Quản lý môi trường ao nuôi tôm
Hỏi: Ao chuẩn bị thả nuôi tôm thẻ chân trắng, tiến hành đo pH vào buổi trưa thì cho kết quả 9,5. Hỏi biện pháp hạ pH? (Nguyễn Thành Chung, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng)
Trả lời:
Để khắc phục pH tăng cao trong ao nuôi, có thể dùng đường cát hoặc mật rỉ đường với liều lượng 0,3 kg/1.000 m2, tạt đều khắp ao. Đây được xem là phương pháp hạ pH trong ao nuôi tôm hiệu quả và thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, nếu lượng tảo phát triển quá lớn cũng sẽ làm ảnh hưởng đến pH ao nuôi. Vì vậy, để hạ độ pH trong ao nuôi cũng cần phải diệt rong, cỏ dại và hạn chế tảo phát triển. Sử dụng formol với liều lượng 3 - 4 ml/m3 phun đều quanh ao để giảm mật độ tảo, thông qua đó hạ độ pH trong nước thấp xuống. Ngoài ra, có thể sử dụng phèn nhôm Al2(SO4)3.14H2O, liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì để giảm độ pH của nước. Chạy quạt nước với công suất tối đa 24/24 giờ đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan >4 ppm. Cần chú ý đến độ trong vì nó ảnh hưởng đến biến động của pH, suốt quá trình nuôi, nên chủ động điều chỉnh sao cho độ trong đạt 30 cm, không nên để dưới 25 cm.
Hỏi: Biện pháp ổn định hàm lượng ôxy hòa tan trong ao nuôi? (Phạm Hải Linh, xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh)
Trả lời:
Trong quá trình nuôi, cần tiến hành đo ôxy hàng ngày. Có thể áp dụng phương pháp hóa học hoặc đo bằng máy móc. Thông thường, chỉ cần đo 1 lần/ngày, nên đo vào thời điểm sáng sớm hoặc lúc gần tối. Cùng đó, kiểm soát tốt cho ăn, cần đảm bảo việc cho ăn đúng lượng, tránh cho quá nhiều sẽ tạo thức ăn dư thừa. Căn cứ vào thời tiết, chất lượng nước, hoạt động bắt mồi, để có những điều chỉnh hợp lý. Quá trình quang hợp của thực vật phù du là nguồn tăng ôxy quan trọng cho ao nuôi. Tuy nhiên, nếu tảo phát triển quá mạnh sẽ tiêu hao mất nhiều khí ôxy về đêm, gây hậu quả nghiêm trọng cho vật nuôi. Do đó, cần duy trì mật độ tảo thích hợp trong nước. Thông thường, màu nước xanh non hoặc nâu nhạt và độ trong 25 - 40 cm là thích hợp cho ao. Tôm, cá tạp là các yếu tố cạnh tranh dinh dưỡng trong ao nuôi, làm mất cân bằng sinh thái, bao gồm cả việc làm giảm ôxy trong nước, vì vậy, cần có biện pháp loại bỏ hết tôm, cá tạp trong ao, nguồn nước.
Có thể bạn quan tâm
Biến đổi khí hậu ngày càng biểu hiện rõ rệt đã gây nhiều khó khăn cho nghề nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh, vì thế, cần tìm cách thích ứng.
Cua biển có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, là đối tượng nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng vùng Nhà Bè, Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh).
Mô hình nuôi cá tầm quy với quy mô 183 lồng bè. Mỗi năm, tại đây cung ứng ra thị trường từ khoảng 50 tấn cá thương phẩm.