Phòng và trị bệnh cá thời điểm giao mùa
Trong thời điểm giao mùa thời tiết diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến môi trường nước trong ao nuôi. Khác với động vật trên cạn động vật thủy sản nói chung cũng như cá nói riêng khi bị bệnh việc chữa trị gặp rất nhiều khó khăn do chúng sống dưới nước. Chính vì vậy, trong nuôi trồng thủy sản vấn đề phòng bệnh được đặt lên hàng đầu theo nguyên tắc “Phòng bệnh là chính, chữa bệnh khi cần thiết”. Để phòng và trị bệnh hiệu quả cho cá người nuôi cần thực hiện các biện pháp phòng, trị bệnh như sau:
1. Phòng bệnh cho cá
- Xây dựng ao nuôi: Chọn địa điểm nuôi trước tiên nguồn nước sạch sẽ không độc hại với động vật thủy sản. Không có các nguồn nước thải công nghiệp, dân sinh đổ vào. Ao nuôi nên có cống cấp và thoát nước riêng biệt.
- Cải tạo ao đầm trước khi thả nuôi: Tẩy dọn ao trước khi nuôi động vật thủy sản bao gồm tát cạn, nạo vét bùn đáy, tu sửa bờ ao, dọn cỏ rác, phơi khô đáy ao, dùng vôi bột 7-10 kg/100m2 đáy ao để diệt trừ địch hại.
- Quản lý chất lượng nước trong quá trình nuôi: Trong suốt quá trình nuôi cần phải giữ vệ sinh trại, ao đầm nuôi để đảm bảo chất lượng nước tốt, tránh sự tích tụ của các chất hữu cơ, hợp chất nitơ,…… quản lý pH, Oxy độ kiềm trong khoảng thích hợp.
- Tiêu diệt nguồn gốc gây bệnh cho cá
+ Mua cá giống đã được kiểm dịch tại các cơ sở có uy tín, các loại cá giống được vận chuyển từ nước ngoài về cần phải có nguồn gốc rõ ràng và phải được kiểm dịch của các cơ quan có thẩm quyền tránh việc lây lan mầm bệnh;
+ Dùng dung dịch nước muối Nacl 2 - 4% (2 - 4kg/100l nước) tắm cho cá từ 5-10 phút;
+ Ngoài ra tùy từng trường hợp cụ thể có thể sử dụng hóa chất, kháng sinh phù hợp.
- Khử trùng thức ăn và nơi cho ăn
+ Thức ăn là động vật tươi sống cần được sát trùng bằng muối ăn;
+ Thức ăn là thực vật ( cỏ, lá,….) cần rửa kỹ tránh nhiễm thuốc trừ sâu và hóa chất;
+ Cần vớt bỏ thức ăn thừa sau mỗi ngày cho ăn, định kì khử trùng nơi cho ăn, sàng ăn bằng vôi bột, Formalin hoặc nước muối.
- Khử trùng dụng cụ: Sinh vật gây bệnh có thể theo dụng cụ lây lan bệnh từ ao này sang ao khác, dụng cụ nên dùng riêng biệt cho từng ao. Nếu không đủ dụng cụ sau mỗi lần sử dụng cần phải khử trùng bằng nước muối, Formalin hoặc thuốc tím.
- Dùng thuốc phòng bệnh trước mùa bệnh
Phần lớn các loại bệnh trong NTTS xuất hiện theo mùa; Do đó trước mỗi mùa bệnh, cá cần được cho ăn phòng bằng thuốc Tiên Đắc trước một tháng để phòng bệnh cho cá, lượng dùng 100 gam/100kg cá/1 ngày, cho ăn 3 ngày liên tục đồng thời bổ sung thêm vitamin. Bón vôi bột trước và sau mùa bệnh của cá định kỳ 2 – 3 kg/100m3 nước ao/tháng . Trong mùa bệnh 4 – 6 kg/100m3 nước ao/10 - 15 ngày.
- Tăng sức đề kháng cho cá
+ Cần chọn những con giống khoẻ mạnh, không bị xây xát, không dị hình. Khi nuôi cá thịt không nên nuôi con giống có kích cỡ quá bé, không nên nuôi quá dày.
