Phòng trị hội chứng Zoea 2
Đây là hội chứng gây thiệt hại lớn cho ngành sản xuất giống tôm thẻ chân trắng; với một số biểu hiện như ấu trùng tôm bỏ ăn, yếu dần và chết khi đang chuyển sang giai đoạn Zoea 2.
Gan tụy của ấu trùng Zoea 2 khỏe mạnh Ảnh: CTV
Nguyên nhân
Vừa qua, các nhà khoa học tại Viện Thủy sản nước lợ (Ấn Độ) đã tiến hành đánh giá và thu mẫu (tôm khỏe và tôm nhiễm hội chứng Zoea 2) tại 15 trại sản xuất giống tôm thẻ chân trắng dọc bờ biển phía Đông Ấn Độ. Kết quả cho thấy, nguyên nhân gây hội chứng Zoea 2 được xác định là do chủng vi khuẩn Vibrio spp, trong đó V. alginolyticus (8 trại) , V.mimicus (5 trại), V.vulnificus (2 trại).
Đường lây bệnh
Kết quả nghiên cứu cho thấy, hội chứng Zoea 2 không xuất hiện ở những trại mới sản xuất, nên khả năng nhiễm hội chứng Zoea 2 có thể do sự tích lũy của các điều kiện ương lâu ngày, đồng thời cho thấy quy trình khử trùng thiếu và chưa đúng cách ở đầu, giữa và kết thúc một vụ sản xuất giống. Hoặc cũng có thể do cơ sở vật chất trong ương ấu trùng, quá trình thực hiện quản lý chất lượng nước chưa tốt. Việc sử dụng chung dụng cụ giữa các hồ ương…
Vi khuẩn xâm nhập gây bệnh qua nhiều nguồn khác nhau như: Từ Nauplii không được tắm hợp lý, nguồn nước, thức ăn và nguồn tảo tươi không đảm bảo chất lượng; Sử dụng trứng Artemia không được xử lý kỹ, từ các chế phẩm vi sinh bị nhiễm tạp, từ môi trường bên ngoài hoặc lây nhiễm từ bể này sang bể khác.
Biểu hiện bệnh
Ở giai đoạn Nauplii ấu trùng tôm khỏe mạnh và chuyển sang Zoea 1 bình thường. Cuối giai đoạn Zoea 1, ấu trùng tôm đột ngột bỏ ăn, hoạt động yếu, không rụng lông chuyển sang giai đoạn kế tiếp. Ấu trùng trắng toàn thân do không ăn và không thải phân. Quan sát dưới kính hiển vi những ấu trùng bị ảnh hưởng cho thấy, hệ thống tiêu hóa có sự biến đổi, đồng thời cũng làm thay đổi một số cơ quan khác như gan tụy dẫn đến khả năng hấp thu chất dinh dưỡng kém và sự bỏ ăn. Gan tụy bị sưng lên, không có giọt dầu. Tế bào biểu mô ở ruột cũng bị phình to, bong tróc và tan rã. Ruột rỗng và không có dải phân.
Ấu trùng không chuyển được qua Zoea 2 trong vòng 4 - 5 ngày và bắt đầu chết dần trong giai đoạn lột xác, tỷ lệ chết tăng dần 30 - 100%.
Phòng trị bệnh
Sự gia tăng của vi khuẩn Vibrio spp trong chu kỳ ương kết hợp với một số hoạt động quản lý chưa tốt nên vi khuẩn có cơ hội tấn công ấu trùng, làm chậm sự lột xác và dẫn đến Zoea 2 bị chết. Trên thực tế, một số trại đã sử dụng kháng sinh để điều trị nhưng chưa cho kết quả tốt. Vì vậy, cần có sự quản lý chặt chẽ trong giai đoạn này. Tiến hành khử trùng vệ sinh trại, đường uống và các vật dụng trước và sau đợt sản xuất. Vệ sinh chân tay sạch sẽ trước khi vào trại. Để tránh sự lây nhiễm giữa các bể với nhau và duy trì nhiệt độ nên sử dụng bạt che đậy trên từng bể cho tới giai đoạn PL1. Khử trùng kỹ trứng Artemia trước lúc cho ăn. Trong cùng một trại, nên thả Nauplii cùng một đợt, không thả liên tục và kéo dài 3 - 4 ngày. Sử dụng tảo tươi có chất lượng tốt và không nhiễm Vibrio spp. Cải thiện chất lượng tảo bằng việc pha loãng mật độ, phân chia riêng biệt các khu vực tảo, Artemia, ương ấu trùng, xử lý nước cũng như phải dùng những dụng cụ riêng biệt cho từng bể ương.
Kết hợp hàng ngày bổ sung Vitamin C và Vitamin tổng hợp giúp chống sốc và tăng cường miễn dịch cho ấu trùng; Bổ sung vi sinh và men tiêu hóa vào thức ăn để kích thích và cung cấp vi khuẩn có lợi cho đường ruột với lượng 1 lần/ngày.
Hằng ngày kiểm tra mức độ bắt mồi của ấu trùng qua kính hiển vi để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. Kiểm tra lượng vi khuẩn Vibrio spp trong môi trường nước bằng test TCBS. Cho ăn với liều lượng phù hợp, tránh dư thừa thức ăn.
Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường đảm bảo trong ngưỡng phù hợp. Duy trì nhiệt độ ổn định 32 - 340C, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm không quá 10C. Tăng sục khí duy trì hàm lượng ôxy hòa tan >5 mg/l và phân phối đều trong bể ương. Hàng ngày bổ sung nước ngọt với lượng 5%. Khi cấp nước phải tiến hành từ từ và theo chiều kim đồng hồ.
Sử dụng chế phẩm sinh học ngay từ giai đoạn Zoea 1 với lượng 1 lần/ngày, cho tới giai đoạn PL 1, để giúp môi trường nước sạch, ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.
>> Các trại tôm giống cần trang bị đầy đủ hệ thống xử lý nước như lọc cát, lọc than hoạt tính, khử trùng bằng UV. Cùng đó, kết hợp với thực hành quản lý chặt chẽ, thời gian khử trùng trước và giữa các chu kỳ sản xuất đúng và hợp lý sẽ làm giảm nguy cơ gây bệnh của vi khuẩn Vibrio spp.
Có thể bạn quan tâm
Tôm thẻ chân trắng nuôi được hơn 40 ngày, tôm có dấu hiệu giảm ăn, quan sát ruột tôm thấy không đầy thức ăn có hiện tượng bị phân trắng
Bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND) trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng xuất hiện chủ yếu vào giai đoạn tôm 30 - 40 ngày tuổi
Bệnh WSSV gây ra trên tôm xuất hiện ở Việt Nam cách đây hơn 20 năm, và thiệt hại của bệnh này tăng theo thời gian.