Trang chủ / Hải sản / Tôm thẻ chân trắng

Quay trở lại những bài học cơ bản về nuôi tôm để đạt kết quả tốt

Quay trở lại những bài học cơ bản về nuôi tôm để đạt kết quả tốt
Ngày đăng: 31/08/2015

Hội chứng tôm chết sớm và hoại tử gan tụy tiếp tục ảnh hưởng đến các ao nuôi tại Malaysia từ cuối quý IV năm 2010. Sản lượng của tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vanamei giảm từ 69.084 tấn trong năm 2010 xuống còn 60.322 tấn năm 2011. Trong năm 2012, sản lượng tôm thẻ chân trắng là 48.992 tấn (Cục Thuỷ Sản Malaysia, 2014). Dữ liệu không chính thức năm 2013 cho thấy sản lượng tôm chân trắng giảm xuống 52.648 tấn. Sản lượng tôm sú cũng giảm từ 18.189 tấn (năm 2010) xuống 7.150 tấn (2011) và 6.577 tấn (2012), và ước tính khoảng 4.315 tấn trong năm 2013 (Cục Thuỷ Sản Malaysia). Với kế hoạch sản xuất của năm 2014, chúng tôi lạc quan rằng sản lượng cả 2 loài sẽ được cải thiện đáng kể.

Những ngày đầu tốt lành

Đó là một con đường dài đầy khó khăn cho nông dân nuôi tôm Malaysia và cả ngành công nghiệp phụ trợ. Thời gian 4 năm qua đã dạy cho chúng tôi một bài học rằng: nuôi tôm thành công không hề đơn giản, đòi hỏi phải trang bị kế hoạch rõ ràng, sự cương quyết và tầm nhìn xa. Trong thời kì vàng những năm 2010, rất nhiều nông dân nuôi tôm đã trúng lớn vì điều kiện môi trường ao nuôi tốt, giống mới tôm thẻ mới phát triển nhanh và mang lại những thành công kì diệu.

Người nuôi có thể thu hoạch tôm cỡ 70 con/ Kg trong 60 – 70 ngày nuôi. Tuy nhiên, với sản lượng trên, người nuôi bắt đầu trở lên tự mãn. Một số người nuôi quyết định rằng họ có thể tiếp tục thả nuôi mà không cần phải vệ sinh ao theo định kỳ. Một số khác tin rằng, càng cho tôm ăn nhiều thì tôm sẽ càng lớn nhanh. Họ không nhận ra được những hiểm họa và yếu tố bất lợi khi cho tôm ăn quá nhiều ngoài những lợi ích của việc tôm lớn nhanh. Những yếu tố khác như chất lượng nước và sản lượng thả nuôi đã không được chú trọng đến. Một số người nuôi từ bỏ những kỹ thuật cơ bản của nuôi tôm sạch và điều này bắt đầu dẫn tới tốn kém chi phí, những mầm bệnh phát sinh, giảm sản lượng và thất thu.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu để xác định và phát triển các giải pháp tìm ra nguyên nhân gây bệnh tôm chết sớm (EMS), vấn đề mà người nuôi tôm đang vật lộn để tồn tại. Rất nhiều trang trại nuôi vừa và nhỏ (10-50 ao) đã phải cắt vụ trong một năm hoặc treo ao nhiều năm. Những trang trại nuôi lớn hơn có thể chịu đựng được lâu hơn với những thất thoát giới hạn. Tuy nhiên ngay cả với những trang trại lớn (lớn hơn 200 ao) cũng chỉ có thể cầm cự được khoảng 2 năm.

Sản lượng tôm thu hoạch được – theo số liệu của Cục thủy sản Malaysia – là kết quả của rất nhiều yếu tố. Một trong số các yếu tố đó là sự kiên trì của những trang trại nhỏ hoặc là kết quả của những trang trại được quản lý thực sự tốt bởi của các ông chủ hoặc người quản lý với số lượng chỉ từ 5 – 6 ao. Yếu tố thứ hai là ảnh hưởng của sự tăng giá thần kỳ do nguồn cung giảm sút từ cuối quý IV/2013 và tháng giêng 2014. Tôm thẻ chân trắng size 70 con/kg đã chạm đến ngưỡng kỷ lục 28 Ringgit/kg (viết tắt RM – đơn vị tiền tệ của Malaysia – người dịch) tương đương 8.8 USD/kg, gần gấp 3 lần giá bán tại ao năm 2010 (3 USD/ Kg). Chính điều này thúc đẩy rất nhiều nông dân thả nuôi. Nông dân cũng có thể bán sản phẩm của họ sớm khoảng 30-45 ngày ở cỡ thu hoạch khoảng 250 con/kg. Với chi phí sản xuất thấp, người nuôi vẫn thu lợi nhuận với mức giá trung bình khoảng 1.89 USD/kg).