+ Cho cá ăn đủ chất, đủ lượng, thức ăn không bị hư thối, không nên để cá bị đói. Cho cá ăn theo phương pháp 4 định (thời gian, vị trí, chất lượng thức ăn và số lượng thức ăn)
+ Tăng cường chất dinh dưỡng: Cho ăn đủ chất, bổ sung thêm một số chất vi lượng để tăng cao sức đề kháng cho cá như: Vitamin (C, B6, E, A)
+ Đánh bắt vận chuyển cá nên nhẹ nhàng, tránh xây xát cho cá
+ Nâng cao khả năng miễn dịch cho cá: Chọn giống có tính miễn dịch cao; Sử dụng vắc xin để tăng khả năng miễn dịch ở cá.
2. Trị bệnh cho cá
Nguyên tắc trị bệnh cho cá: Việc trị bệnh nên dựa trên việc chuẩn đoán bệnh chính xác, cùng với sự tính toán chi phí chữa trị xem có lợi hay không. Trong quá trình nuôi cá thường gặp một số loại bệnh như sau:
- Bệnh nấm thủy mi: Khi mắc bệnh, trên da cá lúc đầu có các vùng trắng xám, đó là các sợi nấm nhỏ mềm, sau đó nấm phát triển thành các búi trắng như bông, bệnh phát mạnh vào giai đoạn chuyển mùa từ xuân sang hè đặc biệt hay là cá Rô phi hay bị nhiễm bệnh, nhiệt độ từ 16-25oC. Để trị bệnh này có thể dùng Methylen 2-3g/m3, KMNO4 1-2g/m3 tắm cho cá và lặp lại 2 lần/tuần.
- Hội chứng lở loét của cá:Khi mắc bệnh , trên thân cá có các vết lở loét ăn rất sâu vào cơ thể và gây cho cá chết hàng loạt hay gặp ở cá trắm cỏ, cá rô phi. Để trị bệnh này người nuôi dùng vôi bón với liều lượng 4- 5 kg/100 m3 nước ao, thay nước định kỳ, quản lý tốt chất lượng nước trong ao nuôi.
- Bệnh trùng bánh xe: Khi bị bệnh cá bơi lội không định hướng, nổi từng đàn trên mặt nước, da màu xám, trên thân có nhiều nhớt màu trắng đục, mang bạc trắng, sau đó chết. Tất cả các loại cá đều dễ mắc bệnh này, thường mắc vào mùa xuân và thu. Để trị bệnh người nuôi nếu có điều kiện nên thay toàn bộ nước trong ao, đồng thời khử trùng nước thay, tắm cá trong dung dịch Formalin 200-300 mg/m3 nước trong vòng 30 - 45 phút.
- Bệnh đường ruột: Bệnh thường xuất hiện quanh năm, tập trung vào cuối mùa xuân, đầu mùa hè xuất hiện chủ yếu trên đối tượng cá trắm cỏ. Cá kém ăn hoặc bỏ ăn, bơi lờ đờ trên tầng mặt, da cá tối màu, cá mất nhớt thô ráp, mắt lồi, hậu môn viêm xuất huyết, bụng và hậu môn chướng to, các vây xơ rách, các vây tia cụt dần, phân cá dạng thuôn dài theo dây bầy nhầy, tỷ lệ chết từ 40 – 90%. Khi cá bị bệnh dùng thuốc Tiên đắc 1kg/tấn cá/1 ngày, cho ăn 5 – 7 ngày liên tục, thuốc được trộn vào rau, cỏ, thức ăn nấu chín để nguội hoặc trộn vào thức ăn tổng hợp trước khi cho ăn.
Có thể bạn quan tâm
Tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) là một loài xâm hại nguy hiểm, cũng là loài xâm lấn điển hình, đã từng gây ra dịch hại xâm lấn nghiêm trọng
Đó là "Hệ thống nuôi tôm thông minh" gồm các máy tự động dùng nuôi tôm do anh Đào Phước Xoàn, thường gọi là Út Bé, ở ấp An Thạnh, xã An Thạnh, huyện Thạnh Phú
Nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, môi trường ao nuôi biến động theo ngày và đêm… tất cả sự phát triển của vật nuôi trong vuông tôm đều bị ảnh hưởng.