Trang chủ / Cây lương thực / Trồng lúa

Phòng trừ ốc bươu vàng

Phòng trừ ốc bươu vàng
Tác giả: Hà Thúy Tuyển
Ngày đăng: 18/07/2019

1/ Đặc điểm sinh học

Ốc bươu vàng chủ yếu sống trong nước ngọt, vùng đất phèn có độ pH nhỏ hơn 4 hay nước mặn có độ mặn trên 5 phần ngàn ốc không sống được. Ốc bươu vàng chủ yếu sống và gây hại trong nước, tuy nhiên ốc có thể sống trong môi trường cạn, thiếu oxy.

Do vậy sau khi gặt lúa, ốc vùi mình xuống đất ẩm, cách mặt đất 5 - 10 cm, sống tiềm sinh suốt mùa khô, có thể đến 6 tháng, chờ vụ mùa tới, ốc trồi lên và gây hại trở lại.

Trứng Ốc bươu vàng có màu đỏ, số trứng trung bình từ 50 - 200 trứng/ổ, ốc đẻ trứng trên cao, cách mặt đất/nước khoảng 10 - 15 cm, ốc cái chủ yếu đẻ lúc trời chạng vạng tối do trời mát và yên tĩnh.

Trước hết cần nhấn mạnh để trừ ốc bươu vàng (OBV) hiệu quả và lâu dài chúng ta nhất thiết phải áp dụng nhiều biện pháp mang tính tổng hợp chứ không phải chỉ dựa vào một vài biện pháp riêng lẻ, cần phải làm sớm từ đầu vụ, làm liên tục, rộng khắp và điều quan trọng là mọi người phải ý thức đây là trách nhiệm chung của toàn cộng đồng.

Phòng trừ:

  1. Đặt lưới mắt cáo bằng kim loại hay bằng lưới nylon hay bằng tre nứa ở cống, bộng dẫn nước để ngăn chận ốc lây lan đồng thời dễ thu gom. Nên đặt lưới sớm ngay từ đầu vụ đến khi thu hoạch.
  2. Bắt ốc bằng tay. Nên bắt ốc sớm và liên tục từ lúc cấy hoặc gieo sạ đến 2, 3 tuần sau, nên làm lúc sáng sớm hay chiều mát. Ốc thu gom có thể dùng để ăn hay bán cho các trại nuôi vịt, nuôi cá bè, nuôi tôm, hay làm phân bón.
  3. Vét rãnh trên ruộng để khi tháo nước, ốc gom xuống rãnh dễ thu gom.
  4. Cắm cọc rải rác trên ruộng để ốc lên đẻ rồi thu gom trứng bằng tay.
  5. Ở nhiều nơi nông dân có kinh nghiệm không đưa nước vào ruộng sớm, chỉ giữ ruộng đủ ẩm, để hạn chế OBV di chuyển và gây hại. Giai đoạn chuẩn bị làm đất nếu cày bừa kỹ, cày sâu thì có thể diệt được OBV nằm vùi dưới ruộng. Ở nhiều nơi sau khi thu hoạch, bà con cày lật ngay để hạn chế OBV lứa sau.
  6. Cho nước vào ruộng sớm (trước khi cấy hoặc gieo sạ) để nhử ốc trồi lên, sau đó tiến hành cày diệt ốc.
  7. Ở nhiều nơi bà con dùng cây xương rồng, cành lá đu đủ, lá thầu dầu, lá mướp, xơ mít, thân lá khoai mì… chặt thả xuống nước, nhựa cây dẫn dụ ốc làm ốc say, nổi lên mực nước giúp thu nhặt ốc dễ dàng hơn.
  8. Vôi: Dùng vôi tuy tốn công nhưng rất hiệu quả trừ OBV ngoài ra còn giúp cải tạo đất, liều dùng 500 kg/ha. Có thể xử lý vôi kết hợp với bón lót lân vào giai đoạn chuẩn bị ruộng.
  9. Thuốc hoá học: Tại Việt Nam, hiện có nhiều hoạt chất trừ OBV bán trên thị trường như Deadline Bullet 4%, Helix 500WP… (a.i: Metaldehyde), Dioto 250EC (Diệt ốc tốt), Snail 700WP… (a.i: Niclosamide), Gà nòi 4G (a.i: Cartap)…

* Liều dùng: Liều khuyến cáo sử dụng kinh tế và hiệu quả là 1 lít/ha, pha 50 ml cho bình 8 lít hay 100 ml cho bình 16 lít, phun 2 bình 8 lít hay 1 bình 16 lít cho 1.000 m2.

* Thời điểm phun: Tùy điều kiện ruộng có thể phun vào các giai đoạn sau:

-  Phun nhử: Trước cấy vài ngày, dẫn nước vào ruộng, nhử ốc trồi lên rồi phun thuốc, sau đó làm đất tiến hành sạ bình thường.

- Phun ngay khi lấy nước vào ruộng chuẩn bị bón phân đợt 1 (khoảng 7 - 8 ngày sau cấy).

- Tuy nhiên nhiều khi mới cấy, mưa lớn, ruộng nổi nước, ốc trồi lên cắn phá, phải phun ngay khi thấy ốc xuất hiện nhiều trên ruộng.

2/ Một số điểm cần lưu ý khi sử dụng:

+ Trước khi phun phải đảm bảo có ốc trên ruộng.

+ Khi phun mực nước khoảng 3 - 5 cm là vừa. Sau phun tiếp tục giữ nước 1 -2 ngày để diệt hết ốc còn sót lại.

+ Để đảm bảo hiệu quả trừ ốc cao: Không phun khi ruộng không có bờ bao hay mực nước trên ruộng quá sâu (trên 5 cm).

+ Nên phun thuốc lúc chiều mát hay sáng sớm. Tuy nhiên theo kinh nghiệm phun chiều mát tốt hơn, vì ốc thường nổi lên và cắn phá mầm lúa vào lúc chiều và tối.


Có thể bạn quan tâm

Giới thiệu giống lúa chất lượng OM4900 Giới thiệu giống lúa chất lượng OM4900

Giống lúa thuần OM 4900 đã được lai tạo chọn lọc bởi các cán bộ khoa học tại Bộ môn di truyền chọn giống thuộc Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (VLĐBSCL)

16/07/2019
Chủ động phòng, chống bệnh lùn sọc đen trong vụ mùa Chủ động phòng, chống bệnh lùn sọc đen trong vụ mùa

Trong điều kiện thời tiết vụ mùa nắng nóng thuận lợi cho rầy lưng trắng - môi giới truyền bệnh phát sinh, do vậy, nguy cơ gây hại của bệnh LSĐ ở vụ mùa rất cao

18/07/2019
Một số kinh nghiệm phòng trừ tuyến trùng hại rễ trên cây lúa Một số kinh nghiệm phòng trừ tuyến trùng hại rễ trên cây lúa

Để giúp cho bà con nông dân chủ động phòng trừ đối tượng bệnh hại trên, xin giới thiệu đến bà con nông dân một số kinh nghiệm phòng trừ bệnh tuyến trùng gây hại

18/07/2019