Trang chủ / Gia súc-Gia cầm / Nuôi gà

Quy Trình Làm Đệm Lót Nền Chuồng Gà

Quy Trình Làm Đệm Lót Nền Chuồng Gà
Ngày đăng: 28/08/2013

Hiện nay, bà con nông dân ở một số nơi sử dụng chế phẩm sinh học Balasa N01 (của tác giả Nguyễn Khắc Tuấn, giảng viên Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội) để xử lý mùi hôi của chất độn chuồng trong chăn nuôi gà và mang lại hiệu quả cao.

* Về lợi ích khi sử dụng chế phẩm Balasa N01 để xử lý chất lót nền chuồng:

- Làm tiêu hết phân: mùi hôi thối, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn, tạo môi trường sống tốt, không ô nhiễm.

- Cải thiện môi trường sống cho người lao động.

- Tạo cơ hội phát triển chăn nuôi ngay ở nơi dân cư đông đúc.

- Sẽ không phải thay chất độn lót trong suốt quá trình nuôi, giảm tối đa nhân công dọn chuồng và nguyên liệu làm chất độn lót chuồng.

- Giảm rõ rệt tỷ lệ mắc bệnh đặc biệt là bệnh tiêu chảy và bệnh hen ở gà. Giảm tỷ lệ chết và loại thải (gà đẻ 5%, gà thịt 2%). Vì vậy, giảm công và chi phí thuốc trong việc chữa trị con vật bị bệnh.

- Tăng chất lượng đàn gà và chất lượng của sản phẩm.

- Khi úm trên đệm lót sẽ giúp cho gà con khỏe mạnh, đồng đều, ít bị bệnh và tăng trưởng tốt sau này. Gà nuôi trên nền đệm lót không bị thối bàn chân, không bị què chân, lông tơi, mượt và sạch. Thịt chắc, thơm ngon, giảm tồn dư kháng sinh.

- Giảm được công việc nặng nhọc trong việc thường xuyên thay đệm lót.

- Chi phí chung sẽ ít hơn nên thu nhập tăng lên.

* Về kỹ thuật khi áp dụng chế phẩm vi sinh này vào chuồng nuôi, bà con cần thực hiện đúng quy trình như sau:

Đối với nền chuồng: Nền có thể láng xi-măng hoặc lát gạch. Nếu nền chuồng là nền đất, chỉ cần nện đất thật chặt, không cần láng xi-măng, lát gạch sẽ tốt hơn và giảm được chi phí xây dựng.

I. Phương pháp làm đệm lót dùng úm gà, nuôi gà thịt trên nền:

- Làm đệm lót cho 25m2 nền chuồng theo các bước sau:

Bước 1: Rải trấu lên toàn bộ nền chuồng dày 10cm, sau đó thả gà vào.

Bước 2: Sau một thời gian (sau 7 - 10 ngày đối với gà nuôi úm, sau 2 - 3 ngày đối với gà nuôi thịt) quan sát trên bề mặt chuồng khi nào thấy phân rải kín (nền chuồng dơ), ta dùng tay hoặc cào cán ngắn để cào sơ qua lớp mặt đệm lót (lưu ý: Khi cào nên dồn gọn gà về từng phía một để tránh gây xáo trộn đàn gà).

Bước 3: Sau khi cào lớp mặt xong thì rắc đều chế phẩm men đã được pha chế lên toàn bộ bề mặt đệm lót, sau đó dùng tay xoa trên mặt để men được phân tán đều khắp.

- Cách làm chế phẩm men:

Lấy 1kg chế phẩm sinh học trộn đều với 5 - 7 kg bột bắp hoặc cám gạo, cho thêm khoảng 2,5 - 3,2 lít nước sạch, trộn cho ẩm đều, sau đó cho vào túi hoặc thùng và để chỗ ấm và mát, ủ trong 2 - 3 ngày là sử dụng được. Như vậy, cần phải ủ chế phẩm men vi sinh trước khi rắc men 2 - 3 ngày.

II. Phương pháp làm đệm lót lên men để nuôi gà đẻ trên lồng tầng:

1. Đối với chuồng nuôi đã có sẵn:

Do khoảng cách giữa đáy lồng với nền chuồng chỉ khoảng trên dưới 50 cm nên khó thao tác, vì vậy phải tiến hành lên men nguyên liệu làm đệm lót ở bên ngoài sau đó mới đưa vào chuồng. Cụ thể như sau:

Chuẩn bị: Để làm cho 25 m2 diện tích đệm lót chuồng.