Liệu có phải là EMS?

Trong một hội thảo của hiệp hội thuỷ sản Malaysia, tiến sĩ Kua Beng Chu, viện nghiên cứu Thuỷ Sản Malaysia, đã báo cáo rằng trong hơn 12 mẫu tôm thu nhận để kiểm tra, hơn 50% trường hợp nhiễm AHPND đã bị chẩn đoán sai trong năm 2011 và trong năm 2012, chỉ 26% (5 trong 14 mẫu) là dương tính với AHPND. Chúng tôi không nói rằng AHPND không là mối nguy đối với tôm nuôi, nhưng vấn đề chúng tôi muốn nhấn mạnh là ngay cả khi các triệu chứng là không giống với EMS, chúng ta cũng phải phân tích cụ thể để xác định nguyên nhân tử vong của tôm. Chúng ta thường nhận được những phản ánh của nông dân rằng tôm của họ thường chết ở ngày thả nuôi thứ 55 hoặc 65, nhưng khi đem mẫu đi phân tích thì đều không thấy sự hiện diện của Vibro parahaemolyticus, vi khuẩn gây bệnh EMS (Loc Tran & cộng sự, 2013).

Theo quan điểm của chúng tôi, EMS được xem như “vật tế thần” cho các trường hợp tử vong của tôm. Công nhân và những nhà quản lý đã tìm ra một phương pháp dễ dàng để xử lý là đổ thừa cho EMS. Trong trường hợp này, họ trốn tránh câu trả lời thực sự rằng tỉ lệ chết là do các nguyên nhân khác như quản lý, chăm sóc kém, chất lượng nước không đảm bảo dẫn đến tôm bị stress và nhiễm bệnh (chẳng hạn như phân trắng, đốm trắng, hoại tử cơ (IMNV)). Chúng ta cũng nên không nên quên rằng có hàng trăm nguyên nhân gây ra bệnh trong môi trường nuôi.

Trong một cuộc khảo sát nhỏ được thực hiện tại Malaysia vào tháng 4 năm 2014 bởi Syndel Asia Snd Bhn bằng cách so sánh 19 trại nuôi, nông dân báo cáo những vấn đề với các mầm bệnh khác nhau. Hơn 30% nông dân phàn nàn về bệnh mềm vỏ, đốm trắng, phân trắng, Vibrio (không phải EMS) và ô nhiễm đáy ao. Trong khi những vấn đề khác bao gồm sự bất ổn định của tảo trong ao (28%) và đen mang (18%). Đây là những vấn đề phổ biến và đã được đề cập nhiều năm. Hầu hết chúng đều có thể được kiểm soát và có một số giải pháp được áp dụng xử lý rất hữu hiệu. Nông dân cần nâng cao nhận thức rằng, hiện tượng tôm chết sau 30 ngày có thể không phải là EMS và nên tuân theo các khuyến cáo phòng trị bệnh hay xử lý các tình huống khác trong ao nuôi.

Trong những ngày đầu tiên EMS bùng phát ở Malaysia, người nuôi đã thử mọi biện pháp có thể để có vượt qua bệnh dịch này. Họ bắt đầu phụ thuộc vào các hoá chất chưa từng được sử dụng ở những ao đã lây nhiễm trong quá trình nuôi. Đôi khi chiến lược này phát huy hiệu quả, và đôi khi không. Thực sự mọi chiến lược hoàn toàn không rõ ràng.

Rất nhiều nông dân sử dụng chlorine và các hoá chất khử trùng khác để “diệt tất cả” trong ao và trong nước. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm ở đây là liều sử dụng chlorine để có hiệu quả trong nước. Chlorine dễ dàng bị oxi hoá bởi các hợp chất hữu cơ, ammonia và nitrite trong ao nuôi. Khi ứng dụng liều hiệu quả chlorine thì tổng lượng chlorine tự do còn dư phải nằm trong khoảng 1-3 mg/l (Boyd, 2008). Liều lượng sử dụng cũng phụ thuộc và pH của nước, đối với pH thấp (2 – 6), chlorine phát huy tác dụng tốt trong khi pH bằng 7.5 khả năng khử trùng của chlorine giảm đáng kể (lưu ý là pH = 7,5 là giá trị pH thường gặp của nước ao trong suốt quá trình cải tạo ao). Và vì vậy, hàm lượng chlorine áp dụng trong ao phải cao khoảng 20-30 mg/l (hoặc ppm) nếu dùng loại Chlorine 65% calcium carbohydrate. Theo quan sát của chúng tôi, nông dân ở Malaysia sử dụng chlorine khoảng 6-8 ppm, và chỉ đủ nồng độ để diệt sinh vật phù du chứ không đủ để khử trùng và diệt các mầm bệnh không mong muốn. Ở liều lượng chính xác, chi phí trở thành nhân tố chủ yếu. Trong một khoảng thời gian dài, rất khó để giữ màu nước ao, màu nước ao trở nên không ổn định, các thông số môi trường thay đổi liên tục và dễ gây stress và bệnh cho tôm.

