Trang chủ / Cá nước ngọt / Cá trắm cỏ

Phòng, trị bệnh trên cá trắm cỏ

Phòng, trị bệnh trên cá trắm cỏ
Tác giả: Ban KHKT
Ngày đăng: 07/01/2021

Hỏi: Cá trắm cỏ bơi lội không định hướng, quan sát thấy trên da xuất hiện các vùng trắng xám. Hỏi nguyên nhân và biện pháp khắc phục? (Phạm Thị Hoài, xã Long Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang)

Trả lời:

Theo mô tả, có thể cá đã mắc bệnh nấm thủy mi. Bệnh do một số loài nấm thuộc các giống Achlya, Saprolegnia, Leptolegnia… gây ra. Khi mắc bệnh, trên da cá xuất hiện các vùng trắng xám, sau vài ngày hình thành các sợi nấm mảnh và phát triển thành búi trắng như bông. Một đầu sợi nấm bám vào da cá, đầu kia bơi tự do ngoài môi trường nước. Cá ngứa ngáy, bơi lội hỗn loạn, mất phương hướng.

Khi bệnh xảy ra cần: Tắm cho cá bằng hóa chất diệt nấm như dung dịch muối ăn, thuốc tím (KMnO4), Formaline… Liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất; Khử trùng nguồn nước bằng Iodine với liều lượng 1 lít cho 5.000 m3 nước ao nuôi.  

Để phòng bệnh, cần thực hiện tốt các biện pháp như: Cải tạo ao sau mỗi vụ nuôi bằng cách vét bùn, tạt vôi diệt tạp từ 7 – 10 kg/100 m2. Tạo điều kiện sống thuận lợi cho cá, nhất là vào những lúc trời lạnh. Cho ăn đảm bảo nguyên tắc 4 định: định lượng, định chất, định thời gian, định địa điểm. Không nuôi mật độ quá cao. Cá giống trước khi thả cần được tắm qua nước muối với liều lượng 2 – 4 g muối/lít nước. Tránh làm xây xát cá do đánh bắt, vận chuyển. Rắc vôi định kỳ xuống ao nuôi 2 lần/tháng và trước khi trời mưa từ 1,5 – 2 kg/100 m3. Tăng cường cho cá ăn Vitamin C liều lượng 200 – 300 g/100 kg thức ăn. Nên treo túi vôi 2 – 4 kg/túi quanh chỗ cho cá ăn 1 tuần/lần ở cá nuôi lồng và xử lý vôi nguồn nước ở cá nuôi ao vào mùa mưa. Thường xuyên theo dõi màu nước ao nuôi và kiểm tra khả năng phản xạ cũng như bắt mồi của cá. Nếu nguồn nước thuận lợi nên thay và cấp nước mới thường xuyên cho ao nuôi.

Hỏi: Biện pháp phòng trị bệnh đốm đỏ trên cá trắm cỏ? (Nguyễn Văn Trung, xã Tân Dân, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương)

Trả lời:

Bệnh đốm đỏ thường gặp ở cá trắm cỏ hơn 1 năm tuổi, là loại bệnh truyền nhiễm do các loài vi khuẩn Aeromonas di động, bao gồm A.hydrophyla, A.caviae, A.sorbriado,  gây ra. Cá nhiễm bệnh có biểu hiện kém ăn hoặc bỏ ăn, nổi lờ đờ trên mặt nước, vẩy bong ra, da màu tối xẫm, cá mất nhớt, hậu môn viêm đỏ lồi ra ngoài, xuất huyết trên thân, quanh miệng hay ở các gốc vây, các đốm đỏ ăn sâu vào cơ, cá có mùi tanh đặc trưng. Dấu hiệu bên trong: ruột có thể chứa đầy hơi, thành ruột xuất huyết, nhiều chỗ bị hoại tử thối nát, xoang bụng chứa nhiều dịch nhờn hôi thối (còn gọi là bệnh viêm ruột). Gan tái nhợt, mật đen thẫm, thận nhũn. Khi cá bị mắc bệnh, có thể dùng một số kháng sinh, thảo mộc có tác dụng diệt khuẩn; dùng phương pháp cho ăn kháng sinh trộn với thức ăn tinh, thuốc KN-04-12, liều dùng 4 g/kg cá/ngày, cho ăn liên tục trong 5 – 7 ngày. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là không để cá bị sốc do môi trường nước thay đổi; thường xuyên bón vôi bột xuống ao nuôi để khử trùng môi trường nước. Ngoài ra, có thể bổ sung Vitamin C vào thức ăn cho cá; dùng thuốc KN-04-12 cho cá ăn với liều lượng 2 g/kg cá/ngày, liên tục trong 3 ngày.


Có thể bạn quan tâm

Tác động của Lipid đến chức năng miễn dịch ruột của cá trắm cỏ Tác động của Lipid đến chức năng miễn dịch ruột của cá trắm cỏ

Cá trắm cỏ tên khoa học là Ctenopharyngodon idella là một loài cá thuộc họ Cá chép (Cyprinidae).

16/04/2020
Kích thích miễn dịch an toàn trên cá trắm cỏ Kích thích miễn dịch an toàn trên cá trắm cỏ

Cá trắm cỏ (Ctenopharyngodon idella) là loài cá nước ngọt đặc sản được nuôi phổ biến ở các tỉnh phía Bắc nước ta. Cá trắm cỏ là loài cá dễ nuôi

25/04/2020
Ứng dụng men vi sinh để tăng tốc độ tăng trưởng cho cá rô phi Ứng dụng men vi sinh để tăng tốc độ tăng trưởng cho cá rô phi

Kết hợp giữa Spirulina platensis và Bacillus amyloliquefaciens cho thấy những tác động tích cực rõ rệt lên các chỉ số tăng trưởng của cá rô phi.

11/08/2020