- Đem 1 kg Balasa N01 trộn 5 kg bột bắp và cám gạo cho vào thùng, thêm 180 lít nước sạch, đậy kín để vào chỗ ấm trong 2 ngày sẽ được dịch lên men (hỗn hợp 1).

- Tiếp tục lấy hơn 2,5 lít dịch lên men đã làm ở trên cho thêm vào 5 kg bột bắp và cám gạo trộn cho ẩm đều (hỗn hợp 2).

* Cách lên men chất độn ở bên ngoài:

Bước 1: Rải đều lớp mùn cưa dầy 10 cm lên nền nhà.

Bước 2: Rắc đều hỗn hợp 2 lên trên mặt độn lót.

Bước 3: Tưới hỗn hợp 1 và rắc đều bã còn lại lên trên mặt độn lót sau đó xoa nhẹ lớp trên mặt.

Chú ý: Nếu chất đệm là loại khó thấm nước thì cần tưới nước men (hỗn hợp 1) làm nhiều lần giúp dịch men thấm đều.

Bước 4: Dùng bạt phủ kín. Sau vài ngày, nếu sờ thấy đệm lót ấm nóng là có thể sử dụng được.

* Hoàn thiện đệm lót lên men trong chuồng nuôi:

Bước 1: Rải trấu hoặc mùn cưa lên nền chuồng đạt độ dầy 20 cm.

Bước 2: Rải đều 10 cm mùn cưa đã được lên men ở bên ngoài lên trên mặt là được.

2. Đối với chuồng làm mới:

Nếu nơi nào đất cao có thể đào nền chuồng nơi thải phân xuống sâu 30 cm, để nguyên đất nện không phải láng xi-măng.

Sẽ làm đệm lót ngay trong chuồng. Cách làm như sau:

Bước 1: Rải trấu lên nền chuồng đạt độ dầy 20 cm. Sau đó rải tiếp 10 cm mùn cưa.

Bước 2: Rắc đều 5 kg bột bắp và cám gạo đã xử lý men lên trên mặt độn lót.

Bước 3: Tưới đều dịch lên men và rắc đều bã còn lại lên trên mặt độn lót sau đó xoa nhẹ lớp trên mặt.

Bước 4: Dùng bạt phủ kín. Sau vài ngày, sờ thấy đệm lót ấm nóng là có thể sử dụng được.

Để góp phần nâng cao hiệu quả của chế phẩm Balasa N01, người chăn nuôi cần áp dụng chế phẩm vi sinh Balasa N01 đúng quy trình như đã hướng dẫn, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm bệnh tật, từng bước thay đổi quy trình nuôi theo hướng an toàn sinh học.


Có thể bạn quan tâm

Kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học - Phần 2 Kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học - Phần 2

Gà là một trong số con vật nhạy cảm, nên tuyệt đối không cho gà ăn thức ăn bị ôi mốc, nhiễm nấm, thối rữa.

23/10/2018
Kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học - Phần 3 Kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học - Phần 3

Bệnh cầu trùng thường làm tăng tỷ lệ tử vong cho gà nhỏ, gà phát triển chậm, yếu, dễ bị bội nhiễm các bệnh khác.

23/10/2018
Yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới thành tích: bổ sung khoáng vi lượng cải thiện năng suất gà Yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới thành tích: bổ sung khoáng vi lượng cải thiện năng suất gà

Yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới thành tích: bổ sung khoáng vi lượng cải thiện năng suất gà mái giống

25/10/2018
Kỹ thuật chuẩn bị chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học Kỹ thuật chuẩn bị chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học

Người nuôi cần nắm vững yêu cầu kỹ thuật chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học nhằm đạt năng suất cao, chất lượng gà tốt, nâng cao nguồn thu nhập

26/10/2018
Xây chuồng 2 tầng nuôi gà thu lãi trăm triệu Xây chuồng 2 tầng nuôi gà thu lãi trăm triệu

Mô hình nuôi gà bằng cách xây chuồng 2 tầng giúp ông Hồ Văn Út (Vĩnh Long) có lợi nhuận hơn 300 triệu đồng mỗi năm.

30/10/2018