Quảng Bình: Hiệu quả từ việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô
Từ thực tế việc sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và để triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020, UBND tỉnh Quảng Bình đã có kế hoạch chuyển đổi sang trồng ngô trên đất trồng lúa từ vụ hè thu 2016 đến hết vụ đông xuân 2018-2019. Qua một thời gian thực hiện, có thể thấy việc chuyển đổi này đã mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất...
Trong ảnh: Phát triển cây ngô tại xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh
Để thực hiện kế hoạch này, từ năm 2013, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương rà soát diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác có hiệu quả hơn, trong đó có cây ngô. Các địa phương được chọn để triển khai thí điểm là huyện Quảng Ninh và huyện Tuyên Hóa với diện tích 10 ha. Thành công của mô hình thí điểm và chính sách hỗ trợ chuyển đổi trên đất lúa của tỉnh (4 triệu đồng/ha), đã khuyến khích người dân đẩy mạnh chuyển đổi trên đất lúa với tổng diện tích từ vụ hè thu 2013 đến vụ đông xuân 2015-2016 là 1.613ha ở 6/8 huyện, thành phố, thị xã.
Trong đó, diện tích chuyển sang trồng cây ngô là 478,1 ha, chiếm 29,6% diện tích chuyển đổi, cụ thể: huyện Lệ Thủy 25 ha, huyện Quảng Ninh 151,9 ha, TP Đồng Hới 30 ha, huyện Bố Trạch 167 ha, huyện Quảng Trạch 80,5 ha, TX Ba Đồn 5 ha, huyện Tuyên Hóa 7,7 ha và huyện Minh Hóa 11 ha.
Qua 3 năm triển khai chuyển đổi trên đất lúa cho thấy, các mô hình, đối tượng cây trồng chuyển đổi đưa lại thu nhập cao hơn so với trồng lúa, khai thác tốt ưu thế của cây trồng chuyển đổi trên các chân đất không thuận lợi cho sản xuất lúa, nhờ vậy đã có vùng chuyển đổi duy trì liên tục nhiều vụ sản xuất. Đặc biệt, mô hình chuyển đổi với các loại cây chịu hạn, ưa nắng như dưa hấu, đậu xanh, mướp đắng, rau các loại và ngô, cho lợi nhuận từ 42,7-94,75 triệu đồng/ha/năm, gấp 2,2 đến 4,8 lần so với trồng 2 vụ lúa.
Mô hình chuyển đất lúa 2 vụ sang 2-3 vụ màu, trong đó trồng ngô đông xuân và dưa hấu xuân hè (huyện Quảng Ninh), trồng 3-4 vụ rau (huyện Lệ Thuỷ, TX Ba Đồn), cho thấy hiệu quả với lợi nhuận đạt từ 77-103 triệu đồng/ha/năm, gấp 1,5 đến 5,5 lần so với trồng 2 vụ lúa.
Mô hình lúa đông xuân, lúa tái sinh và nuôi cá đưa lại lợi nhuận 24,35 triệu đồng/ha/năm, gấp 1,99 lần so với đơn thuần sản xuất lúa đông xuân và gấp 1,78 lần so với mô hình lúa đông xuân và lúa tái sinh.
Đối với cây ngô, từ vụ hè thu 2013 đến vụ hè thu 2015, người dân chủ yếu trồng ngô lấy bắp non cho thu nhập trung bình 53,83 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận 27,47 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với trồng lúa 17,95 triệu đồng/ha/vụ.
Tiếp đến vụ đông xuân 2015-2016, huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn bắt đầu triển khai thí điểm trồng ngô làm thức ăn xanh cho gia súc. Kết quả năng suất bình quân đạt 450 tạ/ha, giá bán bình quân 850 đồng/kg, thu nhập 54,8 triệu đồng/ha, gấp 1,54 lần so với trồng ngô hạt, đồng thời rút ngắn thời gian sản xuất 15-20 ngày, mở ra hướng phát triển mới cho cây ngô.
