Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Quảng Bạch (Bắc Kạn) Mở Rộng Diện Tích Trồng Hồng Không Hạt

Quảng Bạch (Bắc Kạn) Mở Rộng Diện Tích Trồng Hồng Không Hạt
Ngày đăng: 03/06/2014

Cây hồng không hạt được người dân xã Quảng Bạch (Chợ Đồn - Bắc Kạn) đưa về trồng từ khá lâu. Đây là loại cây hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, cho chất lượng quả thơm, ngon không kém so với các nơi khác. Để cây hồng trở thành cây trồng mũi nhọn kinh tế, xã Quảng Bạch đang vận động nhân dân mở rộng diện tích, tiến tới hình thành vùng trồng hồng không hạt hàng hóa.

Nhằm duy trì và mở rộng diện tích, tiến tới hình thành vùng sản xuất hàng hóa, Đảng bộ xã đã xây dựng, triển khai Nghị quyết chuyên đề về phát triển hồng không hạt trên địa bàn và coi đây là một trong những cây trồng mũi nhọn giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Thôn Bản Lác, Khuổi Vùa… là những thôn đang mở rộng diện tích về loại cây ăn quả này và có hộ thu nhập vài chục triệu đồng từ trồng hồng.

Tiếng lành về vườn hồng không hạt nhà ông Hoàng Văn Phong ở thôn Bản Lác, xã Quảng Bạch lan xa đến độ bước chân vào xã hỏi thăm, mọi người ai cũng biết và nhiệt tình chỉ nhà cho chúng tôi.

Đường đi vào bản vẫn còn là con đường đất, gập ghềnh sỏi đá. Nhưng cái khó không bó được cái khôn của người dân bản, họ vẫn chăm chỉ, cần cù lao động sản xuất, để có được những cánh đồng trĩu hạt và những trái hồng ngọt thơm.

Không khó khăn để chúng tôi tìm đến được gia đình ông Phong nhưng chủ nhà đi vắng, đang ngó quanh thì được chị hàng xóm cho biết: “Ông Phong đang ở trong vườn chú ạ, hồng đang ra hoa nên ông chăm kĩ lắm”. Nói rồi chị vui vẻ dẫn chúng tôi vào vườn hồng.

Quãng đường từ nhà đến vườn gần một cây số, dọc đường đi chúng tôi lại bắt gặp những hàng hồng đang vươn mình xanh mơn mởn đón nắng mới được trồng trên bờ ao, mương, vườn của các hộ dân nơi đây. Chúng tôi đến vườn khi ông Phong đang chăm chú kiểm tra sâu bệnh ở các gốc hồng.

Khu vườn chỉ rộng khoảng 2.000m2, nhưng được phủ xanh bởi những hàng hồng thẳng tắp. Những cây hồng gần chục tuổi cao, xòe tán rộng, nở đầy hoa. Ông Phong chia sẻ “khu đất vườn này trước đây là ruộng lúa một vụ, nhưng cằn quá, thu chẳng được là bao, đến năm 2005, tôi chuyển sang trồng hồng không hạt”.

Gia đình ông là hộ tiên phong trong việc đưa đưa cây hồng trồng xuống đất ruộng một vụ. Như hợp đất, hợp người, cây sinh trưởng phát triển tốt, chỉ sau 3- 4 năm, hồng đã bắt đầu bói quả.

Theo chân ông Phong đi một vòng thăm vườn, ông hồ hởi: “Vụ vừa rồi hồng đạt năng suất, 80 cây cho 3,6 tấn quả, sau khi trừ chi phí, tôi còn lãi được 60 triệu đồng”.

Với kinh nghiệm của người trồng lâu năm, ông chia sẻ thêm “Hồng không hạt là loại cây ăn quả lâu năm, có tuổi thọ đến trăm năm tuổi. Cây dễ tính, ưa ẩm, mát và phù hợp với trồng phân tán. Những nơi như bờ ao, bờ mương là nơi trồng lý tưởng cho cây”.

Trồng hồng không cần đầu tư nhiều tiền bạc và công chăm sóc, hồng không hạt thực sự là cây trồng thích hợp với chất đất, thổ nhưỡng khí hậu tại địa phương. Không chỉ gia đình ông Phong, hiện nay nhiều hộ dân ở thôn Bản Lác, Khuổi Vùa cũng đã đang tích cực nhân rộng diện tích trồng cây hồng và bước đầu đã có thu nhập đáng kể từ loại cây này.

