Trang chủ / Hải sản / Tôm thẻ chân trắng

Quản lý môi trường nước trong ao nuôi tôm khi thời tiết chuyển mùa mưa

Quản lý môi trường nước trong ao nuôi tôm khi thời tiết chuyển mùa mưa
Tác giả: Xoan Anh
Ngày đăng: 06/11/2018

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã xuất hiện những cơn mưa đầu mùa bất thường làm môi trường ao nuôi tôm thay đổi đột ngột. Sau mưa là nắng nóng gay gắt khiến tôm giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ bùng phát bệnh.

Tăng cường quạt khí cho ao nuôi trồng thủy sản khi trời mưa

Để hạn chế những tác động xấu do biến động thời tiết giai đoạn đầu mùa mưa, bà con nuôi tôm cần áp dụng các biện pháp sau đây để ổn định môi trường ao nuôi và nâng cao sức đề kháng cho tôm:

Quản lý pH: pH là yếu tố dễ biến động nhất sau những cơn mưa lớn. Sự biến động đột ngột của pH có thể làm tôm giảm sức đề kháng. Vì vậy, bà con nên kiểm tra pH cứ 2 giờ một lần trong lúc trời mưa và ngay sau khi mưa để điều chỉnh kịp thời. Duy trì pH ở mức thích hợp từ 7,5 - 8,5 và dao động giữa sáng và chiều không quá 0,5 đơn vị (Nếu pH thấp, bà con sử dụng vôi nông nghiệp CaCO3 (thường gọi là vôi canxi) liều lượng từ 10 - 20 kg/1.000 m3 nước ao tùy giá trị pH đo được. Ngoài ra, để hạn chế phèn trên bờ ao và đục nước, bà con nên sử dụng vôi đá sống CaO rải đều trên bờ. Vôi sẽ giúp trung hòa acid tránh giảm pH đột ngột và giúp nước ao không bị đục sau khi mưa)

Quản lý độ kiềm: Mùa mưa là thời điểm độ kiềm trong ao tụt giảm làm ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm, làm tôm chậm lớn, giảm tỷ lệ sống hay thường gặp hiện tượng tôm bị mềm vỏ kéo dài do độ kiềm dưới mức thích hợp; đặc biệt đối với vùng nuôi có độ mặn thấp hay nuôi tôm trong ruộng lúa (Độ kiềm thích hợp cho tôm từ 60-180mg/l. Nếu độ kiềm thấp có thể sử dụng vôi Dolomite liều lượng 20 - 30 kg/1.000 m3 hoặc sử dụng vôi canxi nếu pH thấp)

Quản lý mức nước: Đối với những ao có mực nước thấp chất lượng nước sẽ biến động lớn sau những cơn mưa hoặc khi trời nắng nóng gay gắt. Vì vậy, cần duy trì mực nước tối thiểu là 1,3 m đối với ao nuôi tôm sú và 1,5 m đối với ao nuôi tôm thẻ (Ngoài ra, biện pháp tăng cường quạt nước trong khi mưa lớn hay khi trời nắng gắt sẽ giúp xáo trộn nước tránh hiện tượng phân tầng trong ao, từ đó hạn chế những tác động xấu cho tôm nuôi)

Quản lý sức khỏe tôm: Ngoài việc quan sát phản ứng, màu sắc, đường ruột, gan tụy và phân tôm hàng ngày thông qua kiểm tra sàn ăn, bà con cần chài tôm định kỳ 5 - 7 ngày hoặc sau khi ao nuôi có những diễn biến xấu như chất lượng nước xấu hay mưa kéo dài để kiểm tra sức khỏe tôm nhằm có biện pháp xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, cần tăng cường sức đề kháng cho tôm trong giai đoạn thời tiết bất lợi bằng cách tăng cường (tức là trộn vào thức ăn với liều lượng cao hơn thông thường) các chất bổ sung như Vitamin C, khoáng, vi sinh đường ruột, chất bổ gan, chất tăng đề kháng để tăng sức chống chịu cho tôm nuôi.

Trên đây là một số giải pháp kỹ thuật nhằm quản lý môi trường ao nuôi trong điều kiện thời tiết chuyển mùa và mùa mưa bà con nông dân nuôi trồng thủy sản cần lưu ý nhằm giảm bớt thiệt hại và tăng hiệu quả vụ nuôi./.   


Có thể bạn quan tâm

Lựa chọn tôm giống tốt Lựa chọn tôm giống tốt

Chất lượng giống càng ngày càng biến đổi phức tạp bởi nhiều nguyên nhân; vì vậy, người nuôi cần đưa ra các chỉ tiêu và đánh giá một cách khoa học khi chọn mua

01/11/2018
Cách phòng bệnh đốm trắng trong mùa lũ Cách phòng bệnh đốm trắng trong mùa lũ

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, bà con nuôi tôm đã mạnh dạn học hỏi, cải tiến và ứng dụng các quy trình kỹ thuật mới trong việc nuôi tôm theo từng mùa vụ.

03/11/2018
Xử lý ao nuôi bằng chế phẩm sinh học Neo-Polymic Xử lý ao nuôi bằng chế phẩm sinh học Neo-Polymic

Ứng dụng công nghệ sinh học SX sản phẩm vi sinh chức năng Neo-Polymic phục vụ nuôi thủy sản. Sau khi cung cấp chế phẩm cho nhiều hộ nuôi đã mang lại hiệu quả

05/11/2018