Phòng trị bệnh thường gặp trên cá tra mùa mưa

Tác động trời mưa đến ao nuôi
Thường từ tháng 8 đến 11 hằng năm, trời mưa nhiều kết hợp với nước lũ thượng nguồn đổ về, mang theo nhiều vật chất hữu cơ, rác và các chất thải khác từ nhà máy, sinh hoạt của cộng đồng, thuốc bảo vệ thực vật từ đồng ruộng chảy ra sông…
Dẫn đến nguồn nước bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng lớn đến môi trường sống của các loài thủy sản nói chung và cá tra nuôi nói riêng, khiến cho sức khỏe cá bị suy giảm, dễ bị dịch bệnh như các loại virus, vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng… tấn công.
Hơn nữa, mưa lớn làm thay đổi các yếu tố thủy lý, thủy hóa môi trường nước, đặc biệt là nhiệt độ và ôxy hòa tan, cá dễ bị stress và giảm khả năng đề kháng.
Do vậy, cần phải hết sức chú ý để có biện pháp phòng trị kịp thời và hữu hiệu, nhằm bảo vệ cho đàn cá an toàn.
Cung cấp thức ăn cho cá đầy đủ và đảm bảo chất lượng
Phương pháp phòng bệnh tổng hợp
Nâng cao sức khỏe và phòng ngừa dịch bệnh cho đàn cá tra trong suốt quá trình nuôi là việc cần làm thường xuyên. Tuy nhiên để giúp cho đàn cá khỏe mạnh và chống chọi tốt với dịch bệnh, người nuôi cần thực hiện nghiêm túc các yêu cầu kỹ thuật.
Phải tẩy dọn ao thật kỹ trước khi thả cá nuôi.
Chọn con giống khỏe, có chất lượng tốt để nuôi và thả nuôi với mật độ vừa phải. Xử lý đáy ao định kỳ 2 tháng/lần với cá dưới 300 g/con, 1 tháng/lần với cá trên 300 g/con.
Định kỳ xử lý ao nuôi bằng chế phẩm sinh học, thảo dược để loại trừ tác nhân gây bệnh, cải thiện chất lượng nước, nâng cao sức đề kháng và khả năng hấp thu của cá. Định kỳ 20 - 30 ngày, sử dụng vôi nông nghiệp lượng 2 - 3 kg/100 m2 ao, hòa với nước tạt đều khắp ao.
Cung cấp cho cá lượng thức ăn có đủ chất dinh dưỡng và đảm bảo số lượng theo từng giai đoạn phát triển của cá. Định kỳ bổ sung vitamin C, chất khoáng, chất bổ trợ gan… để tăng sức đề kháng cho cá khi môi trường thay đổi.
Phòng trị một số bệnh thường gặp trong mùa mưa
Bệnh gan thận mủ
Bệnh gan thận mủ do vi khuẩn Edwardsiella ictaluri gây ra.
Cá tra thường bị nhiễm bệnh vào các tháng mùa mưa khi nhiệt độ nước hạ thấp, đặc biệt ở những ao nuôi với mật độ cao và bị ô nhiễm.
Cá bị nhiễm bệnh gan thận mủ thường ăn kém hoặc bỏ ăn. Quan sát bên ngoài có thể thấy bụng hơi sưng to, mắt đục.
Cá bệnh thường bơi lờ đờ gần bề mặt ao. Khi mổ bụng cá thường thấy những đốm trắng nhỏ trên bề mặt một số cơ quan như gan, thận và lá nách. Áp dụng các biện pháp tổng hợp để phòng bệnh gan thận mủ trên cá tra.
Phương pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh là sử dụng vaccine ALPHA JECT® Panga 1. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học thì vi khuẩn E. ictaluri gây bệnh mủ gan cá tra, basa, cá trê rất nhạy với Florphenicol.
Florfenicol có độ tồn dư thấp trong mô cơ. Dùng thuốc liều 10 mg/kg thể trọng liên tục 12 ngày, khi ngưng sử dụng 7 ngày mức tồn dư trong cơ cá tra còn 0,222 - 0,109 ppm (mức cho phép của Việt Nam và Mỹ 1ppm).
Bệnh vàng da
Bệnh vàng da thường xuất hiện cao điểm vào mùa mưa.
Khi bị bệnh, cá mất máu, giảm hồng cầu, dẫn đến khả năng lấy ôxy kém, sức đề kháng giảm làm cá dễ nhiễm bệnh khác, chết hàng loạt và nhanh chóng.
Để phòng bệnh, ngoài các phương pháp chủ yếu, người nuôi nên cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp đảm bảo chất lượng và phải có hệ thống sục khí đáy ao thích hợp để bổ sung ôxy và giảm độc từ đáy ao. Phương pháp trị bệnh tương tự bệnh gan thận mủ.
Bệnh ngoại ký sinh
Một số ngoại ký sinh trùng như trùng bánh xe, trùng quả dưa, trùng mỏ neo… là những bệnh khá nguy hiểm, thường phát sinh mạnh trong những đợt mưa kéo dài, kết hợp ao nuôi bị ô nhiễm. Để phòng tránh bệnh ngoại ký sinh, cần thực hiện các biện pháp giảm ô nhiễm môi trường.
Khi bị bệnh, cá thường có biểu hiện ngứa ngáy, hay quẫy mạnh, giảm ăn, trên da và mang có nhiều nhớt, chết với số lượng ít và tăng không đáng kể.
Phòng bệnh bằng biện pháp giữ môi trường nuôi được trong sạch hoặc có thể dùng lá xoan, cỏ mực, đập dập, bó chặt rồi treo ở đầu bè nuôi.
Trị bệnh bằng phương pháp ngâm, tắm cá trong KMnO4, liều lượng 10 g/m3 nước, trong 1 giờ. Ngoài ra có thể tắm cá bằng muối ăn, nồng độ 2 - 3%, hoặc có thể sử dụng hỗn hợp muối ăn với thuốc tím theo tỷ lệ 7 kg muối ăn + 4 g thuốc tím/m3 nước.
Có thể bạn quan tâm

Đánh bắt và khai thác nguồn lợi thuỷ sản mùa nước nổi là nghề rất đặc thù của người dân vùng châu thổ ĐBSCL, nhất là vùng Đồng Tháp Mười và khu vực Tứ giác Long Xuyên.

Đối với nghề nuôi tôm biển (sú, thẻ chân trắng ) đặc biệt là nuôi thâm canh thì vấn đề như: môi trường, mầm bệnh, chăm sóc và quản lý,…là các yếu tố quyết định sự thành công của nghề nuôi tôm.

Yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn chất lượng thủy sản tại các thị trường như Mỹ, Nhật Bản đang thực sự gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Do đó, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, trong đó có thị trường Bỉ là cần thiết.

Được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, trong vụ lúa trung vụ năm 2011, hộ anh Huỳnh Văn Sên ngụ tại ấp An Bình, xã An Hiệp, huyện Ba Tri đã thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa.

Diện tích nuôi các loại nhuyễn thể ngày một tăng, tuy nhiên, trong khi doanh nghiệp và các hộ dân đầu tư lớn cho nghề nuôi nhuyễn thể thì nghề nuôi này lại luôn tiềm ẩn nguy cơ bị dịch bệnh, gây thiệt hại nặng nề nếu không được phòng bệnh kịp thời trong quá trình nuôi.