Quý I/2018: Nông nghiệp tăng cao nhất 13 năm gần đây
Theo Tổng cục Thống kê, quý I/2018, tốc độ tăng trưởng GDP nông, lâm sản và thủy sản đạt 4,05% - mức tăng cao nhất trong 13 năm gần đây. Đây là thành tích lớn của ngành đóng góp chung vào tăng trưởng cao của cả nước.
Trồng trọt, đặc biệt giá gạo XK ổn định đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp quý I/2018
Trồng trọt ghi dấu ấn
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 3/4, Bộ NN-PTNT dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết: Giá trị SX nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2018 ước đạt 189,5 nghìn tỉ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,92% (trong đó trồng trọt tăng 5,16%); lâm nghiệp tăng 5,15% và thủy sản tăng 4,96%.
Với mức tăng trưởng 5,16%, trồng trọt là lĩnh vực đóng góp nhiều “điểm sáng” nhất trong quý I/2018, tạo động lực giúp ngành đạt mức tăng trưởng cao. Riêng mặt hàng lúa gạo, hết quý I/2018 sản lượng lúa cả nước ước đạt khoảng 11,18 triệu tấn, tăng 571,6 nghìn tấn so với cùng kỳ năm ngoài (tăng 5,4%). Đáng mừng hơn, giá gạo XK có xu hướng tăng mạnh nhờ chất lượng gạo Việt Nam đang tăng lên (năm 2017, trong cơ cấu gạo XK chiếm 81% là gạo chất lượng cao). Dự báo, năm nay Việt Nam có khả năng XK được 6,5 triệu tấn gạo.
Cùng với lúa gạo, một số cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả đã thu hoạch, phần lớn đều đạt sản lượng tăng khá so với năm ngoái. Cụ thể, điều ước đạt 201 nghìn tấn, tăng 30%; hồ tiêu ước đạt 76,3 nghìn tấn, tăng 9,8%; xoài ước đạt 194,8 nghìn tấn, tăng 6,9%; cam, quýt ước đạt 284 nghìn tấn, tăng 4%… Đặc biệt, năm nay nhãn, vải ra hoa đạt tỷ lệ 95% hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Trước tín hiệu vui này, Bộ NN-PTNT đang giao Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phối hợp với các địa phương chuẩn bị xúc tiến tiêu thụ vải, nhãn đảm bảo đầu ra ổn định, hiệu quả.
Thủy sản và lâm nghiệp trong 3 tháng đầu năm cũng có mức tăng trưởng khá, đạt kế hoạch đề ra. Năm nay, thủy sản là lĩnh vực được giao chỉ tiêu cao với tổng sản lượng khoảng 7,5 triệu tấn và kim ngạch XK khoảng 10 tỷ USD. Để thực hiện chỉ tiêu này, ngay từ đầu năm, Tổng cục Thủy sản đã tập trung hướng dẫn các địa phương tăng cường SX nuôi tôm nước lợ và cá tra. Sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 3/2018 ước đạt 171 nghìn tấn, tăng 1,2% so với cùng kì năm trước, đưa tổng sản lượng 3 tháng đầu năm 2018 đạt 611 nghìn tấn, tăng 6,0%.
Đối với đánh bắt, thời tiết biển thuận lợi, nhiều địa phương trúng đậm ngay trong mùa đánh bắt đầu năm nên nhìn chung sản lượng thủy sản khai thác tăng khá. Lũy kế 3 tháng, sản lượng ước đạt 775,8 nghìn tấn, tăng 4% so với quý I/2017. Tính chung 3 tháng đầu năm, tổng sản lượng thuỷ sản ước đạt 1,38 triệu tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Công tác đàm phán, tháo gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam XK sang EU cũng đã và đang được Bộ NN-PTNT rốt ráo triển khai, nhất là thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản...
Xung quanh việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra của Việt Nam từ 2,39 USD/kg lên 7,74 USD/kg, Tổng cục Thủy sản cho biết với mức áp thuế này, cơ hội để XK cá tra của Việt Nam sang Hoa Kỳ là không thể. Hiện tại, VASEP và các cơ quan hữu quan của Việt Nam khẳng định việc cá tra của Việt Nam XK sang Hoa Kỳ không hề bán phá giá, mà nguyên nhân do giá thành SX, đặc biệt là nhân công và vật tư đầu vào của cá tra Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với Hoa Kỳ. Vì vậy, Tổng cục Thủy sản cùng VASEP đang khẩn trương chuẩn bị hồ sơ để khởi kiện lên Tòa án thương mại quốc tế Mỹ. Đồng thời, đang chuẩn bị kỹ các nội dung để làm việc với đoàn làm việc của Hoa Kỳ dự kiến sang Việt Nam đánh giá sự tương đương trong SX cá tra tại Việt Nam (dự kiến tháng 9/2018).