Những nông dân khác nhau thì sử dụng những cách khác nhau, họ không sử dụng bất kì sản phẩm dành cho ao nào khác ngoài vôi và thức ăn. Đôi khi họ thành công. Tuy nhiên, như chúng ta cũng đã biết, nguyên nhân gây bệnh là V. parahaemolyticus có thể bị nhiễm trong Post Larvae nhưng vi khuẩn phải lây nhiễm qua môi trường nuôi. Chín trên mười nông dân đã không thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh. Điều này vẽ lên một bức tranh vô cùng ảm đạm về tương lai của nghành nuôi tôm công nghiệp.

Tuy nhiên vẫn có những nông dân kiên trì tiếp tục thả nuôi và họ đã thành công. Họ đã làm điều đó như thế nào?

Quay trở lại những bài học cơ bản về nuôi tôm

Chúng tôi đã phát hiện ra rằng những nông dân này đã quay trở về với những vấn đề cơ bản nhất của kỹ thuật nuôi tôm. Họ duy trì thả nuôi và thu hoạch cỡ 100 con/kg sau hơn 100 ngày nuôi và thu hoạch 4-6 tấn tôm/ 0.5 ha. Họ chuẩn bị ao tốt trước mỗi vụ nuôi, các ao nuôi đều sạch, bỏ không canh tác 4-6 tuần. Không có hoá chất gây độc sử dụng trong suốt vụ nuôi, quản lý thức ăn nghiêm ngặt và chất lượng giống được tuyển chọn kĩ càng. Họ không chạy theo việc cải tạo ao, áp dụng quá trình phơi ao và họ chỉ nuôi 2 vụ/ năm.

Nếu có dịch bệnh phát sinh trong ao, trong vụ nuôi tiếp theo, đất và nước sẽ bị ô nhiễm và các vi khuẩn trong đất sẽ được sử dụng để làm sạch, phân giải các vật chất hữu cơ có thể chứa chấp các mầm bệnh. Cuối cùng, mật độ nuôi thẻ chân trắng được giảm xuống 80 con/m2. Điều quan trọng nhất, họ duy trì chất lượng nước tốt trong suốt vụ nuôi. Trong một cuộc khảo sát tương tự vào tháng 4, chúng tôi phát hiện ra rằng, nông dân duy trì tình trạng của ao thông qua việc ứng dụng vi sinh vật hữu ích trong ao nuôi. Họ cũng bổ sung thêm dinh dưỡng, vitamin và các chất chiết suất nấm men bổ sung vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, 54% các trại diệt các loài giáp xác để xác định rõ ràng các tác nhân mang virus bị loại trừ hoàn toàn trong ao.

Song song với các phương pháp trên, các thông số chất lượng nước được kiểm tra, duy trì và tối ưu. Bằng cách này, bất cứ vấn đề phát sinh nào cũng được nhanh chóng nhận biết và loại trừ. Chúng tôi đặc biệt khuyến cáo các trại nuôi kiểm tra nồng độ Vibrio trong nước, đất và ao trước mỗi vụ nuôi để chắc rằng mật số của Vibrio luôn ở mức an toàn. Trong khảo sát của chúng tôi, hơn 53% các trại nuôi không kiểm tra vi khuẩn Vibrio trong nước hoặc trong đất trước mỗi vụ nuôi. Sử dụng môi trường TCBS agar để kiểm tra Vibrio là phương pháp cực kỳ đơn giản để xác định vi khuẩn gây bệnh (khuẩn lạc xanh) so với các loài vi khuẩn khác (khuẩn lạc vàng, không nguy hiểm bằng khuẩn lạc xanh). Một cách lý tưởng, số lượng khuẩn lạc xanh nên ít hơn 105 CFU/ml trong tổng số khuẩn phát hiện trên đĩa. Điều đó có nghĩa nếu mật số vi khuẩn là 1 x 10^7 CFU/ml thì số lượng khuẩn lạc xanh nên ít hơn 1 x 10^2 CFU/ml.

