Trang chủ / Cây lương thực / Trồng lúa

Phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa cuối vụ

Phòng trừ sâu bệnh gây hại lúa cuối vụ
Tác giả: Đỗ Đức Tú
Ngày đăng: 27/05/2019

Vượt qua tất cả những khó khăn về thời tiết, khí hậu và dịch bệnh, đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ bùng phát với mật độ cao, gây hại trên diện rộng, bệnh lùn sọc đen phương nam, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá xuất hiện ở hầu hết các địa phương tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc, đến nay lúa của miền Bắc phát triển tốt trên tất cả các trà lúa, giống lúa, hứa hẹn một vụ mùa thắng lợi.

Đây là thành công bước đầu, hết sức quan trọng, thể hiện sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành, chung sức chung lòng cùng với nông dân quyết tâm dành vụ mùa 2010 chắc chắn thắng lợi.

Để đi đến mục đích đó, từ nay đến 30/9/2010 các cấp các ngành và bà con nông dân còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt cần quan tâm tới công tác phòng trừ sâu bệnh cuối vụ. Tập trung vào 3 đối tượng chủ yếu sau đây:

Một là: Rầy nâu, rầy các loại đang có nguy cơ bùng phát thành dịch với mật độ cao và rất cao, có nơi mật độ rầy lên tới 2-3 vạn con/m2 tập trung ở trà lúa mùa sớm đang vào thời kỳ đông sữa đến chín sáp. Nhiều địa phương đã cháy rầy, một số hộ nông dân phải gặt chạy rầy, điển hình là Thái Nguyên, Bắc Giang... Trước tình hình đó các địa phương đang quyết liệt cùng với nông dân ra đồng dập dịch rầy. Tuy nhiên nhiều nơi hiệu quả phòng trừ rầy không cao mặc dù có hộ nông dân đã phun thuốc trừ rầy 2-3 lần.

Điều này có 3 nguyên nhân là: (1) Nông dân lựa chọn thuốc trừ rầy không đúng với giai đoạn sinh trưởng của lúa. (2) Kỹ thuật phun không đảm bảo, lượng thuốc pha phun không đủ, nhiều nơi như ở Bắc Giang nông dân dùng ống phụt để phụt thuốc trái với quy định và yêu cầu kỹ thuật sử dụng thuốc. (3) Một số địa phương tháo kiệt nước ruộng để chuẩn bị làm vụ đông nên ruộng lúa bị khô kiệt làm giảm hiệu quả phòng trừ rầy.

Để việc phòng trừ và dập dịch rầy đạt hiệu quả cao nhất, đề nghị nông dân tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt theo nguyên tắc “4 đúng” trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của Bộ NN- PTNT và ngành Bảo vệ thực vật, nên lưu ý nhất ở 4 điểm sau:

- Đưa nước vào ruộng trước khi phun thuốc, đảm bảo lớp nước mặt ruộng 3-5cm vừa để dưỡng lúa vừa để nâng cao hiệu quả trừ rầy.

- Rẽ 4-5 hàng lúa thành một lối để phun thuốc trừ rầy vào nơi cư trú, gây hại của rầy là gốc, thân và bẹ cây lúa.

- Đảm bảo lượng nước phun tối thiểu là 24-36 lít (2-3 bình, loại bình 12 lít) cho 1 sào Bắc bộ. Tuyệt đối không dùng ống phụt để phụt thuốc lên bông lúa.

- Thuốc sử dụng: Giai đoạn lúa sau chắc xanh nông dân chỉ nên sử dụng các loại thuốc có tác dụng tiếp xúc, xông hơi, tốt nhất là dùng Bassa 50EC với liều 20-30ml pha cho bình 12 lít hoặc Victory 585EC với liều 20-25ml pha cho bình 12lít, những nơi mật độ trứng rầy còn cao, có thể pha thêm 1 gói (7ml) Applaud 25SC để nâng cao hiệu quả và kéo dài thời gian trừ rầy hữu hiệu vì Applaud 25SC có khả năng diệt trứng rầy.

Hai là sâu đục thân hai chấm hại lúa lứa 5.

Khả năng sẽ gây hại nặng cục bộ cho trà lúa muộn trỗ sau 15/9. Đặc biệt là trà lúa trỗ sau 20/9. Thực tế sản xuất cho thấy nhiều nơi mất mùa riêng vì lứa sâu đục thân này, mặc dù nông dân đã tiến hành phòng trừ đối tượng này không phải một lần. Để phòng trừ tốt sâu đục thân lứa 5 hại lúa, điều nông dân cần làm trước tiên là chọn đúng thuốc tốt. Thuốc tốt nhất ở giai đoạn này qua kiểm chứng thực tế là Dupont Prevathon 35WDG (dạng cốm).

Lượng dùng 1 gói 2,2g pha với 16-20 lít nước phun cho 1 sào Bắc bộ. Phun thuốc theo tiến độ lúa trỗ. Ruộng trỗ bông báo (thấp tho trỗ) đến đâu, phun thuốc đến đó. Kỹ thuật pha: Dupont Prevathon 35WDG là thuốc dạng cốm khả năng bám dính tốt nhưng rất khó tan. Nông dân cần pha thuốc tan hết ở ngoài (gọi là pha dung dịch mẹ) sau đó mới cho thuốc vào bình phun, không nên đổ thuốc lên rây lọc hay cho thuốc trực tiếp vào bình.

Ba là bệnh bạc lá đốm sọc vi khuẩn và đen lép hạt xuất hiện cục bộ trên giống nhiễm, bón phân không cân đối và khi có mưa kèm theo giông gió, nhất là từ khi lúa xuất hiện lá đòng. Thường tập trung nhiều ở các tỉnh Duyên hải.

Để hạn chế bệnh này người nông dân cần hết sức cân nhắc việc bón đón đòng, nuôi hạt, tăng cường bón phân kali vào giai đoạn cuối đứng cái. Nếu dự báo xung quanh giai đoạn lúa trỗ thời tiết có khả năng xẩy ra mưa giông, nên phun phòng bệnh bằng thuốc Staner 20WP pha hai gói thuốc (10g) với 2 bình 12 lít phun cho 1 sào Bắc bộ. Có thể hỗn hợp các loại thuốc trên với Cavil 50SC để phòng trừ bệnh khô vằn hại lúa.


Có thể bạn quan tâm

Chăm sóc lúa chiêm xuân Chăm sóc lúa chiêm xuân

Để cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao, bà con cần áp dụng một số biện pháp sau:

24/05/2019
Hướng dẫn biện pháp quản lý bệnh lùn sọc đen hại lúa vụ xuân năm 2019 Hướng dẫn biện pháp quản lý bệnh lùn sọc đen hại lúa vụ xuân năm 2019

Thời tiết vụ xuân năm 2019 ấm hơn so với trung bình nhiều năm tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng nhanh nhưng cũng tạo nguy cơ cho sâu bệnh diễn biến phức

25/05/2019
Biện pháp hạn chế cỏ dại trên ruộng vụ hè thu Biện pháp hạn chế cỏ dại trên ruộng vụ hè thu

Cũng như những loài dịch hại khác, muốn hạn chế tác hại của cỏ dại trên ruộng lúa, bà con phải áp dụng kết hợp nhiều biện pháp một cách đồng bộ và hợp lý ngay

25/05/2019