Phòng trừ sâu bệnh trên cây kiệu
Kiệu là cây trồng có giá trị và thu nhập cao cho nông dân các xã vùng đông của huyện Thăng Bình, nhưng thời gian qua gặp khó khăn trong phòng trừ sâu bệnh. Hiện nay, việc phòng trừ sâu bệnh trên cây kiệu có sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma và vôi đã mang lại hiệu quả cao.
Sử dụng các biện pháp sinh học trong phòng trừ dịch bệnh trên cây kiệu đã đem lại hiệu quả tích cực. Ảnh: T.S
Mỗi vụ, ông Thủy Châu Bình (tổ 4, thôn Ngọc Sơn Tây, xã Bình Phục) canh tác 7 sào kiệu. Dẫn chúng tôi đi xem diện tích kiệu đang trồng, ông phấn khởi khoe, chừng này năm ngoái là kiệu đã bị cháy lá rồi nhưng năm nay vẫn phát triển xanh tốt. Ông kể, hàng chục năm qua, ông cùng bà con trồng kiệu quê mình luôn lo lắng mỗi khi sâu bệnh xuất hiện gây hại. Năng suất vì thế bị ảnh hưởng không nhỏ, thậm chí, nhiều vùng bị sâu bệnh phá hại nặng gây thất thoát khoảng 30 - 40% năng suất. Do đó, nguồn thu nhập chính của những nông dân trồng kiệu như ông giảm sút rõ rệt. Bắt đầu từ vụ thu đông 2016, ông cùng nhiều hộ dân quanh đây đã áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại trên cây kiệu có sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma và vôi. Với việc bón lót vôi khi làm đất, sau đó khoảng 10 ngày, bón phân chuồng có ủ chế phẩm Trichoderma đã giúp giảm được các bệnh như thối thân - củ - rễ, cháy lá, ruồi đục lá, sâu xanh và sâu bệnh khác. “Trước đây, cứ mỗi lần kiệu bị sâu bệnh hại, chúng tôi thường chỉ sử dụng biện pháp duy nhất là phun thuốc hóa học. Từ khi áp dụng các biện pháp sinh học này, thấy kiệu phát triển tốt, năng suất cao, giảm được chi phí mua thuốc hóa học. Bây giờ ngay cả thuốc diệt cỏ chúng tôi cũng không dùng mà sử dụng phương pháp thủ công” - ông Thủy Châu Bình nói.
Các xã vùng đông của huyện Thăng Bình mỗi năm sản xuất hơn 100ha kiệu, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Theo kỹ sư Xa Thị Yến Phượng - chuyên viên Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình (người thực hiện đề tài “Nghiên cứu thành phần, diễn biến và mức độ gây hại của sâu bệnh hại và giải pháp phòng trừ tổng hợp trên cây kiệu tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam”), nông dân sản xuất kiệu chưa xác định được tác nhân gây hại của các đối tượng sâu bệnh nên rất lo lắng và lúng túng trong việc phòng trừ, các biện pháp phòng trừ của nông dân lâu nay hầu như không hiệu quả. Do quá lạm dụng thuốc hóa học nên đã làm gia tăng mức độ gây hại của sâu bệnh, làm mất cân bằng sinh thái, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường sống. Chị Xa Thị Yến Phượng cho biết, việc sử dụng chế phẩm sinh học Trichoderma vào trong sản xuất kiệu rất có hiệu quả, giúp hạn chế bệnh thối rễ, thối củ cho cây kiệu, có tác dụng cải tạo đất, tăng năng suất, phẩm chất kiệu. Còn đối với vôi, lâu nay, hầu hết hộ trồng kiệu không dùng vôi bón cho kiệu. Họ vẫn chưa thấy được lợi ích rất lớn của việc dùng vôi trong sản xuất, đó là khử độc vùng đất quanh rễ, nâng độ pH của đất, hạn chế tính chua, cung cấp lượng canxi nhất định cho cây.
Qua thực tế áp dụng biện pháp này ở vụ thu đông 2016 tại xã Bình Phục và vụ thu đông 2017 ở xã Bình Sa, hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều, lợi nhuận hơn 70 triệu đồng/ha; đồng thời, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giúp tiết kiệm được hơn 3,6 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, theo ông Hồ Ngọc Quảng - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Thăng Bình, việc nhân rộng mô hình này còn gặp nhiều khó khăn. “Do nhận thức của người sản xuất là chưa hiểu và chưa đủ can đảm để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Bà con nông dân thường chủ quan và bỏ qua các khâu trong quy trình. Vì vậy, phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thay đổi tập quán sản xuất” - ông Quảng nói.
Có thể bạn quan tâm
Gia đình anh Đương vẫn thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm từ 100 con lợn rừng và 200 con ba ba xanh.
Chị Trần Thị Tươi về quê trồng ổi Đài Loan trên mảnh đất gần 1 mẫu của gia đình, với hơn 300 gốc, mỗi năm thu hoạch hơn 10 tấn, lãi hàng trăm triệu.
Cây khoai mì được ngành chuyên môn quan tâm phát triển trên cơ sở phối hợp các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ nông dân về giống, vật tư, kỹ thuật, cũng như bao tiêu