Yếu tố khác chúng tôi thường đề cập, đã làm nên thành công của các trại nuôi là những vị trí cô lập của các trại. Ví dụ, những trại nuôi ở Johor, Sabah và Penang thường làm rất tốt. Các trại nuôi của họ có thể không hoàn toàn không nhiễm EMS nhưng họ có thể kiểm soát được tỉ lệ chết và không có một vụ nuôi thất bại. Bởi vậy, chúng tôi hiểu rằng, xây dựng các trại nuôi cách xa nhau cũng là 1 biện pháp kiểm soát an toàn sinh học, nếu điều đó là có thể. Và điều cuối cùng là sự cộng tác tốt giữa các trại nuôi.

Liên minh và cộng tác

Khi nông dân nhận thức được trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, thì với bất cứ dịch bệnh nào, họ cũng sẽ thông báo và cộng tác với nhau. Một số ao nuôi có thể trở thành công cụ của an ninh sinh học, ví dụ họ sẽ không tháo nước ra biển và sử dụng hệ thống nuôi kín trong suốt vụ nuôi. Những ao nuôi bị nhiễm bệnh nên được làm sạch, và họ cũng nên khử trùng nước kĩ càng trước khi xả ra ngoài môi trường. Chúng tôi cũng được biết rằng, rất nhiều nông dân hiên nay rất cởi mở trong việc áp dụng những phương pháp mới và hướng tiếp cận mới, và họ nhận ra rằng, học không thể tồn tại một mình được. Họ cần giúp mọi người trong cộng đồng và chính bản thân họ những kĩ thuật, kinh nghiệm và phương pháp. Tuy nhiên, chúng ta cũng mong muốn được nhìn thấy sự hợp tác tích cực hơn giữa nông dân và những nhà chức trách.

Thường xuyên theo dõi dịch bệnh

Một khía cạnh quan trọng trong cuộc chiến chống lại EMS là nhu cầu các nhân viên kĩ thuật được huấn luyện cẩn thận giúp chẩn đoán và theo dõi cách diễn tiến của bệnh trong các trại nuôi tại Malaysia. Trên thực tế, có rất ít những nhân viên kĩ thuật có thể chẩn đoán nhanh bệnh, nếu không thể, gửi ngay mẫu đến phòng thí nghiệm để kiểm tra cành nhanh càng tốt. Điều kiện lý tưởng là các trại nuôi đều có phòng thí nghiệm và nhân viên kĩ thuật để kiểm tra các thông số môi trường nước, vi khuẩn Vibrio, thậm chí thực hiện PCR test trên giống để kiểm tra những mầm bệnh phổ biến như đốm trắng, đầu vàng. Họ có thể giúp đỡ nông dân thực hiện những quy phạm vệ sinh tiêu chuẩn và giải quyết những vấn đề cơ bản phát sinh.

Tuy nhiên, thực tế những trại nuôi vừa và nhỏ không thể sẵn sàng đầu tư quy mô như vậy. Rất khan hiếm những kỹ sư thuỷ sản được huấn luyện kĩ càng ở Malaysia, những người có thể giải quyết những vấn đề phát sinh phức tạp. Các trại nuôi thường phải gửi mẫu đến các phòng thí nghiệm tư nhân hoặc của chính phủ, tuy nhiên, chúng thường xa trại và tốn thời gian để nhận kết quả, đôi khi là hàng tháng. Điều đó là quá trễ để có thể giúp nông dân. Chúng ta nên có những trung tâm phân tích đặt tại các vùng nuôi, thực hiện những phân tích thường xuyên với giá cả hợp lý. Tuy nhiên, mặc dù chẩn đoán trễ, chúng ta cũng phải gửi mẫu để kiểm tra điều gì thực sự xảy ra trong ao. Mặc dù vụ nuôi hiện tại không thể phục hồi nhưng những thông tin phân tích cũng sẽ rất hữu ích cho những vụ nuôi sau nếu có tình huống tương tự phát sinh.

Thực tế, mặc dù dịch bệnh EMS tiếp tục tác động đến hoạt động nuôi tôm, nhưng chúng ta đã nhìn thấy những dấu hiệu của sự phục hồi. Nông dân quay trở về với cách nuôi truyền thống và đảm bảo các điều kiện môi trường tối ưu trước khi thả giống.

Rất nhiều nông dân nhận ra cho ăn dư không phải là một giải pháp tốt và tốn nhiều chi phí hơn. Nông dân trở nên thực tế hơn về mục tiêu sản lượng và nhận thức tốt hơn về những mối nguy dịch bệnh. Hi vọng rằng, phong trào này sẽ tiếp tục phát triển và chúng ta sẽ đón nhận những vụ nuôi thành công trong những năm sắp tới.

Tags: nuoi tom dat ket qua tot, nuoi tom, nuoi trong thuy san, tom the chan trang


Có thể bạn quan tâm