Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Quản lý lồng nuôi thủy sản

Quản lý lồng nuôi thủy sản
Tác giả: Ban KHKT
Ngày đăng: 23/10/2020

Hỏi: Biện pháp vệ sinh lồng nuôi thủy sản?

(Nguyễn Thị Hoàng Tâm, xã Thượng Tân, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang)

Trả lời:

Trong quá trình nuôi thường xuyên kiểm tra lưới lồng, bè và hệ thống neo để phát hiện hư hỏng, kịp thời sửa chữa, đặc biệt là trước, sau đợt gió bão. Một số loài cá như cá chim vây vàng có xương nắp mang rất sắc nên lưới thường bị rách, do vậy, hàng ngày phải lặn để kiểm tra lưới lồng, đặc biệt là thời điểm trước khi kéo lưới để tránh thất thoát.

Lưới lồng thường bị hàu, vẹm, rong, giun… bám gây cản trở dòng chảy, có thể gây thiếu ôxy, mặt khác làm tăng trọng lượng của lưới lồng ảnh hưởng tới kết cấu lồng nuôi, do vậy, phải định kỳ vệ sinh loại bỏ sinh vật bám thông qua việc thay lưới. Khi thay tránh gây xây xát và gây sốc cho cá. Hiện tại, việc vệ sinh lưới theo phương pháp phơi nắng kết hợp cơ học (xịt rửa bằng vòi cao áp hoặc đập bằng cây) vẫn là phương pháp hiệu quả và rẻ tiền nhất, ở những vùng có nhiều sinh vật bám và cần sử dụng lồng lưới luân phiên nhau.

Hỏi: Một số loại lồng bè được sử dụng ở nước ta?

(Phạm Hải Long, xã Trà Đông, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam)

Trả lời:

Hiện, có 4 loại lồng bè được sử dụng phổ biến ở nước ta. Cụ thể:

Lồng bè bằng lưới: Lồng bằng lưới nilon. Kích thước lồng là 4 x 3 x 2 (m) hoặc 4 x 2,5 x 2 (m). Thời gian sử dụng lồng khoảng 3 – 5 năm. Hệ thống phao nổi bằng các thùng phuy tôn, phuy nhựa, bó tre 5 – 10 cây. Khung lồng bằng tre hoặc gỗ kích thước 3 x 4 x 2,5 (m), khung đáy 3 x 4 (m) và 4 cọc đứng dài 2,5 m dùng cho cụm lắp phao bằng phuy tôn. Trên các cụm lồng có thể lắp nhà bảo vệ chứa thức ăn, diện tích 2 – 2,5 m2.

Lồng bằng tre bương nguyên cây: Lồng có kích thước 5 x 3 x 1,6 (m). Nguyên liệu tre phải tươi, không nứt dập, thẳng tương đối, đồng đều, được tre gai càng tốt. Lắp đặt đáy, hai bên dài và hai bên ngắn độc lập với nhau, rồi ghép lại tạo thành hình hộp chữ nhật, sau đó lắp phần mặt trên của lồng. Trên mặt lồng để 1 cửa lồng để tiện chăm sóc và làm lều để trông cá và giữ thức ăn.

Bè nuôi cá kích thước lớn bằng gỗ kết hợp lưới kẽm: Hiện, ở một số tỉnh miền Nam đang phát triển nuôi cá tra, basa trong bè cỡ lớn 500 – 1.000 m3. Khung bè được làm bằng gỗ tốt chịu nước như gỗ sao… Mặt bè đóng bằng các thanh kẹp gỗ chừa cửa cho cá ăn, kiểm tra và thu hoạch cá. Hông bè ghép ván gỗ khe hở 1 – 1,5 (cm) ở trong có trụ đứng. Đầu bè làm bằng lưới kẽm mắt 1,5 x 1,5 (cm) hoặc 2 x 2 (cm). Đáy bè đóng ván có khe hở 1 – 1,5 (cm). Hệ thống phao nổi ghép bằng các thùng phuy, cây tre hay thùng nhựa PVC. Để cố định bè, dùng mỏ neo, dây neo nilon có đường kính 2 – 3 (cm).

Lồng lưới hiện đại khung HDPE: Mô hình có cấu tạo gồm khung lồng, túi lưới và neo. Lồng có nhiều dạng (hình vuông, lồng tròn) có kích cỡ khác nhau, bằng nhựa HDPE đặc chủng. Lưới lồng là lưới dệt không gút, bền, không bị ôxy hóa và có khả năng chống sinh vật bám, được gia cường bởi các dây giềng. Dây neo là loại dây Polypropylene (PP) bằng nhựa có đặc tính chịu được lực căng kéo, chống lại tác hại của dầu mỡ, chống bào mòn.


Có thể bạn quan tâm

Lưu ý nuôi tôm mùa mưa Lưu ý nuôi tôm mùa mưa

Những ngày qua, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Phú Yên có mưa vừa đến rất to. Vì vậy bà con cần lưu ý thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm nuôi…

20/10/2020
Hướng đi mới cho mô hình tôm – lúa Hướng đi mới cho mô hình tôm – lúa

“Lúa thơm – Tôm sạch” là chủ trương mới nhằm “nâng tầm” cho mô hình tôm – lúa và mục tiêu mà ngành thủy sản đang hướng tới nhằm tạo ra sản phẩm đạt chứng nhận

21/10/2020
Thí điểm mô hình sản xuất giống cá leo tại Quảng Trị Thí điểm mô hình sản xuất giống cá leo tại Quảng Trị

Cá leo thuộc đối tượng đặc sản nước ngọt, hiện được xếp vào loại có nguy cơ giảm trong nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

21/10/2020