Phòng trừ bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu đầu mùa mưa
Hồ tiêu là 1 trong 6 cây trồng chủ lực của tỉnh Quảng Trị. Những năm qua cây hồ tiêu đã mang lại thu nhập cao cho người dân tỉnh này.
Hướng dẫn phòng trừ bệnh chết nhanh hại hồ tiêu
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quảng Trị, mùa mưa năm 2018 tiếp tục sẽ có những đợt mưa lớn, kéo dài, ẩm độ không khí cao là điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng bệnh phát sinh gây hại mạnh trên cây hồ tiêu, đặc biệt bệnh chết nhanh.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị cho biết, toàn tỉnh có khoảng 2.520ha hồ tiêu. Tính đến giữa tháng 10/2018 diện tích nhiễm bệnh chết nhanh là 183ha, trong đó diện tích hại nặng 2ha, tỷ lệ bệnh phổ biến 3 - 5%, nơi cao 10%.
Bệnh xuất hiện với các triệu chứng như: Đầu chóp rễ bị biến màu, có màu nâu nhạt hay màu nâu thấm nước, sau chuyển màu nâu đen. Rễ bị thối và không cung cấp đủ nước, dinh dưỡng cho cây; Lá héo rũ nhanh, mép lá hơi co lại và trở nên vàng trước khi rụng. Sau khi lá rụng, quả bắt đầu nhăn nheo và khô đi; Mạch dẫn của cây bị bệnh thường bị thâm đen. Có thể gây héo từng nhánh hoặc toàn cây.
Nguyên nhân do mưa lớn kéo dài, không có hệ thống thoát nước tốt làm rễ tiêu bị thối, nấm bệnh Phytophthora spp có sẵn trong đất xâm nhập gây nên. Loài nấm này tấn công ở bộ rễ và phần thân nằm trong đất của cây tiêu, khiến các mầm ngừng phát triển, lá chuyển màu xanh nhạt rồi biến thành màu vàng và rụng, phần dây thân trên mặt đất chết khô.
Cây tiêu chết rất nhanh, từ khi thấy triệu chứng lá bắt đầu héo đến khi cây chết chỉ từ 1 - 2 tuần, cây tiêu chết khô nhưng các thân dây chính vẫn bám trên trụ. Không chỉ gây chết nhanh mà bệnh này còn lây lan rất nhanh, đặc biệt là ở những vườn thoát nước kém.
Ông Trần Minh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị cho biết, để phòng trừ kịp thời và ngăn chặn sự phát sinh và lây lan trên diện rộng của bệnh chết nhanh hồ tiêu trong mùa mưa, bà con cần chú ý cách nhận biết và các biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Trong công tác phòng bệnh nông dân cần bón phân cân đối đặc biệt là phải bón phân chuồng hoai mục để tăng độ tơi xốp cho đất cũng như cung cấp hệ vi sinh vật có lợi với lượng 25 - 30 kg/nọc và bón đủ đạm, lân, kali, bổ sung thêm phân bón qua lá theo từng thời kỳ sinh trưởng để đảm bảo lượng dinh dưỡng đa lượng, vi lượng cho cây.
Sử dụng nấm đối kháng Trichoderma để ủ phân chuồng là tốt nhất. Không xới xáo mặt đất vùng rễ cây khi trời mưa. Làm rãnh thoát nước tốt, tránh không để vườn bị úng. Kịp thời trừ rệp sáp, tuyến trùng hại rễ.
Khi bệnh xuất hiện thì cần áp dụng một số biện pháp để trị: Trước khi vào mùa mưa hoặc khi vườn tiêu bắt đầu bị nhiễm bệnh cần tiến hành xử lý bằng các loại thuốc hoá học như Ridomil Gold 68 WP, Fortazep 72 WP, Agri-Fos 400. Phun 2 - 3 lần vào đầu mùa mưa, mỗi lần cách nhau 15 - 20 ngày với liều lượng 25g/8 lít nước. Nếu bệnh quá nặng nên kết hợp với tưới vào gốc và phun lên cây.
Chú ý khi phun thuốc cần phun thật kỹ, ướt đều trong thân cành, lá. Những cây đã bị chết do bệnh cần đào bỏ kịp thời và xử lý đất bằng vôi bột 0,5 - 1 kg/nọc, phơi ải, sau ít nhất 1 năm mới trồng trở lại.
Ngoài ra, để hạn chế thấp nhất thiệt hại, người trồng tiêu cần vệ sinh vườn, bón phân, đào rãnh thoát nước, chăm sóc vườn giai đoạn phân hóa mầm hoa - ra hoa. Theo dõi và xử lý thuốc phòng trừ bệnh trước mùa mưa. Kiểm tra vườn thường xuyên để phát hiện bệnh sớm, thu gom tàn dư cây bị bệnh mang ra khỏi khu vực vườn đem tiêu hủy, xử lý đất tại các gốc bị bệnh bằng vôi bột. Những vườn bị bệnh cần xử lý bằng các loại thuốc hóa học theo quy trình phòng trừ...
Có thể bạn quan tâm
Để hạn chế và có biện pháp kịp thời trong phòng trừ sâu bệnh hại và chăm sóc hợp lý trong mùa mưa, hướng dẫn một số biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh
Để hồ tiêu cho năng suất và chất lượng hạt cao, nhà vườn cần lưu ý đến nhu cầu dinh dưỡng cho hồ tiêu, đặc biệt là ở giai đoạn ra hoa.
Sau vụ thu hoạch, nếu không làm tốt việc bón phân đầy đủ cho hồ tiêu sẽ dẫn đến hiện tượng nửa số cây được mùa và nửa số cây thất mùa.