Nhận thấy hiệu quả từ loại cây này, những năm gần đây chính quyền huyện Chợ Đồn, xã Quảng Bạch đã tuyên truyền, vận động bà con thực hiện trồng hồng không hạt trên toàn xã. Đặc biệt, người dân được hỗ trợ cây giống và được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc tận tình, đây là sự khích lệ, động viên người nông dân, để họ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ đó mà diện tích trồng hồng không hạt trên địa bàn xã đã tăng lên đáng kể. Nếu như năm 2006 chỉ trồng mới được 1,63ha thì đến năm 2013 số diện tích hồng toàn xã đã nâng lên hơn 26ha; trong số này có nhiều diện tích đã cho thu hoạch, góp phần nâng cao đời sống cho hàng chục hộ dân trên địa bàn.

Nói về hiệu quả mà cây hồng không hạt đem lại, ông Phùng Văn Quỳnh- Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Một kilôgiam hồng bán tại vườn khoảng 15-20 nghìn đồng, lúc cao điểm có giá từ 30 - 40 nghìn đồng, mà vẫn không có đủ bán, so với cây lúa thì thu nhập từ cây hồng cao gấp nhiều lần”.

Từ những điều kiện thuận lợi để phát triển cây hồng không hạt, cộng thêm những hiệu quả mà giống cây này mang lại, trong thời gian tới, xã Quảng Bạch sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích trồng, cũng như nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân trên địa bàn.


Có thể bạn quan tâm

Đồng Bằng Sông Cửu Long Sẽ Lo Lúa Gạo Đảm Bảo An Ninh Lương Thực Đồng Bằng Sông Cửu Long Sẽ Lo Lúa Gạo Đảm Bảo An Ninh Lương Thực

Từ nay đến năm 2030, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ổn định diện tích trồng lúa 1,8 triệu ha, trong đó có 1 triệu ha lúa xuất khẩu; sản xuất theo cơ cấu một vụ lúa Đông Xuân, một vụ Hè Thu, một vụ Thu Đông hoặc lúa mùa.

11/04/2014
Khai Trương Trung Tâm Phát Triển Ca Cao Bình Phước Khai Trương Trung Tâm Phát Triển Ca Cao Bình Phước

Hôm qua 10/4, tại xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng (Bình Phước) đã diễn ra Lễ khánh thành Trung tâm Phát triển Ca cao tại Bình Phước.

11/04/2014
Khó Xuất Khẩu Cà Phê Tại Chỗ Khó Xuất Khẩu Cà Phê Tại Chỗ

VN tự hào là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới. Thế nhưng, đến giờ vẫn chưa có thương hiệu cà phê ngoại nào hoạt động tại thị trường nội địa lấy cà phê Việt sử dụng trong chuỗi của mình.

11/04/2014
9 Ổ Dịch Thủy Sản Ở Các Vùng Triều 9 Ổ Dịch Thủy Sản Ở Các Vùng Triều

Từ đầu năm đến đầu tháng 4-2014, trên địa bàn tỉnhThanh Hóa đã xảy ra 9 ổ dịch thủy sản của tôm sú, tôm thẻ chân trắng và ngao Bến Tre. Trong đó, 225,8 ha tôm sú tại xã Hoằng Phụ, Hoằng Lưu (Hoằng Hóa), Quảng Phú (TP Thanh Hóa), Đa Lộc (Hậu Lộc)... bị bệnh đốm trắng; 8,5 ha tôm thẻ chân trắng bị nhiễm bệnh tại xã Thanh Thủy (Tĩnh Gia); ngao nuôi Bến Tre chết rải rác ở 155 ha nuôi tại các xã Hải Lộc (Hậu Lộc), Quảng Nham (Quảng Xương).

11/04/2014
Cá Nuôi Lồng Bè Của Ngư Dân Kiên Giang Chết Hàng Loạt Cá Nuôi Lồng Bè Của Ngư Dân Kiên Giang Chết Hàng Loạt

Trước tình hình này, UBND xã Hòn Nghệ đã thông báo cho Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh Kiên Giang và UBND huyện Kiên Lương, các ngành chức năng để tìm hiểu nguyên nhân chính xác cá chết. Song song đó, UBND xã hướng dẫn bà con bằng mọi biện pháp tạo ôxy cho cá hoặc di dời lồng bè đến những nơi có dòng nước chảy để cứu số cá nuôi còn lại.

11/04/2014