Quản lý nhóm Rệp sáp hại cây Bưởi Da xanh
Thời tiết nắng nóng kéo dài là điều kiện tốt cho nhóm rệp sáp phát sinh gây hại trên nhóm cây có múi nói chung và trên cây bưởi da xanh nói riêng. Để quản lý tốt nhóm rệp sáp nhằm hạn chế thiệt hại do chúng gây ra, chúng tôi khuyến cáo một số biện pháp quản lý như sau
Trong ảnh: Rệp sáp vảy (Lepidosaphes gloverii Plackard)
Nhóm rệp sáp gây hại trên nhóm cây có múi có nhiều loài: Rệp sáp vảy (Lepidosaphes gloverii Plackard), Rệp sáp (Aonidiella sp.), Rệp sáp phấn (Planococcus sp.), Rệp sáp (Nipaecoccus viridis),….
Thành trùng dài 2,5-3,5 mm cơ thể ốm dài (hình que), phần lưng hơi nhô lên. Ấu trùng tuổi nhỏ có màu nâu vàng đến nâu. Chúng gây hại trên cành, lá, trái. Nếu mật số cao chúng làm cho khô cành, lá. Trên trái chúng làm cho trái phát triển kém, vỏ trái bị lốm đốm vàng, mất phẩm chất. Thường chúng gây hại nhiều trên các vườn trồng dày, bón nhiều phân đạm. Trong điều kiện tự nhiên rệp sáp vảy bị nấm đỏ (Fusarium) ký sinh khá cao trong mùa mưa.
Rệp sáp (Aonidiella sp.)
Cơ thể có dạng hình hơi tròn, mỏng, màu xám. Chúng bám chặt vào vỏ trái, cành nhất là những cành còn màu xanh để hút nhựa cây. Mật độ rệp cao sẽ làm trái phát triển kém, mất phẩm chất trái, rụng; trên cành chúng làm rụng lá, cành bị chết khô.
Rệp sáp phấn (Planococcus sp)
Cơ thể có hình bầu dục, lưng hơi vòng lên và có lớp sáp trắng dày bao phủ, tạo thành những vân sáp ngang lưng theo đốt của cơ thể, dài khoảng 3-4 mm xung quanh cơ thể có nhiều tua sáp. Chúng thường gây hại ở phần cuống trái, chồi non, gần nơi rệp sống thường có nấm bồ hống xuất hiện. Trong tự nhiên rệp sáp phấn có nhiều thiên địch tấn công chúng như: Bọ rùa, nhiều loài ong ký sinh, nhiều loài ăn mồi khác.
Rệp sống trên chồi non, lá và quả làm cho lá héo vàng, chồi và và quả chậm phát triển có thể làm cành chết khô. Trong mùa khô rệp còn di chuyển xuống gốc tấn công rễ. Chúng thường tập trung ở phần tiếp giáp giữa gốc cây và mặt đất, sau chúng di chuyển sang các rễ bên, tập trung nhiều ở phần rễ non để chích hút dịch cây, cây trồng chỉ biểu hiện triệu chứng gây hại khi mật số rệp cao. Khi mật số cao chúng tạo thành những khố u bao quanh, để bảo vệ chúng tránh các tác nhân bất lợi từ bên ngoài và chúng sinh sống nhiều thế hệ trong khối u đó cho đến khi cây bị chết. Xung quanh gốc cây bị rệp sáp thường hiện diện một số loài kiến như kiến hôi, kiến lửa,….
Biện pháp quản lý:
Xử lý loại bỏ rệp sáp trước khi trồng;
Tỉa cành cho vườn thông thoáng;
Thường xuyên điều tra rệp xuất hiện thân ,cành, quả và dưới rễ;
Diệt trừ các loài kiến (kiến hôi, kiến lửa,…) là tác nhân bảo vệ và lây nhiễm rệp sáp trong vườn;
Nên phun nước lên tán cây trong mùa khô hạn, có thể phun nước có áp lực mạnh vào những nơi rệp trú ẩn để rửa rệp;
Loại bỏ và tiêu hủy các bộ phận bị nhiễm nặng;
Nếu rệp xuất hiện trên thân cành và quả với mật số cao, sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ. Việc phòng trừ nhóm rệp sáp là biện pháp rất khó khăn, có thể sử dụng dầu khoáng hoặc một số loại thuốc có tính lưu dẫn (nội hấp), thấm sâu (thuốc có hoạt chất: Imidacloprid, Chlopyrifos,…); có thể phun dầu khóang phối hợp với thuốc hóa học hoặc thuốc Movento. Tuân thủ nồng độ sử dụng theo khuyến cáo trên nhãn thuốc.
Sau khi diệt trừ rệp sáp, phải phòng trừ nấm bồ hống bằng các loại thuốc gốc Đồng.
Mùa nắng không để mô đất bị khô nứt. Nếu phát hiện rệp xuất hiện gây hại ở rễ thì xới nhẹ xung quanh gốc cây, rải thuốc trừ sâu dạng hạt có chứa hoạt chất: Diazinon, Dimethoate + Fenobucarb và tưới ướt đẫm. Sử dụng thuốc ít nhất 2 đợt, mỗi đợt cách nhau tuần.
Chú ý: bảo đảm thời gian cách ly của từng loại thuốc.
Có thể bạn quan tâm
Sâu đục trái bưởi có tên khoa học Citripestis sagittiferella, họ Pyralidae, bộ Lepidoptera, đã có mặt tại Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei, Việt Nam... Ở Campuchia, loài này nằm trong danh sách kiểm dịch nhưng chưa chắc quản lý được. Ở Việt Nam đã có từ Khánh Hòa, Bình Phước và khắp các vùng cây có múi ở ĐBSCL.
Trong Hội thảo khoa học với chuyên đề “Nâng cao năng lực quản lý sâu đục trái bưởi da xanh” trong Ngày hội Cây - trái ngon năm 2013 tại huyện Chợ Lách
Theo các nhà khoa học, gần 80% tỷ lệ thụ phấn cây trồng bằng các loài ong hoang dã hiện chỉ tập trung vào 2% trong số những loài phổ biến nhất.