Phòng trị bệnh lá chuối bị đốm sọc
Bệnh đốm sọc lá chuối làm giảm năng suất, chất lượng sản phẩm và còn làm cho cây chuối có thể bị chết. Nhờ Bạn Nhà nông hướng dẫn cách phòng trị bệnh này. Lưu Quốc Đạt (Xuân Hiệp - Trà Ôn)
Anh Đạt mến! Bệnh đốm sọc lá chuối (Sigatoka) phổ biến và gây hại ở hầu hết các giống chuối.
Ban đầu, vết bệnh là một đốm nhỏ màu nâu đỏ hoặc xanh vàng, có đường kính khoảng 1mm ở mặt dưới lá. Sau đó, vết bệnh kéo dài thành những vệt nhỏ và phát triển dần thành các đốm sọc hẹp màu nâu đỏ, rồi nâu đen. Vết bệnh chạy dài song song với gân lá, xung quanh vết bệnh có quầng vàng.
Giữa vết bệnh có màu xám tro. Các đốm lá thường xuất hiện ở mép lá, đặc biệt trên các lá phía dưới. Về sau, các vết bệnh liên kết lại với nhau và gây vàng và khô lá.
Bệnh này do nấm Mycosphaerella sp. gây ra. Bệnh phát triển mạnh vào những tháng có thời tiết nóng ẩm, có nhiều mưa gió hay nhiều sương mù, ẩm ướt. Bệnh cũng phát triển mạnh trong các vườn trồng mật độ cao, nhiều cỏ dại, tiêu thoát nước kém, bón thừa đạm, nhưng thiếu kali, canxi và phân hữu cơ, vườn nhiều sâu chích hút như rầy rệp,…
Để phòng trừ, anh cần vệ sinh tàn tích cây trồng vụ trước, cây dại quanh vườn trước khi trồng. Sử dụng các giống kháng bệnh. Trồng với mật độ thích hợp, không trồng quá dày.
Tưới và tiêu thoát nước hợp lý, nhất là trong mùa mưa. Bên cạnh đó, anh cần thường xuyên cắt tỉa lá bị bệnh, lá khô đem ra khỏi vườn để tiêu hủy.
Luôn giữ vườn thông thoáng, sạch cỏ dại. Bón phân cân đối hợp lý, tránh dư đạm, bổ sung phân hữu cơ. Tăng cường sử dụng SPC-K và SPC-CAL để tăng sức kháng bệnh. Phòng trừ kịp thời các loại sâu chích hút trên vườn chuối.
Khi bệnh chớm xuất hiện, anh có thể sử dụng một trong những loại thuốc như: Clearner 75WP, hoặc Dipomate 430SC, hay Saizole 5SC. Ngoài ra, anh nên phối hợp từng loại thuốc trên với dầu khoáng SK Enspray 99EC để gia tăng sự lưu giữ thuốc và ngăn ngừa sự thâm nhập của nấm bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Nấm bệnh vàng lá Panama mẫm cảm nhất ở giai đoạn cây chuối sinh trưởng khỏe và chuẩn bị trổ hoa. Cây bị bệnh muộn có thể vẫn cho buồng quả nhưng quả không có
Chuối là loại cây ăn quả cho tiềm năng năng suất rất cao từ 30 – 40 tấn/ha nên đồng nghĩa sẽ lấy đi một lượng dinh dưỡng rất lớn ở trong đất.
Vừa qua, Cục BVTV đã ban hành quy trình phòng, chống bệnh héo vàng lá chuối, đề nghị Sở NN-PTNT các địa phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện.