Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Quản lý cộng đồng nghề cá tại châu Á - Thái Bình Dương

Quản lý cộng đồng nghề cá tại châu Á - Thái Bình Dương
Tác giả: Masamichi Hotta
Ngày đăng: 27/06/2017

Mang đặc thù nghề cá quy mô nhỏ, nên quản lý nghề cá theo cộng đồng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương được coi là con đường tất yếu để phát triển bền vững nguồn lợi ven bờ.

Quản lý nghề cá theo cộng đồng là con đường tất yếu để phát triển nguồn lợi thủy sản ven bờ bền vững   Ảnh: Paul Greenberg

Khắc phục hạn chế

Tại các phiên Hội nghị Quản lý nghề cá ven bờ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPFC), các chuyên gia đã đánh giá nhiều chương trình quản lý nghề cá đang áp dụng tại khu vực này chưa thực sự hiệu quả vì chưa có tác dụng cải thiện thu nhập của ngư dân. Tuy nhiên, vấn đề thu nhập thấp không thể giải quyết dứt điểm ngay lập tức dù các nhà quản lý tại các quốc gia thuộc khu vực này có quyết tâm xóa bỏ phương thức tự do khai thác tài nguyên vốn từng bị coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự nghèo đói của ngư dân. Thiếu cơ hội việc làm thay thế cũng là nguyên nhân khiến ngư dân thu nhập bấp bênh. IPFC đã đề xuất chính phủ các quốc gia nên phát triển đa dạng thành phần kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển quanh các cộng đồng nghề cá ở cả các vùng sâu, vùng xa nhằm tạo cơ hội việc làm thay thế cho cộng đồng ngư dân ven biển.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các hệ thống quản lý mà không xuất phát từ người dân và không được ngư dân thừa nhận sẽ không thành công. Cơ chế quản lý tập trung từ trên xuống dưới sẽ kém hiệu quả nếu như nó không phản ánh được nhu cầu thực sự của ngư dân trong quy hoạch quản lý. Chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được nhược điểm của hướng tiếp cận “từ trên xuống” bằng cách đưa ngư dân trở thành một mắt xích trong quá trình quy hoạch, xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý nghề cá. Cùng đó, chính quyền địa phương sẽ tập trung quản lý sinh thái, bảo tồn và kinh tế vùng.

Những thử nghiệm thành công trong quản lý cộng đồng nghề cá ven biển đã chỉ ra nếu ngư dân đóng vai trò quyết định trong các chuỗi quản lý thì chắc chắn họ sẽ hoạt động nhất quán và bám sát luật quản lý thủy sản của chính phủ. Giao quyền tự quyết vào tay ngư dân cũng là cách giúp họ thoát khỏi tình cảnh thu nhập thấp.

Những bài học thành công

Nhật Bản đang có một hệ thống quản lý cộng đồng nghề cá rất hiệu quả khi nó được điều hành bởi các Hợp tác xã thủy sản (HTX). Các HTX này được giao quyền khai thác nhằm kiểm soát nguồn lợi ngay tại khu vực của mình. Quyền khai thác thủy sản này tương đương quyền sử dụng đất. Thực tế, tài nguyên ven bờ dưới sự giám sát của HTX lại được coi là tài sản riêng của những HTX này. Hầu hết các HTX được giao quyền quản lý khai thác trong phạm vi 10 km từ đường bờ biển. Ngư dân không phải thành viên của HTX sẽ không được phép hoạt động trong khu vực này. Phần lớn ngư dân các vùng ven biển tại Nhật Bản đều là thành viên của các HTX và họ làm việc với tinh thần đoàn kết rất cao.

Do vùng nước ven biển thuộc sở hữu ngư dân, nên họ hăng hái bảo tồn và nỗ lực quản lý nguồn lợi sao cho hiệu quả nhất. Mỗi HTX cũng bắt buộc phải áp dụng luật để ngăn chặn tình trạng khai thác bừa bãi. Ngoài ra, để bảo tồn nguồn lợi bền vững, mỗi HTX cũng phải nỗ lực cải thiện ngư trường của mình bằng cách tổ chức sự kiện thả cá giống, nhuyễn thể giống và trồng tảo biển thường niên.

Malaysia thắt chặt quản lý nghề cá theo luật của nhà nước nhằm cải thiện môi trường, đảm bảo công bằng kinh tế cho các cộng đồng nghề cá tại từng địa phương. Ngư dân từng địa phương tuân thủ các quy định như thời gian/mùa vụ khai thác; ngư cụ được phép sử dụng hoặc bị cấm; kỹ thuật hoặc tập quán khai thác được khuyến khích/cấm; loài thủy sản cần được bảo tồn… Mọi hành vi vi phạm tùy mức độ sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.

Tại phía nam Thái Bình Dương, nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ thuộc đảo Vanuatu được chính quyền giao cho ngư dân địa phương quản lý. Những biện pháp hạn chế khai thác cũng được áp dụng ở  một số ngư trường, vụ mùa khai thác nhất định, đi kèm quy định cụ thể về kích cỡ khai thác và loại ngư cụ. Các phòng quản lý ngành thủy sản tại Vanuatu cũng tích cực mở nhiều khóa đào tạo cho ngư dân nhằm nâng cao kỹ năng quản lý nguồn lợi ven bờ.

Dù là quốc gia nào, các biện pháp quản lý nghề cá cần hết sức linh hoạt để phù hợp với thực trạng nguồn lợi thủy sản từng khu vực nhưng vẫn dựa trên cơ sở “phân quyền” cho các cộng đồng ngư dân. Ngoài ra, để đảm bảo lợi ích lâu dài cho ngư dân khi quản lý nghề cá, việc nâng cao nhận thức và đào tạo lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Do đó, vẫn cần sự hỗ trợ của chính phủ qua các kênh thông tin, nguồn lợi thủy, hải sản và nghiên cứu khoa học.

>> Khái niệm quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng có từ thế kỷ 19 và được quy định trong Luật Nghề cá Lofoten năm 1897 của Na Uy. Sau đó, được hình thành ở Nhật Bản từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Năm 1992, FAO đã tổ chức Hội thảo phát triển hệ thống quản lý nghề cá ven bờ dựa vào cộng đồng ở các nước châu Á tại Kobe, Nhật Bản. Đến nay, hầu hết các nước trên thế giới đã và đang áp dụng phương thức quản lý này vào nghề cá của họ.

Tác giả: Masamichi Hotta - Chuyên gia quy hoạch và chính sách thủy sản FAO, Rome, Italy


Có thể bạn quan tâm

Làm giàu từ cá tra Làm giàu từ cá tra

Đó là mô hình của ông Hà Tấn Tâm, 55 tuổi, được người dân Cần Thơ đặt biệt danh “tỷ phú cá tra”; bởi sản lượng xuất bán hàng năm của ông luôn đạt trên 1.500 tấn

26/06/2017
Xuất khẩu cá tra sang Mỹ lại gặp thêm trắc trở Xuất khẩu cá tra sang Mỹ lại gặp thêm trắc trở

Vừa qua các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL cảnh báo nhiều bất lợi xảy ra trên đường xuất cá tra vào Mỹ. FDA (Cục Quản lý Thực phẩm)

27/06/2017
Hội Nghề cá Việt Nam: Khó khăn không ngăn hành động Hội Nghề cá Việt Nam: Khó khăn không ngăn hành động

Hội Nghề cá Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ được vai trò cánh tay đắc lực của ngành thủy sản và chỗ dựa tin cậy của nông dân, ngư dân.

27/06/2017