Trang chủ / Hải sản / Tôm thẻ chân trắng

Phòng, trị bệnh đốm trắng

Phòng, trị bệnh đốm trắng
Tác giả: Diệu Châu
Ngày đăng: 28/11/2018

Gần đây, bệnh đốm trắng trên tôm nuôi đang có chiều hướng gia tăng. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây nên, cụ thể: virus, vi khuẩn hay yếu tố môi trường. Cần nắm rõ đặc điểm để có biện pháp phòng, trị bệnh hiệu quả.

Tôm bị bênh virus đốm trắng

Bệnh do virus

Nguyên nhân: Do virus Whisspovirus gây ra. Theo hội nghị virus học quốc tế lần thứ 12 (2002), các nhà khoa học đã phân loại virus gây bệnh đốm trắng là một giống mới Whisspovirus thuộc họ mới Nimaviridae.

Triệu chứng: Tôm thường bơi lên mặt nước hoặc bơi dạt vào bờ, thân đỏ. Dưới vỏ vùng giáp đầu ngực, vỏ thân, đuôi có nhiều đốm trắng đường kính 0,5 - 2 mm. Phần phụ bị tổn thương, nắp mang phồng, có nhiều sinh vật bám ở vỏ, ốp.

Tôm bị bệnh ở mọi giai đoạn, nhưng mẫn cảm nhất ở giai đoạn 40 - 45 và 60 - 65 ngày sau khi thả. Bệnh có khả năng gây chết đến 90% trong vòng 3 - 7 ngày. Bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng phát triển mạnh nhất vào thời điểm giao mùa.

Trường hợp này, chưa có phương pháp điều trị bệnh, chỉ có thể phòng bệnh.

Bệnh do vi khuẩn

Nguyên nhân: Hội chứng đốm trắng do vi khuẩn gây ra (Bacteria White Spot Syndrome - BWSS) có thể do vi khuẩn thuộc họ Bacillacae. Ngoài ra, Vibrio Cholerae được coi là nguyên nhân cơ hội của tôm nuôi, tại các ao có pH và độ kiềm cao ở Thái Lan. Ở Việt Nam, theo TS Bùi Quang Tề, năm 2004 vi khuẩn Vibrio spp đã được nuôi cấy từ mẫu tôm sú nuôi.

Triệu chứng: Khi bệnh, tôm lột vỏ chậm lại, chậm lớn, chết rải rác, hầu hết bị đóng rong, mang bẩn. Xuất hiện các đốm trắng mờ đục nhìn thấy trên vỏ khắp cơ thể. Soi mẫu tươi dưới kính hiển vi, đốm trắng có dạng lan tỏa hình địa y, ở giữa rỗng (có hiện tượng ăn mòn) khác với đốm trắng do virus có đốm đen (melanin) ở giữa.

Bệnh do môi trường

Nguyên nhân: Do khâu cải tạo ao dùng lượng vôi lớn làm pH trong nước cao và kéo dài, pH sáng thường 8,3 - 8,7. Cùng đó là độ cứng (Ca2+ và Mg2+) của nước cao, tôm hấp thu quá nhiều Ca2+ và Mg2+ làm xuất hiện những đốm trắng (đốm vôi) trên vỏ tôm.

Tôm bị bệnh, có đốm trắng ở vỏ đầu ngực hoặc phần vỏ ở sống lưng. Tôm sinh trưởng hơi chậm, chu kỳ lột xác dài hơn bình thường. Tuy nhiên, tôm vẫn khỏe mạnh, không có tôm tấp bờ, vẫn hoạt động và ăn đều.

Phòng trị bệnh đốm trắng trên tôm

Chọn con giống chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh, không mang mầm bệnh.

Lựa chọn mùa vụ nuôi thích hợp. Nguồn nước lấy vào ao nuôi cần được xử lý, qua hệ thống lọc. Kiểm soát, loại bỏ vật chất trung gian truyền bệnh trong quá trình nuôi.

Sử dụng nguồn thức ăn có chất lượng tốt. Sau 1 tháng thả nuôi, định kỳ 1 - 2 tuần diệt khuẩn ao nuôi 1 lần. Bổ sung Vitamin C, khoáng chất kích thích tôm lột xác, men tiêu hóa nâng cao sức đề kháng cho tôm. Tuyệt đối không sử dụng kháng sinh để phòng bệnh. Kiểm soát mật độ vi khuẩn trong nước ao nuôi tôm. Thường xuyên thay nước ao.

Theo dõi đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng thích hợp. Tránh bón vôi quá liều, tiến hành thay nước để giảm độ cứng, cho tôm ăn đủ dinh dưỡng.


Có thể bạn quan tâm

Phòng tránh tôm chết hàng loạt Phòng tránh tôm chết hàng loạt

Tôm chết hàng loạt do mắc bệnh là tình trạng thường gặp trong quá trình nuôi tôm theo hình thức công nghiệp.

22/11/2018
Vật trung gian mang virus đốm trắng Vật trung gian mang virus đốm trắng

Virus gây hội chứng đốm trắng (white spot syndrome virus - WSSV) lây truyền qua nhiều con đường khác nhau, tuy nhiên, mầm bệnh từ vật chủ trung gian (cua, giun,

23/11/2018
Bệnh bọt khí ở tôm nuôi Bệnh bọt khí ở tôm nuôi

Đôi khi trong ao nuôi tôm xuất hiện nhiều bọt trắng lâu tan, điều này cho thấy chất lượng nước trong ao suy giảm, tảo chết, khí độc đang tồn tại trong ao nuôi

27/11/2018