Trang chủ / Cây lương thực / Trồng lúa

Phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa xuân 2017

Phòng trừ bệnh đạo ôn trên lúa xuân 2017
Tác giả: Nguyễn Thị Hằng (Chi cục Trồng trọt & BVTV)
Ngày đăng: 08/05/2018

Vụ xuân năm 2017, toàn tỉnh gieo cấy 16.890 ha lúa theo kế hoạch. Hiện nay, trà lúa lúa sớm đang trong giai đoạn làm đòng – đòng già (tập trung tại Quảng Yên, Đông Triều, Uông Bí); lúa xuân muộn đang giai đẻ nhánh rộ - cuối đẻ nhánh (tại khu vực các huyện thị miền Tây) và giai đoạn hồi xanh - đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ (tại khu vực các huyện thị miền Đông). Qua kiểm tra tình hình sinh vật gây hại tại các huyện, thị xã, thành phố cho thấy, hiện nay các đối tượng sinh vật gây hại đang phát sinh gây hại trên lúa, đặc biệt là bệnh đạo ôn lá đang phát sinh, phát triển và gây hại mạnh nhất là trên các giống nhiễm như Nếp, BC15, TBR225,… Triệu chứng ban đầu của bệnh đạo ôn chỉ là một chấm nhỏ mầu xanh xám, sau lớn lên có dạng hình thoi đặc trưng, viền nâu, tâm màu xám tro. Khi bệnh nặng, các vết bệnh liên kết lại làm lá bị cháy khô.

Thời gian qua, Quảng Ninh chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh tăng cường yếu, thời tiết thường xuyên có sương mù, âm u, đêm và sáng có mưa nhỏ, mưa phùn, ẩm độ không khí cao, là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển và lây lan nhanh trên đồng ruộng. Hiện nay toàn tỉnh đã có 107,2 ha lúa bị nhiễm đạo ôn lá (Đông Triều, Quảng Yên, Hoành Bồ, Đầm Hà,…). Nếu không được phòng trừ kịp thời, bệnh sẽ lây lan và gây hại trên diện rộng, gây ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

Để bảo vệ an toàn cho sản xuất lúa vụ xuân và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bệnh đạo ôn gây ra, bà con cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp như sau:

- Cần chăm sóc lúa kịp thời, bón phân cân đối N-P-K; bón đạm theo nhu cầu của cây, không bón đạm quá nhiều hoặc bón muộn;

- Thường xuyên thăm đồng, kiểm tra kỹ trên bề mặt lá để phát hiện bệnh sớm, từ đó có biện pháp phòng trừ kịp thời ngay khi bệnh xuất hiện. Cụ thể:

+ Đối với những diện tích lúa đã xuất hiện bệnh đạo ôn ngừng bón đạm và phân NPK giầu đạm, ngừng phun các chất kích thích sinh trưởng, phân bón qua lá và giữ mực nước ổn định từ 3- 5 cm trên ruộng, tránh để ruộng bị khô khi bệnh xảy ra.

+ Tiến hành phun trừ bệnh đạo ôn lá ở những diện tích có tỷ lệ từ trên 5% số lá bị bệnh trở lên bằng một trong các loại thuốc bảo vệ thực vật như: FILIA-525SE; Ka-bum 800WP; Fuji-One 40EC, Difusan 40EC,…(Liều lượng nồng độ pha theo hướng dẫn trên bao bì). Đối với những diện tích bị nhiễm bệnh đạo ôn lá hại nặng cần tiến hành phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 3 - 4 ngày.

Bà con cần chú ý, sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn được ghi trên nhãn mác bao bì, sau khi sử dụng xong cần thu gom vỏ bao bì đúng nơi quy định để tránh ô nhiễm môi trường.

Bệnh đạo ôn là loại bệnh nguy hiểm trên cây lúa, có khả năng làm giảm năng suất lúa cuối vụ, bà con cần chủ động phòng trừ sớm để đạt hiệu quả cao.


Có thể bạn quan tâm

Triển vọng giống lúa thuần mới TBR279 Triển vọng giống lúa thuần mới TBR279

Hội thảo đầu bờ nhằm đánh giá hiệu quả của mô hình sản xuất trình diễn giống lúa thuần mới TBR279 trong vụ đông xuân 2017-2018 tại thôn Vân Quật (xã Duy Thành).

23/04/2018
Nàng Thương 9 là giống lúa chủ lực tại Quảng Ngãi Nàng Thương 9 là giống lúa chủ lực tại Quảng Ngãi

Giống lúa Nàng Thương 9 của Cty CP tập đoàn Điện Bàn đang chứng minh được những ưu điểm so với các giống lúa khác trồng cùng thời điểm.

02/05/2018
Phân lân nung chảy Ninh Bình giúp trồng lúa tăng lợi nhuận Phân lân nung chảy Ninh Bình giúp trồng lúa tăng lợi nhuận

Sử dụng phân lân nung chảy Ninh Bình có hiệu quả, nhất là những vùng đất nhiễm phèn, mặn, tác dụng cải tạo đất tốt, giảm được lượng phân bón thúc

02/05/2018