Quảng Ninh đẩy mạnh công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp
Từ năm 2021 đến nay, đã kiểm soát 1.992 lượt tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên cập cảng, rời cảng tại cảng Cái Rồng.
Sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng là 2.464 tấn, thu 891 cuốn nhật ký khai thác, nhật ký thu mua thủy sản. Cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 185/209 tàu cá (đạt 88,5%); kiểm tra, thẩm định và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho 199/209 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên (đạt 95,2%); đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 209 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên (đạt 100%). Công tác thông tin tuyên truyên được chú trọng góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và ngư dân khai thác thủy sản trong thực hiện công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguôn lợi thủy sản và chống khai thác hải sản bât hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Với sự vào cuộc tích cực của ngành, địa phương và các đơn vị chức năng, trong thời gian qua công tác chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo (IUU) và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh bước đầu đã có nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên công tác chống khai thác IUU theo kiến nghị của EC trên thực tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế như công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng, lao động trên tàu cá, kiểm soát sản lượng qua cảng, chứng nhận, xác nhận, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác còn chưa chặt chẽ, số lượng tàu cá chưa đảm bảo độ tin cậy. Công tác quản lý tàu cá chưa thật hiệu quả (số tàu cá dưới 15 m chưa đăng ký, cập nhật vào cơ sở dữ liệu còn nhiều; cấp giấy phép khai thác chưa đảm bảo theo quy định). Chưa hoàn thành việc công bố mở cảng cá theo quy định, chưa xác định được mô hình quản lý tàu cá hiệu quả...
Việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo (IUU) không chỉ với mục tiêu sớm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC đối với thủy sản của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung trong năm 2022 mà còn đảm bảo lợi ích, sinh kế lâu dài của ngư dân góp phần bảo vệ nguồn lợi, môi trường sinh thái, khai thác thủy sản bền vững và có trách nhiệm. Do đó, để triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trên trong năm 2022, ngành Nông nghiệp & PTNT tỉnh Quảng Ninh tập trung vào các nhiệm vụ:
-Thực hiện các giải pháp phân cấp, ủy quyền, hướng dẫn rà soát từng trường hợp và quy định tạm thời để thực hiện đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá tồn đọng nhiều năm chưa được quản lý bảo đảm phù hợp thực tế của địa phương.
- Thực hiện đăng ký, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quản lý cho trên 90% tổng số tàu cá có chiều dài 6 m đến dưới 12m (riêng tàu cá từ 12m trở lên đạt 100%).
- Triển khai cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá từ 6m đến dưới 12m đạt trên 90% (riêng tàu cá có chiều dài từ 12 m trở lên đạt 100%).
- Phối hợp với các địa phương, đơn vị cung ứng thiết bị đảm bảo cho 209 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải bật kết nối 24/24h với hệ thống giám sát tàu cá và kết nối thông tin với các lực lượng chức năng (biên phòng, Kiểm ngư, Cảnh sát biển) để phục vụ công tác giám sát hoạt động của tàu cá trên biển qua đó theo dõi, ngăn chặn kịp thời không để tàu cá của tỉnh vi phạm IUU.
- Tham mưu ban hành quy định 10 khu vực kiểm soát tàu cá tại các địa phương để phục vụ công tác quản lý tàu cá, thu hồi nhật ký và kê khai sản lượng khai thác thủy sản theo quy định đồng thời tham mưu mô hình quản lý tàu cá tại các điểm này theo hướng hình thành các HTX, đơn vị sự nghiệp của địa phương hoặc đơn vị quản lý cảng cá trực tiếp quản lý (ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, khai báo).
- Đối với việc kiểm soát sản lượng khai thác tại các cảng cá: Tập trung hướng dẫn cho bộ máy quản lý tại các điểm kiểm soát tàu cá về nghiệp vụ ghi chép sổ sách theo dõi, cập nhật thông tin thu hồi nhật ký, kê khai sản lượng khai thác hàng ngày và có sự kết nối liên thông theo quy định.Trong tháng 3 phải thiết lập được hệ thống để kiểm soát được trên 50% sản lượng khai thác thủy sản tại cảng cá và các điểm kiểm soát tàu cá theo hướng có cơ chế để người dân tự khai báo trên nền tảng mạng xã hội theo mẫu chung; Nghiên cứu xây dựng phần mềm ứng dụng nền tảng số phục công tác quản lý tàu cá trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với các địa phương ven biển tổ chức rà soát lại toàn bộ số lượng tàu cá trên địa bàn (thống kê chi tiết được số tàu, sổ đăng ký, số được kiểm soát và số khai báo sản lượng của từng địa phương) phục vụ công tác đánh giá hàng tháng để đảm bảo mục tiêu giảm ít nhất 600 tàu cá hoạt động vùng ven bờ năm 2022.
Ngoài ra, ngành cũng phối hợp với các địa phương rà soát các quy hoạch lĩnh vực thủy sản để cập nhật vào quy hoạch chung làm cơ sở cho việc quản lý và triển khai thực hiện./.
Có thể bạn quan tâm
Rét đậm rét hại dài ngày làm cho nhiều loại thủy sản nuôi bị chết, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng; đặc biệt là đối với cá nuôi.
Sức mua tăng mạnh từ thị trường Mỹ, Nhật Bản đã giúp tôm của Việt Nam ngay trong những tháng đầu tiên của năm 2022 lập kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu.
Cá chình bông hiện nay đang được xem là đối tượng có giá kinh tế cao, được nuôi nhiều nơi trong cả nước và cho hiệu quả cao.