Quản lý địch hại trong ao ương cá giống nước ngọt

Ngăn chặn địch hại vào ao ương
Chuẩn bị ao ương: Đây là khâu đầu tiên và cũng là quan trọng vì vậy cần đảm bảo tốt những yếu tố sau:
Đối với ao cũ cần tháo cạn, bắt hết các loại cá còn sót lại, phơi khô đáy ao để trứng và ấu trùng của cá, địch hại sót lại từ vụ trước bị chết hoàn toàn.
Tẩy ao bằng vôi: Nếu dùng vôi cục để tẩy thì tháo nước vào khoảng 7 - 10cm để vôi phân bố đều, lượng vôi dùng là 30 - 40 kg/sào, những ao ít bùn dùng 20 - 30 kg/sào (khoảng 6 - 10 kg vôi cho 100m2 ao).
Cách làm: Đào 1 vài hồ ở xung quanh bờ, cho vôi vào tôi rồi dùng gáo vảy đều khắp ao, ngày hôm sau dùng cào, vồ đảo bùn với nước vôi để nước vôi ngấm sâu, tăng hiệu quả.
Tẩy ao bằng vôi bột: dùng 10 kg/100m2 ao, rải đều khắp đáy ao và xung quanh ao, sau đó dùng cào sục cho vôi ngấm đều.
Cấp nước: Nước lấy vào ao tốt nhất là dùng bơm và lọc qua lưới lọc để ngăn trứng và ấu trùng của cá, ếch…
Cách lấy nước vào ao: Khơi một rãnh nhỏ rộng 50cm, một đầu rãnh phía nguồn nước chắn bằng một cái rá đan dày để lọc các loài cá dữ và côn trùng to; một đầu đặt một ống (ống bương hoặc ống nhựa PVC) đường kính 10 - 15cm, hai đầu bịt bằng lưới cước, ống thông rỗng cho nước chảy.
Các biện pháp diệt địch hại
Bọ gạo, nòng nọc là những địch hại làm hao hụt rất nhiều cá bột, vì vậy cần phải phát hiện và tiêu diệt kịp thời.
Cách diệt bọ gạo:
- Làm một khung tre (nứa) hình vuông có diện tích 2m2, đổ dầu hỏa vào khung, cứ 10 hoặc 20 phút lại di động khung đi khắp mặt ao. Bọ gạo ngoi lên thở sẽ bị dính dầu mà chết. Cũng có thể đổ tràn dầu hỏa lên trên mặt ao để diệt bọ gạo cũng không gây ảnh hưởng đến cá.
- Ban đêm có thể thắp đèn treo lên cọc giữa khung dầu hỏa để nhử bọ gạo tìm đến ánh sáng dính dầu chết.
Cách diệt nòng nọc:
- Nòng nọc là ấu trùng của ếch nhái, cóc, còn tồn tại đến tháng thứ 7 nếu trời ít mưa. Nòng nọc dễ lọt vào ao ương sau khi thả cá và ăn hại rất nhiều cá bột.
Phương pháp diệt nòng nọc hiệu quả nhất là buổi sáng sớm dùng vợt cá hương hoặc lưới cá hương quây bắt, cá bột sẽ lọt qua mắt lưới mà không bị ảnh hưởng gì.
Tags: ao uong ca giong nuoc ngot, nuoi ca giong, thuy san
Có thể bạn quan tâm

Tính bình quân mỗi năm, lão nông Nguyễn Văn Ký, 73 tuổi, ấp 3, xã Phú Minh, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) có thể kiếm được khoảng 100 triệu đồng từ việc bán con giống cá lóc bông, hiệu quả hơn hẳn làm lúa.

Trong những năm gần đây, phong trào nuôi cá lóc phát triển mạnh. Tập trung nhiều ở các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh. Riêng ở Bến Tre, phong trào này có thực hiện nhưng còn nhỏ lẻ, rất ít. Nguyên nhân chính là khâu cung ứng thức ăn cho cá, chủ yếu là nguồn cá tạp nên rất bấp bênh, phụ thuộc vào khai thác tự nhiên, số lượng và giá cả không ổn định...

Vùng đất duyên hải tỉnh Nghệ An chủ yếu là đất pha cát bạc màu, giá trị kinh tế khi trồng cây nông nghiệp rất thấp. Những năm gần đây, trên chính vùng đất ấy đã cho thu nhập rất cao (1 - 1,5 triệu đồng/m2) từ nghề nuôi cá lóc đen cao sản.

Đến thăm trang trại của chị Phan Thị Vân ở ấp 3 xã Thạnh Trị, huyện Đình Đại, nằm bên dòng Ba Lai hiền hòa vào những ngày cuối tháng 7 đã thật sự thu hút tôi bởi màu xanh của cây lá mà trước đó vài năm là một vùng đất cằn cổi không trồng được gì bởi nước mặn.

Cá quả thường gặp và phân bố rộng có 2 loài là: Ophiocephalus maculatus và Ophiocephalus arbus, nhưng đối tượng nuôi quan trọng nhất là loài O.maculatus thuộc Bộ cá quả, họ cá quả, giống cá quả.