẫn đến nhu cầu đối với sản phẩm sạch tăng cao. Điều này tạo ra sức cạnh tranh cao hơn đối với các sản phẩm rau quả của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Nhiều chuyên gia dự báo, thị trường rau quả trong thời gian tới sẽ tăng lên nhanh chóng về nhu cầu. Do vậy, việc mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, xây dựng chất lượng và thương hiệu cho ngành hàng rau quả với tư cách là ngành hàng chiến lược quốc gia trong tương lai là điều hết sức cần thiết.
Trong 7 năm qua, nhất là 3 năm trở lại đây, XK rau quả liên tục lập kỳ tích về nhiều mặt, cả tốc độ tăng trưởng, kim ngạch và mở rộng thị trường, nhất là những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng...
Theo Bộ NN-PTNT, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 30%/năm, kim ngạch XK rau quả giai đoạn 2010 - 2014 đạt trung bình 818 triệu USD/năm, năm 2015 đạt 1,8 tỷ USD, năm 2016 đạt 2,46 tỷ USD; nhiều loại trái cây của Việt Nam đã được nhiều thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand... chấp nhận.
Có thể bạn quan tâm
Bệnh bạc lá lúa (xanthomonas campestris pv. oryzae dowson), là bệnh do vi khuẩn gây ra. Đây có thể xem là loại bệnh “nan y” với cây lúa
Khi hạt giống đã nứt nanh thì dừng ủ nóng, chỉ để giống nơi thoáng mát là được. Kiểm tra, thấy mầm hạt giống phát triển dài bằng 1/2 - 2/3 hạt thóc thì đem gieo
Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Thuận như trồng thanh long leo giàn, trồng dưa lưới trong nhà màng không chỉ cho thấy sự nổi bật về tính hiện đại