Quy trình chuẩn chôn lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi thế nào?
Anh Đào Văn Đức (xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) gọi điện đến đường dây nóng Báo NNVN tỏ ra lo lắng khi hàng xóm chôn lợn bị dịch ngay trong vườn cách giếng nước nhà anh chừng 20 m, liệu có nguy hiểm?
Khi lợn chết cần báo cơ quan thú y địa phương
Quy trình báo cáo dịch tả Châu Phi
Lo lắng của anh Đức cũng là tâm tư của rất nhiều bạn đọc đã phản ánh, thắc mắc gửi đến Báo Nông nghiệp Việt Nam suốt thời gian diễn ra dịch tả lợn Châu Phi vừa qua. Vậy theo khuyến cáo của FAO, OIE và Bộ NN-PTNT việc chôn lấp, tiêu hủy lợn dương tính với dịch tả lợn Châu Phi theo đúng quy trình nên thực hiện như thế nào?
Hiện tại, tại Trung ương và tất cả 63 tỉnh thành đều đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật từ cấp tỉnh, cấp huyện cho tơi cấp xã đối với những địa phương đã xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi.
Theo đúng quy trình, khi thấy lợn bị chết hoặc có dấu hiệu mắc bệnh người chăn nuôi có trách nhiệm thông báo cho cán bộ thú y xã hoặc thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật cấp xã để cán bộ thú y huyện tới lấy mẫu xét nghiệm xem có dương tính với dịch tả lợn châu Phi hay không để làm căn cứ thống kê, tiêu hủy hỗ trợ sau này. Bên cạnh đó, tùy quy mô, mức độ của ổ dịch mà có các biện pháp tiêu độc, khử trùng, vệ sinh, lập chốt phù hợp.
Tuy nhiên, hiện nay do dịch xảy ra quá nhiều nên một số địa phương đã bỏ qua khâu xét nghiệm nếu nhận thấy biểu hiện lợn chết do dịch tả lợn Châu Phi quá rõ ràng để việc tiêu hủy được nhanh chóng, kịp thời tránh để lợn chết lâu gây ô nhiễm và nguy cơ phát tán dịch bệnh.
Việc tiêu hủy lợn và sản phẩm của lợn bệnh dịch tả lợn Châu Phi bắt buộc và phải thực hiện đúng quy trình, bởi virus dịch tả lợn Châu Phi có sức đề kháng cao, có khả năng chịu được ở nhiệt độ thấp, virus có thể tồn tại trong phân, máu, bài tiết, thịt xương, của lợn nhiều tuần cho tới vài tháng, thậm chí một nghiên cứu tại Bỉ cho thấy virus dịch tả lợn Châu Phi tồn tại trong xác lợn rừng chết tới 6 tháng.
Tuyệt đối không được vứt xác lợn ra sông suối ao hồ kênh rạch
Do đó, bà con chăn nuôi vì chính mình, họ hàng, làng xóm và cộng đồng tuyệt đối không được vứt xác lợn chết ra ngoài sông, suối, ao, hồ, kênh, rạch bởi khi đó việc kiểm soát dịch bệnh tả Châu Phi sẽ khó hơn gấp nhiều lần.
Nguyên tắc tiêu hủy lợn dịch tả Châu Phi
Đầu tiên khi xác định được lợn dương tính với dịch tả lợn châu Phi, cần phải tiến hành làm chết động vật bằng điện hoặc phương pháp khác.
Lợn trước khi tiêu hủy cần được làm chết
Địa điểm tiêu hủy phải theo hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo khuyến cáo của OIE và FAO nên ưu tiên chọn địa điểm tiêu hủy ngay tại khu vực chăn nuôi có động vật mắc bệnh hoặc địa điểm thích hợp khác gần khu vực có ổ dịch để hạn chế việc vận chuyển xác lợn đi xa khiến virus phát tán ra ngoài môi trường ảnh hưởng tới các khu chăn nuôi an toàn khác.
