Phòng trị bệnh đốm rong trên cây ăn trái trong mùa mưa
Vào mùa mưa, ẩm độ không khí cao là điều kiện thuận lợi để các loại rong, tảo phát sinh gây hại trên cây ăn trái. Mặc dù không gây hại tức thì nhưng nếu để tảo phát triển mạnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trường, phát triển của cây trồng.
Triệu chứng bệnh đốm rong trên lá
1. Nguyên nhân: Bệnh đốm rong, do tảo Cephaleuros viresens gây ra. Đây là một trong những bệnh phổ biến gây hại trên nhiều loại cây ăn trái như bưởi, cam quýt, nhãn, sầu riêng, xoài, chôm chôm… Bệnh thường gây hại trên thân, cành và lá, ít gây hại trên trái, bệnh còn tấn công cả cây con trong vườn ươm. Những vườn không được chăm sóc chu đáo, thiếu phân bón, đất khô cằn thường làm cho cây sinh trưởng kém. Những vườn trồng quá dày làm cho vườn cây luôn rậm rạp, không thông thoáng sẽ tạo điều kiện cho bệnh gây hại nhiều hơn. Vườn phun nhiều phân bón lá hoặc những vườn cây lớn tuổi cũng tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh gây hại.
2. Triệu chứng: Bệnh có thể xuất hiện và gây hại trên thân cây, cành già và lá già (hầu như không thấy trên các lá bánh tẻ và lá non), thỉnh thoảng cũng bắt gặp trên vỏ trái.
Trên thân, cành: Bệnh thường gây hại trên thân chính hoăc những nhánh già bên trong tán, vết bệnh đầu tiên là những chấm nhỏ màu xanh, có hình tròn hoặc hình bầu dục sau đó lớn dần thành từng mảng, vết bệnh có lớp tơ mịn màu xanh rêu, giữa vết bệnh có màu đỏ nâu. Bệnh nặng lan dần lên các nhánh trên, làm cho vỏ cành bị nứt, kém phát triển đôi khi lan lên cả trái.
Trên lá: Vết bệnh là những đốm dạng tròn có đường kính khoảng 3- 5 mm hơi nhô cao so với bề mặt của phiến lá. Do có lớp tảo phát triển nên nhìn giống như một lớp nhung mịn, màu nâu đỏ gạch cua. Vết bệnh chỉ xuất hiện ở mặt trên của lá, còn mặt dưới, nơi có vết bệnh ban đầu vẫn bình thường. Khi gặp điều kiện thích hợp, vết bệnh lan rộng nhanh có khi bằng đầu ngón tay, ở mặt dưới của vết bệnh có thể thấy mô lá bị hoại và cả sợi tảo mọc xuyên qua có màu đỏ nâu. Bệnh nặng, trên lá có rất nhiều đốm chi chít dày đặc, phủ kín mặt lá. Bệnh gây hại trên lá, làm lá bị thô cứng, ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng quang hợp, cây còi cọc, sinh trưởng kém.
3. Biện pháp phòng trừ: Để quản lý bệnh đốm rong, nhà vườn nên áp dụng các biện pháp phòng là chủ yếu:
- Không trồng cây với mật độ quá dày. Thực hiện việc chăm sóc cho cây phát triển khỏe mạnh, tưới nước đầy đủ trong mùa khộ và thoát nước tốt trong mùa mưa.
- Thường xuyên và nhất là sau mỗi vụ thu hoạch tiến hành tỉa bỏ cành, lá già đã bị bệnh nặng phía dưới gốc, cành bị sâu bệnh, cành nằm bên trong tán không có khả năng cho trái đem tiêu hủy để hạn chế nguồn bệnh, đồng thời làm cho vườn có độ thông thoáng.
- Bón phân đầy đủ và cân đối, tránh bón thừa đạm và sử dụng phân bón lá thường xuyên. Tăng cường bón phân hữu cơ để cải thiện đất, hạn chế các yếu tố bất lợi cho sự sinh trưởng của cây.
- Thường xuyên thăm vườn khi phát hiện bệnh đốm rong xuất hiện trên lá sử dụng thuốc gốc Đồng (Coc 85, Boóc-đô 1%, Kocide, Champion, Norshield,…) hoặc thuốc gốc lưu huỳnh (Kumulus, Sulox,…) phun trên lá. Nếu bệnh trên thân, cành có thể sử dụng thuốc gốc Đồng pha đậm đặc quét lên thân, cành. Có thể quét vôi lên gốc thân vào đầu và cuối mùa mưa để phòng bệnh cho những vườn thường xuyên bị nhiễm bệnh đốm rong.
Có thể bạn quan tâm
Tại các tỉnh phía Bắc, sâu cuốn lá nhỏ trưởng thành lứa 7 tiếp tục vũ hóa. Trứng nở, sâu non hại chủ yếu trên diện lúa cấy muộn, lúa cấy lại, diện xanh tốt.
Quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, mô hình trồng giống xoài Đài Loan đã đem đến cho đời sống kinh tế của gia đình chị một sự thay đổi.
Anh Trần Văn Toản, ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ hiện nuôi 10 cặp chim công bố mẹ, 20 con chim công từ 7 - 9 tháng tuổi và 10 cặp trĩ ngũ sắc