Về lâm nghiệp, trong 3 tháng đầu năm, điều kiện thời tiết thuận lợi, các địa phương ở miền Bắc đã triển khai trồng rừng với kết quả cao hơn so với cùng kỳ năm 2017.
Cụ thể, trồng rừng tập trung đạt 24,3 nghìn ha, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 1.928,6 nghìn m3, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến 21/3/2018, cả nước đã trồng rừng thay thế 47.229ha, đạt 69% tổng diện tích phải trồng...
XK nhiều mặt hàng gặp khó
Mặc dù bứt phá mạnh mẽ về tăng trưởng GDP, tuy nhiên quý I/2018, một số lĩnh vực của ngành Nông nghiệp vẫn đang tồn tại, phát sinh nhiều vấn đề lớn. Sau giai đoạn dài rớt giá và chưa thể tăng trở lại, chăn nuôi là lĩnh vực duy nhất có mức tăng trưởng thấp hơn kế hoạch được giao.
3 tháng đầu năm, tổng kim ngạch XK nông lâm thủy sản cả nước đạt gần 8,7 tỉ USD, tăng tới 9,6%, tuy nhiên, một số mặt hàng nông sản chủ lực lại có dấu hiệu chững lại.
Cụ thể, kim ngạch XK các nhóm mặt hàng chủ lực như cà phê, cao su, chè, hồ tiêu đều giảm so với cùng kỳ năm 2017.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, sự biến động về tài chính, thương mại của các thị trường lớn trên thế giới có tác động bất lợi là nguyên nhân lớn khiến một số mặt hàng XK của Việt Nam bị giảm về kim ngạch và sản lượng thời gian qua.
Bên cạnh đó, nguồn cung trên thế giới dồi dào do được mùa trong niên vụ 2018 khiến cà phê tụt giá mạnh.
Trong khi đó, một số mặt hàng như cao su lại tụt mạnh về “cầu”, nhất là thị trường Trung Quốc khiến một số nước trong khu vực Đông Nam Á hiện nay cũng đang điều chỉnh giảm dần diện tích cao su.
Đối với hồ tiêu, việc Việt Nam chiếm tới trên 60% thị phần quốc tế, lại tăng mạnh về diện tích thời gian qua (gấp 3 lần quy hoạch), trong khi việc chế biến, bảo quản có hạn khiến chất lượng hồ tiêu chưa cao là nguyên nhân cốt lõi khiến XK hồ tiêu đầu năm 2018 khá ảm đạm.
XK nông lâm thủy sản vẫn đang đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật từ các nước
Đối với XK chè, việc một số thị trường truyền thống như Đài Loan, Trung Quốc ngày càng siết chặt về kiểm soát chất lượng cũng đang đặt ra cho ngành chè Việt Nam nhiều bài toán cần phải cải tổ mạnh mẽ thời gian tới...
Với tình hình tăng trưởng rất khả quan trong quý I/2018, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho biết, hiện Bộ NN-PTNT đã có báo cáo gửi Chính phủ về kế hoạch, giải pháp cũng như chương trình hành động cụ thể phát triển nông nghiệp - nông thôn trong năm 2018.
Theo đó, Bộ NN-PTNT tự tin và có cơ sở khi đặt mục tiêu đạt hoặc cao hơn đối với một số chỉ tiêu so với Chính phủ giao. Cụ thể, tốc độ tăng GDP toàn ngành phấn đấu đạt từ 3 - 3,05% (so với chỉ tiêu Chính phủ giao từ 2,8 - 2,9%); kim ngạch XK nông lâm thủy sản đạt 40 - 40,5 tỉ USD (so với 38 - 39 tỉ USD được giao, hiện đã đạt 21% kế hoạch); xây dựng NTM đạt tỉ lệ 39,5% số xã đạt chuẩn (so với 38% được giao, trong đó số huyện đạt chuẩn phấn đấu 54 huyện so với chỉ tiêu 52 huyện được giao)...
Để thực hiện được các chỉ tiêu này, Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định Bộ NN-PTNT đã đề ra 7 giải pháp căn cơ, chi tiết, có tính khả thi cao, trong đó, giải pháp về thị trường nông sản, đẩy mạnh XK đã được xác định là giải pháp ưu tiên nhất của toàn ngành trong năm 2018.
Có thể bạn quan tâm
Thu nhập từ nông nghiệp có thể cao gấp 2,4 lần lương của nhân viên văn phòng, ông Takebe Tsutomu, cố vấn đặc biệt của Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt
Phát triển mô hình trồng màu chuyên canh dưới ruộng nhằm phá thế độc canh cây lúa. Mô hình chuyên canh màu đã khẳng định hiệu quả, với thu nhập hàng trăm triệu
Nông trường Long Thành quy mô hơn 80 ha, mỗi ngày sản xuất hơn 10 tấn rau củ, quả các loại, đúng hơn có thể coi đây là nơi “trình diễn” công nghệ trồng trọt