Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Quản lý hệ thống lồng HPDE

Quản lý hệ thống lồng HPDE
Tác giả: Thái Thuận
Ngày đăng: 09/11/2020

Với những ưu điểm như độ bền và năng suất cao, dễ dàng di chuyển, có thể nuôi với thể tích lớn… lồng HPDE đang được sử dụng rộng rãi trong nuôi biển công nghiệp hiện đại ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Cấu tạo lồng

Mô hình có cấu tạo gồm khung lồng, túi lưới và neo. Lồng có nhiều dạng (hình vuông, lồng tròn) có kích cỡ khác nhau, bằng nhựa HDPE đặc chủng. Cụ thể, như lồng tròn đường kính 10 m, sâu lưới 5 – 6 m, thể tích 500 m3; lồng tròn đường kính 12 m, sâu lưới 6 – 7 m, thể tích 800 m3; lồng tròn, đường kính 16 m, sâu lưới 7 – 8 m, thể tích 1.500 m3; lồng vuông kích thước: 5×5 m, sâu lưới 5 m, thể tích 125 m3; lồng vuông kích thước 5×5 m, sâu lưới 3 m… Lưới lồng là lưới dệt không gút, bền, không bị ôxy hóa và có khả năng chống sinh vật bám, được gia cường bởi các dây giềng. Dây neo là loại dây Polypropylene (PP) bằng nhựa có đặc tính chịu được lực căng kéo, chống lại tác hại của dầu mỡ, chống bào mòn. Mô hình này thích hợp với nuôi cá biển quy mô công nghiệp.

Vị trí nuôi

Nuôi cá lồng là hệ thống nuôi mở, môi trường nuôi chính là tự nhiên; do đó, sẽ có các mối tương tác giữa lồng nuôi và môi trường về cả hai chiều, lồng nuôi tác động đến môi trường và ngược lại. Vì vậy, cần lựa chọn địa điểm đặt lồng có chất lượng nước tốt. Không chỉ không bị ảnh hưởng từ ô nhiễm công nghiệp, mà còn phải đáp ứng các yêu cầu sinh học đối với đối tượng nuôi. Các tiêu chí này bao gồm: nhiệt độ, độ mặn và ôxy hòa tan (DO) thích hợp, cần thiết cho loài nuôi. Nước không được có chất rắn lơ lửng vượt quá ngưỡng, hạn chế xuất hiện hiện tượng tảo nở hoa và sự hiện hữu của các sinh vật gây bệnh.

Lồng nuôi phải được đặt ở nơi có độ sâu thích hợp để tối đa hóa sự trao đổi nước và giữ khoảng các an toàn với đáy biển. Với lồng nổi, có thành lưới sâu 5 m, cần độ sâu khi thủy triều thấp nhất tối thiểu 8 m. Lồng có thể đánh chìm với độ cao sóng khoảng 10 m, thì cần độ sâu tối thiểu 25 m.

Tránh nơi sóng to, gió lớn như sóng cao trên 2 m và tốc độ dòng chảy lớn vì như vậy có thể làm hư hỏng lồng nuôi, trôi thức ăn, làm cho cá hoạt động yếu gây chậm lớn và dễ sinh bệnh.

Quản lý

Kiểm tra hệ thống lồng

Mỗi lồng trong trại nuôi phải được kiểm tra hàng ngày, điều quan trọng nhất là kiểm tra lưới. Lưới được làm từ các vật liệu kém bền hơn so với các phần khác và chúng có thể bị hư hỏng bởi nhiều yếu tố. Vì vậy, cần kiểm tra và phải đảm bảo rằng: Không có chỗ bị sờn, rách; Lưới không bị tắc bởi các sinh vật bám bẩn; Lưới được lắp đặt đúng cách, dây không bị mòn hoặc bám bẩn, hoạt động hợp lý. Cùng đó, cần thường xuyên kiểm tra hệ thống dây neo, vòng khung lồng để phát hiện hư hỏng, kịp thời sửa chữa, đặc biệt là trước, sau đợt gió bão.

Loại bỏ sinh vật bám bẩn

Các lưới bị bám bẩn, các mắt lưới bị tắc làm giảm khả năng trao đổi nước vào lồng lưới và cần được vệ sinh làm sạch. Lưới cần được làm sạch để duy trì tính năng khi không thể thay lưới. Hiện, việc vệ sinh lưới thường theo phương pháp sử dụng máy phụt nước áp lực cao. Công việc này được thực hiện bởi một thợ lặn sử dụng vòi làm sạch dưới nước trong khi máy và nén khí đặt trên boong tàu. Tốt nhất là thợ lặn làm sạch lưới từ phía bên trong lồng lưới, thổi các sinh vật bám bẩn ra ngoài lưới bằng vòi phun nước áp lực cao. Nên làm sạch theo các vệt dọc lưới có kích thước bằng chiều rộng khoảng cách giữa 2 dây dọc theo chiều thẳng đứng. Điều này cho phép làm sạch lưới nhanh hơn toàn bộ chu vi lưới, đảm bảo khả năng trao đổi nước qua lồng nuôi.

Thay lưới

Là hoạt động bảo trì thường xuyên, cần có kế hoạch và thực hiện hiệu quả. Lưới mới phải được kiểm tra trên đất liền để phát hiện các lỗi của nhà sản xuất, sửa chữa các lỗi. Dây đính phải được kiểm tra và thắt chặt ở các vòng đính kèm. Tất cả các thiết bị phải được kiểm tra cẩn thận (dây tời, thiết bị lặn, dây treo…). Lưới chống động vật dữ nên được tháo ra trước khi thay lưới cho lồng nuôi.

Lưu trữ ghi chép

Để quản lý tối ưu lồng nuôi nổi, cần có phương pháp lưu trữ hồ sơ. Cần lưu trữ các giấy tờ gốc của các bộ phận, ngày, tháng lắp đặt. Việc làm này sẽ cho phép người nuôi theo dõi các hoạt động bảo trì và thay thế các bộ phận đã quá hạn.


Có thể bạn quan tâm

Công nghệ sinh học - Tối ưu giá trị dinh dưỡng của thức ăn thủy sản Công nghệ sinh học - Tối ưu giá trị dinh dưỡng của thức ăn thủy sản

Để tăng sử dụng thành phần thức ăn thực vật trong thức ăn thủy sản, cần nâng cao giá trị dinh dưỡng và giảm thiểu chất kháng dinh dưỡng bằng quy trình công nghệ

07/11/2020
Hiệu quả cao từ mô hình sinh kế mùa lũ Hiệu quả cao từ mô hình sinh kế mùa lũ

Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá hiệu quả mô hình sinh kế mùa lũ bằng hình thức canh tác lúa

07/11/2020
Một số bệnh thường gặp trên cá song Một số bệnh thường gặp trên cá song

Cá song và cá giò là hai đối tượng đang được nuôi phổ biến ở vùng ven biển miền Bắc. Do môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm nên bệnh dịch thường xuyên xảy ra

09/11/2020