Trang chủ / Hải sản / Tôm thẻ chân trắng

Phòng trị bệnh xuất huyết trên cá rô phi

Phòng trị bệnh xuất huyết trên cá rô phi
Ngày đăng: 12/08/2015

Tác nhân gây bệnh

Bệnh xuất huyết trên cá rô phi do một số các loài vi khuẩn như Aeromonas sp, Pseudomonas sp… gây nên. Đây là những chủng vi khuẩn gram âm, có dạng hình que, di động, có khả năng gây tan huyết, phá hủy các mô cơ.

Dấu hiệu

Cá bị bệnh có hiện tượng ăn kém hoặc bỏ ăn, da có màu đen sạm, bơi lội chậm chạm, thường nằm gần bờ ao hoặc các cống nước. Ngoài ra, cá có biểu hiện ngứa ngáy, phản ứng mạnh với các tác nhân bên ngoài. Trên thân có nhiều đốm đỏ; da, mang, hậu môn bị xuất huyết. Góc vây, hàm dưới của nắp mang bị tụ máu thành những lớp màu đỏ. Xoang bụng bị xuất huyết nội tạng.

Phân bố và lan truyền bệnh

Bệnh xuất hiện ở khắp các giai đoạn phát triển của cá. Bệnh thường xảy ra khi cá bị sốc hay trong thời tiết bất lợi, chuyển mùa. Đặc biệt, bệnh phát triển mạnh trong môi trường nước nuôi bị nhiễm bẩn, lượng khí độc tích lũy nhiều dưới đáy ao, hàm lượng ôxy hòa tan thấp.

Bệnh lây truyền theo chiều ngang, lây trực tiếp từ con khỏe sang con yếu hoặc bệnh có thể lây lan theo nguồn nước cấp.

Gan xung huyết

Não tụ máu

Phòng bệnh

Tiến hành các biện pháp phòng bệnh tổng hợp cho cá. Chọn cá giống khỏe mạnh, vận chuyển giống cẩn thận, không xây xát.

Nuôi lồng: Cần vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ, loại bỏ rong rêu, chất bẩn bám làm tăng dòng chảy lưu thông, vớt phân cá, xác cá để tránh tích lũy mầm bệnh.

Nuôi ao: Cần cải tạo ao theo đúng quy chuẩn kỹ thuật trước và sau mỗi vụ nuôi, định kỳ 15 – 20 ngày bón vôi với liều lượng 2 – 3 kg/100 m². Kiểm soát lượng phân động vật bón xuống ao đặc biệt là những ngày trời nắng nóng. Cần có biện pháp bảo đảm hàm lượng ôxy hòa tan, đặc biệt vào những ngày thời tiết bất thường, đứng gió.

Hạn chế lấy nước từ ngoài vào hệ thống nuôi cá rô phi khi vùng nuôi xảy ra dịch. Ương nuôi với mật độ thích hợp. Hạn chế hoạt động đánh bắt, kéo lưới, làm xây xát, tổn thương cá.

Bổ sung vitamin C, vitamin tổng hợp cho cá với liều lượng 30 mg/kg thức ăn, một tuần/lần. Ngoài ra có thể sử dụng tỏi tươi, xay nhuyễn, kín với liều lượng 3 – 5 g /kg thức ăn, 1 tuần/lần.

Xuất huyết mang

Trị bệnh

Bệnh được chữa trị trong giai đoạn đầu phát hiện bệnh bằng kháng sinh kết hợp với xử lý môi trường nước nuôi.

Một số loại kháng sinh có thể sử dụng để trị bệnh xuất huyết trên cá rô phi:

Nếu bệnh trên cá rô phi giống có thể sử lý bằng phương pháp tắm với Oxytetracylin, nồng độ 25 – 50 ppm hoặc Streptomycin, nồng độ 30 – 50 ppm.

Cá thịt xử lý bằng phương pháp trộn Sulphamid với thức ăn, liều lượng 150 – 200 mg/kg cá/ngày. Thuốc phối chế KN-O4-12 liều dùng 2 – 4 g/kg cá/ngày.

Sử dụng thuốc để trị bệnh cho cá liên tục trong khoảng 5 – 7 ngày. Riêng đối với kháng sinh từ ngày thứ 3 trở đi, liều lượng có thể giảm 1/3 – 1/2 lượng thuốc kháng sinh.

Trong thời gian điều trị bệnh lượng thức ăn giảm còn khoảng 1/2 – 2/3 lượng thức ăn thông thường. Sau khi điều trị bệnh bằng kháng sinh có thể sử dụng một số loại men vi sinh để ổn định vi khuẩn đường ruột cho cá.

Việc sử dụng thuốc kháng sinh trị bệnh cho cá cần lưu ý, vì sử dụng kháng sinh liên tục với liều lượng cao dần sẽ gây hiện tượng kháng thuốc của vi khuẩn và ảnh hưởng đến kháng sinh tồn dư trong thịt cá.

Tags: phong tri benh xuat huyet, ca ro phi, nuoi ca ro phi, nuoi thuy san, benh thuy san


Có thể bạn quan tâm