Biện pháp tiêu hủy
Phương tiện, dụng cụ được sử dụng để vận chuyển phụ phẩm và sản phẩm khác đến địa điểm tiêu hủy phải có sàn kín để không làm rơi vãi máu và chất thải của lợn trong quá trình vận chuyển. Phải được vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước và sau khi vận chuyên đến địa điểm tiêu hủy, người tham gia vào quá trình tiêu hủy lợn bệnh, nghi lợn bệnh cần phải thực hiện vệ sinh, sát trùng để tránh làm lây lan mầm bệnh.
Hiện theo khuyến cáo có hai biện pháp tiêu hủy chính là chôn và đốt, nhưng đa phần các địa phương chọn chôn lấp bởi việc đốt vừa không có lò chuyên dụng lại tốn kém tiền bạc.
Trường hợp địa điểm tiêu hủy ở ngoài khu vực có ổ dịch, xác động vật, sản phẩm động vật phải được cho vào bao, buộc chặt miệng bao và tập trung bao chứa vào một chỗ để phun khử trùng trước khi vận chuyển. Trường hợp động vật lớn không vừa bao chứa phải sử dụng tấm nilon hoặc vật liệu chống thấm khác để lót bên trong (đáy và xung quanh) thùng của phương tiện vận chuyển.
Nhưng thực tế hiện quy định này các địa phương hầu như không tuân thủ tuyệt đối nên cũng là một nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan, phát tán mạnh hơn.
Chôn lợn là biện pháp tiêu hủy phổ biến nhất hiện nay
Quy cách hố chôn
Địa điểm hố chôn được khuyến cáo phải cách nhà dân, giếng nước, nguồn nước khu chuồng nuôi động vật tối thiểu 30m và có đủ diện tích, nên chọn nơi chôn trong vườn (tốt nhất là vườn cây ăn quả hoặc lấy gỗ). Kích cỡ hố chôn phải đủ rộng phù hợp với khối lượng động vật, sản phẩm động vật và chất thải cần chôn, theo quy định phải sâu từ 1,5 - 3 mét.
Các bước chôn lấp
Sau khi đào hố, cần rải bạt sau đó rải lớp vôi củ (vôi chưa tôi) xuống đáy hố theo tỷ lệ khoảng 1 kg vôi/m2, cho bao chứa xuống hố, phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột lên trên bề mặt, lấp đất và nện chặt; yêu cầu khoảng cách từ bề mặt bao chứa đến mặt đất tối thiểu là 0,5m, lớp đất phủ bên trên bao, phải chứa dày ít nhất là 1m và phải cao hơn mặt đất để tránh nước chảy vào bên trong gây sụt, lún hố chôn. Phun sát trùng khu vực chôn lấp để hoàn tất quá trình tiêu hủy.
Cần chôn lấp đúng quy cách khi tiến hành chôn lợn
Quản lý hố chôn
Hố chôn xác động vật phải có biển cảnh báo người ra vào khu vực. UBND cấp xã có trách nhiệm quản lý, tổ chức kiểm tra định kỳ và xử lý kịp thời các sự cố sụt, lún, xói mòn, rò rỉ, bốc mùi của hố chôn. Địa điểm chôn lấp phải được đánh dấu trên bản đồ của xã, ghi chép và lưu giữ thông tin tại ủy ban nhân dân cấp xã. Trường hợp thuê các tổ chức, cá nhân khác thực hiện tiêu hủy, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương tổ chức giám sát việc thực hiện, bảo đảm tuân thủ kỹ thuật theo quy định.
Đặc biệt, bà con chỉ được phép tái đàn chăn nuôi lợn khi có sự đồng ý, khuyến cáo của cơ quan thú y và chức năng địa phương, tuyệt đối không được tự ý chăn nuôi lợn khi chưa có sự hướng dẫn của thú y để tránh dịch bệnh bùng phát trở lại.
Có thể bạn quan tâm
Kích thước, hương vị, thành phần và hàm lượng dinh dưỡng, mùi, kết cấu và màu sắc. Tất cả đều có ảnh hưởng đến lượng thức ăn của heo con
ASF lây truyền qua sự tiếp xúc. Ít hơn nhiều so với cách thức lan truyền virus của dịch tả heo cổ điển, do đó, việc phòng ngừa và kiểm soát chúng sẽ dễ dàng hơn
Để hạn chế dịch bệnh LMLM xảy ra trên các đàn vật nuôi, chúng ta cần nắm vững một số kiến thức sau: