Rau Má Lãi Gấp 4 Lần Trồng Lúa
Bình Định đang trong mùa nắng nóng gay gắt, nhu cầu giải khát của người dân tăng cao, đây là điều kiện để cây rau má ở phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) tăng giá.
Lãi gấp 4 lần trồng lúa
Hiện nay, giá rau má được thương lái thu mua tại ruộng 5.000đ/kg, tăng gần gấp đôi so với đầu năm. Hàng trăm hộ dân trồng rau má ở Nhơn Phú đang phấn khởi vì có thu nhập cao.
Ở HTXNN1 Nhơn Phú thuộc phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) có 270 ha đất nông nghiệp thì đã có đến 110 ha chuyên canh cây rau.
Ông Nguyễn Văn Mùi, Chủ nhiệm HTX cho biết: Nông dân ở đây tận dụng đất vườn thừa, đất chân cao thiếu nước, ruộng rập… không SX lúa được chuyển sang trồng rau. Hầu hết những diện tích rau ở đây đều nằm cao hơn kênh mương thủy lợi nên phải được tưới bằng giếng đóng.
“Hiện đang mùa nắng nóng, mạch nước ngầm cạn kiệt nhưng bà con vẫn đang duy trì được 80 ha rau. Trong đó, có 50 ha rau má, 20 ha rau muống, còn lại là bầu, bí, khổ qua…Đang mùa nắng nóng nên rau má tăng lên 5.000đ/kg, cao gần gấp đôi so hồi đầu năm nên bà con trồng rau rất phấn khởi”, ông Mùi nói.
Theo ông Mùi, rau má là loại cây úng không ưa khô không chịu, nên người trồng phải tưới từng phiên, cách 5-7 ngày tưới 1 lần để đất đủ độ ẩm. Từ khi trồng, 30 ngày sau là thu hoạch 1 lứa. Trừ những tháng mùa mưa, mỗi năm rau má cho thu hoạch 8 lứa.
Sau khi trồng, đến lúc cây rau má cao khoảng 10-12cm thì thu hoạch, 1 sào bình quân cho sản lượng 500kg.
Chủ nhiệm HTXNN1 Nhơn Phú, ông Nguyễn Văn Mùi, tính toán: “Với giá rau 5.000đ/kg như hiện nay, mỗi lứa, 1 sào rau bán được 2,5 triệu đồng (500kg). Sau khi trừ hết chi phí, mỗi sào rau má còn lãi ròng được hơn 600 ngàn đ. Như vậy, 1 ha rau má mỗi lứa thu được gần 12,3 triệu đồng tiền lãi. Một năm làm 8 lứa, vị chi 1 ha rau má mỗi năm thu được gần 100 triệu đ. Với mức thu nhập này, trồng rau má nông dân có lãi gấp 4 lần so với làm lúa”.
Nhờ trồng rau má mà hầu hết các hộ dân ở HTXNN1 Nhơn Phú khấm khá hẳn lên. Ví như hộ anh Nguyễn Văn Qúa, ở KV 5 trồng được 5.500 m2 rau má, mỗi năm cho lợi nhuận không dưới 100 triệu đ. Anh Qúa phấn khởi: “Chi phí cho cây rau má lúc ban đầu khá cao, khoảng 3,5 triệu đ/sào (500 m2). Thế nhưng bù lại cho thu nhập cao, lãi khá nên tui quyết định đầu tư trồng chuyên canh cây rau má”.
Đầu ra thênh thang
“Chỉ còn vài tháng nữa là đến mùa mưa, những diện tích trồng rau má sẽ bị phó mặc cho trời, không còn thu hoạch nên thời điểm này giá rau tăng cao giúp nông dân có tiền tích lũy để chi phí trong thời điểm ruộng rau bị bỏ già”, ông Nguyễn Văn Mùi, Chủ nhiệm HTXNN1 Nhơn Phú.
Vừa hái rau, chị Vân ở KV 5 phường Nhơn Phú, người đang trồng được 4 đám rau má (3 sào/đám), vừa trò chuyện: “Trồng rau má chỉ sợ rau không tốt bán giá thấp chứ không sợ đầu ra. Thương lái đặt hàng trước, đến kỳ thu hoạch là về tận ruộng thu mua.
Người trồng rau má ở đây chia đất ra trồng theo lứa để cách vài ngày là có thu hoạch. Mỗi chủ ruộng rau đều có bạn hàng riêng nên chuyện mua bán rau ở đây không có chuyện tranh mua, tranh bán”.
Rau má ở Nhơn Phú không chỉ được tiêu thụ ở thị trường TP Quy Nhơn và các chợ lân cận, mà còn được thương lái đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên.
Mỗi năm, hơn 340 hộ trồng rau má ở Nhơn Phú cung ứng ra thị trường khoảng 5.000 tấn rau má.
Để cây rau má Nhơn Phú phát triển bền vững, từ năm 2013, Trạm Khuyến nông TP. Quy Nhơn phối hợp với HTXNN1 Nhơn Phú xây dựng mô hình trồng rau má sử dụng phân bón sinh học, nhằm hướng người trồng rau áp dụng các biện pháp SX rau an toàn để đảm bảo sức khỏe cho cả người trồng rau và người tiêu dùng. Nông dân nơi đây cũng đang tính đến việc xây dựng thương hiệu "Rau má Nhơn Phú" để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Ở làng rau Nhơn Phú vào thời điểm này, trên các cánh đồng thuộc KV 3, KV 5 đang bao phủ một màu xanh mát mắt của cây rau má. Mỗi chiều đến, chủ những ruộng rau đã đến lứa cắt đồng loạt cầm dao liêm (liềm cắt) ra đồng thu hoạch rau má. Rau được cắt tới đâu, những chủ ruộng múc nước trong chiếc thùng để bên cạnh tưới lên vùng rau sắp cắt tới đó. Thấy tôi nhìn ngạc nhiên, chị Hai, một chủ ruộng rau má vừa cười vừa giải thích: “Là để cho rau tươi, dễ cắt”.
Thu hoạch rau má không rầm rộ như gặt lúa, thế nhưng nhìn những chủ ruộng rau, niềm vui được thể hiện rất rõ trên gương mặt của họ. Bởi một lẽ đơn giản, trời càng nắng nóng rau má càng được ăn mạnh với giá cao!
Có thể bạn quan tâm
Nhờ thực hiện cơ giới hóa đồng ruộng một cách hiệu quả, những năm gần đây, năng suất và sản lượng tại nhiều cánh đồng Đại Lộc không ngừng tăng lên.
Đó là vợ chồng anh Nguyễn Văn Xuân, chị Phan Thị Thanh Dung, ở xóm 2, thôn Phương Hạ, xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, với mô hình kinh tế tổng hợp VAC, cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Vợ chồng anh Xuân là tấm gương điển hình trong phong trào xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Đến xã Tân Phú (huyện Tân Kỳ - Nghệ An) những ngày cuối tháng 4, dưới ánh nắng vàng trải đều trên những cánh đồng dưa nằm xen giữa những vườn cao su, dẫn chúng tôi đi, anh Hồ Sỹ Vân - Chủ tịch xã vui mừng cho biết: "Thêm một vụ dưa hấu mang lại thu nhập cao cho người nông dân, khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đây là năm thứ hai, người dân Tân Phú trồng dưa hấu xen cao su".
Năm 2012, trên địa bàn tỉnh xảy ra khá nhiều dịch bệnh trên đàn vật nuôi như tai xanh, lở mồm long móng… đã làm ảnh hưởng phần nào đến phát triển chăn nuôi của toàn tỉnh.
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trung tâm Ứng dụng chuyển giao kỹ thuật NN&PTNT TP.Tam Kỳ thí điểm nuôi cá diêu hồng lồng bè trên sông Tam Kỳ. Với kết quả khả quan ban đầu, mô hình này mở ra hướng phát triển kinh tế cho nhiều người dân.