Phòng, trị một số bệnh ở ếch nuôi
Hỏi: Nòng nọc có bụng phình to, bơi khó khăn. Xin hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục? (Nguyễn Thành Đạt, xã Hải Ninh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định)
Trả lời:
Theo mô tả, nòng nọc có thể mắc bệnh đường ruột. Ếch trưởng thành cũng có thể mắc bệnh. Nguyên nhân chủ yếu là do ăn phải thức ăn thiu, thối. Nòng nọc khi bị bệnh, bụng phình to, bơi khó khăn. Cơ thể không nằm ngang mà thường thẳng đứng. Khi đó phải thay toàn bộ nước mới, vớt các con bị bệnh ra một chậu. Cứ 5 lít nước hòa 2 lọ Penicillin (loại 1 triệu đơn vị) và cho nòng nọc bơi trong đó khoảng nửa tiếng. Sau đó, đưa chúng sang một chậu nước sạch khác hoặc một bể nhỏ, cho ăn các loại thức ăn dễ tiêu hóa trong một thời gian. Khi nòng nọc hết bệnh mới đưa trở lại với đàn.
Với ếch con và ếch trưởng thành, nếu bị bệnh sẽ hoạt động chậm chạp, kém ăn, hậu môn lòi ra và có vết máu. Chữa bằng cách, trộn thêm Ganidan hoặc Becberin đã nghiền nát vào thức ăn. Sau 3 - 5 ngày, ếch sẽ khỏi bệnh. Cũng có thể dùng Sunphadiazine với lượng 4 - 5 g/kg thức ăn trong 5 ngày. Tốt nhất, cho ếch nhịn ăn 1 - 2 ngày rồi cho ăn thức ăn đã trộn thuốc.
Hỏi: Biện pháp điều trị bệnh đốm đỏ, lở loét ở ếch? (Phạm Chí Thiện, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh)
Trả lời:
Đốm đỏ, lở loét là một trong những bệnh thường xảy ra trên đàn ếch. Đây là bệnh có khả năng lây lan nhanh. Việc phát hiện và điều trị bệnh sớm sẽ góp phần giảm thiệt hại cho người nuôi. Tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Aeromonas hydrophila. Tuy nhiên, vi khuẩn chỉ gây bệnh khi có các yếu tố như môi trường nuôi không tốt (ao nuôi ếch bị nhiễm bẩn), mật độ nuôi quá cao hay thức ăn kém chất lượng… Phòng bệnh này bằng cách thường xuyên kiểm tra môi trường nước nuôi, nếu thấy nước bẩn cần thay ngay bằng nước sạch, nuôi mật độ vừa phải nhằm hạn chế stress cho ếch. Bổ sung Vitamin C vào thức ăn của ếch để tăng sức đề kháng. Trị bệnh bằng cách dùng kháng sinh Kamoxin F, Oxytetracycline (3 - 5 g/kg thức ăn) trộn vào thức ăn dùng liên tiếp 5 - 7 ngày. Ngâm ếch trong dung dịch Vime - Iodine 200 với lượng 1 lít cho 500 - 700 m3/30 phút.
Có thể bạn quan tâm
Anh Trần Thiện Thanh có hơn 20 năm gắn bó với nghề ấp trứng vịt, tuy nhiên cách đây 3 năm, anh chuyển sang nghề ấp trứng gà ta và đạt hiệu quả cao.
Mô hình đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, đem về lợi nhuận cho gia đình ông trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Với hơn mẫu đất trồng rau màu, gia đình chị Đào Thị Thanh Hải đã tham gia mô hình trồng rau an toàn VietGAP theo hình thức tổ hợp tác.