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn thì quá trình chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây khác trên đất lúa đã thể hiện rõ ưu điểm. Đó là diện tích chuyển đổi linh hoạt trên đất lúa kém hiệu quả ngày càng tăng với các đối tượng cây trồng đa dạng theo hướng phát huy lợi thế của từng cây, từng chân đất đưa lại lợi nhuận cao gấp 1,5-4 lần so với trồng lúa, riêng cây ngô cao gấp 1,9-5 lần so với trồng lúa tùy theo thời điểm và loại hình trồng ngô. Đặc biệt, thị trường trong và ngoài tỉnh đang có nhu cầu lớn về cây ngô, nhất là ngô làm thức ăn xanh cho gia súc, là yếu tố thúc đẩy cây ngô phát triển.
Tuy nhiên, hiện tại năng suất ngô làm thức ăn xanh, ngô lấy hạt còn thấp, nhất là trong vụ hè thu. Ngoài ra, người dân thiếu kinh nghiệm trồng ngô trên đất lúa, chăm sóc chưa đúng kỹ thuật, nhất là khâu làm đất kết hợp lên luống tiêu thoát nước, tưới đủ ẩm, bón phân đúng quy trình. Mặt khác, thời tiết vụ hè thu thất thường, ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng phát triển của cây ngô.
Hiện, chưa có bộ giống ngô theo hướng làm thức ăn xanh cho gia súc, chủ yếu đang sử dụng các giống theo hướng lấy hạt để trồng nên chưa khai thác hết tiềm năng cây ngô. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ của tỉnh 4 triệu đồng/ha đã khuyến khích rất lớn người sản xuất, nhưng do nguồn kinh phí ít nên diện tích được hỗ trợ hàng năm mới chỉ chiếm 20-30% tổng diện tích chuyển đổi.
Phát huy những kết quả đạt được, trên địa bàn tỉnh sẽ thực hiện kế hoạch chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô từ vụ hè thu 2016 đến hết vụ đông xuân 2018-2019, với tổng diện tích 1.872 ha, trong đó, chuyển đổi trên đất 2 vụ lúa 1.190ha, trên đất 1 vụ lúa 682 ha.
Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp&PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết, để thực hiện kế hoạch này, người sản xuất sẽ được hỗ trợ một lần 3 triệu đồng/ha chi phí giống ngô với lượng giống tối đa 20 kg/ha đối với ngô trồng lấy bắp tươi, 22 kg/ha đối với ngô trồng lấy hạt, ngô trồng làm thức ăn xanh cho gia súc (theo Quyết định số 915/QĐ-TTg ngày 27-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ).
Tỉnh cũng đã có chính sách là mỗi vùng chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô tập trung, liền vùng được hỗ trợ 1 lần với quy mô, mức cụ thể là: từ 10 ha đến dưới 20ha là 3 triệu đồng/vùng; từ 20 ha đến dưới 30 ha là 5 triệu đồng/vùng; từ 30 ha trở lên là 10 triệu đồng/vùng. Mức hỗ trợ này chủ yếu để tập huấn kỹ thuật, cải tạo hệ thống mương rãnh tiêu thoát nước, công làm đất...
Với những biện pháp cụ thể, kết hợp tăng cường liên kết các doanh nghiệp trong thu mua, chế biến ngô, đồng thời khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở chế biến hiện có trên địa bàn đầu tư nâng cấp công nghệ chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm tạo đầu ra thuận lợi cho người sản xuất, tin rằng việc chuyển đổi trồng lúa sang trồng ngô trên đất trồng lúa ở các địa phương sẽ mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững.
Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Bình
Có thể bạn quan tâm
Ông là Ðỗ Ðình Hòa (54 tuổi) ở thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận (Tây Sơn), người vừa được Bộ NN&PTNT tôn vinh nông dân có sáng kiến, sáng chế tiêu biểu năm 2016.
Giá hồ tiêu tại Tây Nguyên đã giảm khá mạnh so với năm ngoái. Một số diện tích tiêu đang bị chết hàng loạt do hạn hán và sâu bệnh..., khiến bà con vừa lo lắng,
Mô hình chăn nuôi lợn nái đen sinh sản do Hội Nông dân tỉnh Nghệ An và Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai thực hiện hơn 2 năm qua tại 18 đồn biên phòng