Phòng trừ sâu đục trái và bệnh thán thư hại đậu bắp
Đậu bắp là loại rau dễ trồng, có thời gian sinh trưởng ngắn, mau thu hoạch. Tuy nhiên, trong suốt thời gian sinh trưởng đậu bắp bị rất nhiều loại sâu bệnh tấn công. Để phòng trừ sâu bệnh, nông dân thường phun thuốc bảo vệ thực vật nhiều lần trong vụ. Việc lạm dụng thuốc hóa học trên cây trồng nói chung và cây rau nói riêng, nhất là việc không đảm bảo đúng thời gian cách ly đã dẫn đến tình trạng ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì thế, quản lý sâu bệnh theo hướng an toàn là vấn đề rất cần thiết góp phần sản xuất nông nghiệp bền vững. Trong các đối tượng sâu bệnh gây hại cho đậu bắp thì sâu đục trái và bệnh thán thư là hai loại phổ biến nhất.
Triệu chứng sâu đục trái đậu bắp
Sâu đục trái đậu bắp là loại sâu hại khá nghiêm trọng, làm thất thu năng suất không nhỏ. Chúng gây hại từ khi trái nhỏ đến thu hoạch. Trưởng thành của sâu đục trái đậu bắp là một loài bướm nhỏ, thân dài 9-10mm, sải cánh rộng 14-15mm, trên cánh trước có một vệt xanh hình tam giác chạy từ gốc cánh ra mép ngoài. Trứng hình cầu, màu xanh nhạt. Sâu non mập và ngắn, đẩy sức dài 12-14mm, thân có nhiều gai ngắn, có các vệt màu nâu, đen và vàng loang lổ xen kẻ. Nhộng được bọc trong kén, màu xám, có góc nhọn.
Bướm sâu đục trái đậu bắp hoạt động về đêm. Trứng được đẻ rãi rác từng cụm 2-5 trứng trên đọt non, nụ hoa hay trái non. Sâu non mới nở đục vào nụ hoa hoặc trái non. Sâu lớn khoảng tuổi 3 trở lên đục vào trái đậu bắp ăn hột và thịt trái, làm trái bị cong queo. Sâu non có thể di chuyển từ trái này sang trái khác, làm nhộng ở tai bao lá, lá khô hoặc trên trái.
Sâu đục trái đậu bắp có nhiều loài thiên địch như ong ký sinh trứng và sâu non, côn trùng và nhện ăn thịt. Khi phát hiện sâu đục trái xuất hiện trên ruộng đậu bắp sử dụng các loại thuốc vi sinh như Biocin 16WP hoặc Vineem 1500EC, Pegasus 500SC, ….
Ngoài sâu đục trái, bệnh thán thư rất phổ biến trên đậu bắp. Bệnh do nấm Glomerella gossypii gây ra. Bệnh gây hại trên lá và trái đậu bắp. Trên lá, bệnh phát sinh từ khi có lá mầm đến khi cây lớn, triệu chứng đầu tiên là những đốm hình tròn màu xanh tái hoặc nâu, sau vết bệnh lớn lên không có hình dạng rõ rệt, màu nâu đen, hơi khô. Trên trái, vệt bệnh màu đen, hình tròn, hơi lõm vào, trên có lớp bột màu xanh xám là các ổ bào tử. Trái bị bệnh nhỏ, kém phát triển và có thể bị thối cả trái.
Triệu chứng bệnh thán thư trên lá
Nấm phát triển mạnh trong điều kiện ẩm độ cao, ruộng đậu bắp trồng dày. Nấm tồn tại ở dạng sợi và bào tử trên tàn dư cây bệnh, trong đất và trên hạt giống. Nấm bệnh có thể sống tới hàng năm.
Biện pháp phòng trừ:
- Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng cách ngâm 10 phút trong nước nóng 55oC.
- Tỉa bỏ những lá, trái bị bệnh đem tiêu huỷ để hạn chế mầm bệnh lây lan.
- Vệ sinh đồng ruộng, thu dọn tàn dư cây trồng sau thu hoạch.
- Khi phát hiện bệnh mới chớm nên phun một trong các loại thuốc sau: Mataxyl 500WP, Thio-M 500FL, Score 250EC…
Chú ý: Đậu bắp là loại rau được thu hoạch liên tục hàng ngày, vì thế khi sử dụng thuốc hóa học nên chọn lọc những loại thuốc ít độc, thời gian cách ly ngắn và tuyệt đối phải đảm bảo đúng thời gian cách ly để không còn tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong trái, không ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng./.
Có thể bạn quan tâm
Thời vụ – Vụ Xuân: Gieo từ cuối tháng 2 đến tháng 3, thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 9. Nếu gieo muộn, cây sớm ra hoa, nhưng năng suất giảm dần.
Đậu bắp là một loại rau ăn quả, thân thảo,có thời gian sinh trưởng ngắn, chúng được trồng phổ biến tại niềm Nam, thích nghi vùng nhiệt đới nóng ẩm, có thể trồng được quanh năm, tuỳ theo vùng chúng ta bố trí mùa vụ thích hợp để cây sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh. Năng suất bình quân từ 20 – 25 tấn/ha/vụ. Chúng cho thu nhập khá cao từ 60 – 100triệu đồng/ha/vụ.
Đậu bắp là một loại rau ăn quả, năng suất bình quân từ 20 – 25 tấn/ha/vụ. Loại cây trồng này cho thu nhập khá cao từ 60 – 100 triệu đồng/ha/vụ.