Phòng chống dịch hại vụ lúa Hè Thu
So với các vụ, Hè Thu là vụ lúa đầy khó khăn, thách thức do thời tiết bất lợi. Vì thế, trong sản xuất lúa Hè Thu, ngoài việc quan tâm chăm sóc ngay từ khâu đầu như làm đất, gieo sạ, thời vụ… dịch hại cũng là vấn đề cần lưu ý để bảo vệ cây lúa cho năng suất cao.
Thành trùng sâu năn và triệu chứng “đọt hành” do sâu năn gây hại.
1. Bọ trĩ
Bọ trĩ thường xuất hiện đầu vụ lúa Hè Thu. Bọ trĩ chích hút nhựa lá, làm chóp lá se lại, biến vàng và có thể khô cháy nếu mật độ cao và ruộng bị khô hạn. Bọ trĩ thường chỉ gây hại khi lúa còn nhỏ (giai đoạn mạ). Thời tiết nóng, khô, ruộng thiếu nước, thiếu phân là điều kiện thích hợp cho bọ trĩ phát triển và gây hại. Ruộng bị bọ trĩ gây hại chỉ cần đảm bảo đủ nước, cung cấp dinh dưỡng kịp thời, lúa sẽ phục hồi tốt.
2. Sâu năn
Sâu năn (hay còn gọi là muỗi hành) hiện nay đã xuất hiện trên trà lúa đẻ nhánh ở một số tỉnh lân cận.
Thành trùng của sâu năn là một loài muỗi nhỏ, dài khoảng 3 - 5mm, màu nâu vàng hoặc hồng nhạt, có kích thước bằng con muỗi thường nhưng con cái có bụng màu đỏ lợt. Sâu non giống như con dòi, mình dẹt, màu trắng sữa, dài khoảng 4 - 5mm. Sâu năn chui qua bẹ lá lúa đục vào điểm sinh trưởng của tép lúa làm cho lá lúa mới mọc ra bị cuốn tròn lại như lá hành, sâu non sống trong đó. Sâu chỉ phá hại lúa ở giai đoạn trước khi có đòng.
Sâu năn rất khó để trừ, biện pháp phòng là chủ yếu. Diệt trừ cỏ dại quanh ruộng; gieo cấy thời vụ đồng loạt trên một cánh đồng; khi phát hiện trên ruộng có tép lúa bị hại nên thay nước ruộng; những vùng hàng năm thường bị sâu năn có thể rải thuốc sâu dạng hạt như ViBasu 10H, Diaphos 10G, Regent 0.3G… phun thuốc thường rất ít hiệu quả, đặc biệt không sử dụng thuốc khi thấy ống hành đã nhiều vì lúc đó sâu đã hóa muỗi.
3. Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá
Điều đáng quan tâm hơn, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá có nguy cơ sẽ xuất hiện và gây hại trên trà lúa Hè Thu, vì thế nông dân cần cảnh giác phát hiện kịp thời nhằm ngăn chặn nguồn bệnh lây lan trên diện rộng.
Triệu chứng nhận biết bệnh vàng lùn là bụi lúa vàng, lùn. Bệnh lùn xoắn lá thường xuất hiện cùng với bệnh vàng lùn. Cây lúa bị bệnh lùn, lá bị xoắn, sinh trưởng còi cọc, cây thấp lùn, rìa lá có vết rách và gợn sóng, chóp lá bị biến dạng, xoăn tít lại, gân lá bị sưng. Cây lúa tuổi càng nhỏ dễ bị nhiễm bệnh và thiệt hại càng lớn, năng suất giảm nghiêm trọng hoặc mất trắng. Để ngăn chặn sự phát triển nguồn bệnh cần chú ý các biện pháp quản lý tổng hợp ngay từ đầu vụ như: Biện pháp gieo sạ tập trung, đồng loạt “né rầy” trên cùng cánh đồng là biện pháp hàng đầu, hữu hiệu nhất, kinh tế nhất để giải quyết cơ bản dịch rầy nâu mang mầm bệnh virus hại lúa. Nhổ bỏ và tiêu hủy các bụi lúa bị bệnh.
4. Bệnh đạo ôn
Bệnh có thể xuất hiện từ rất sớm giai đoạn mạ cho đến lúa đẻ nhánh, làm đòng, trổ. Bệnh tấn công trên lá, đốt thân, cổ lá, cổ bông. Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất lúa nếu không phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời. Bệnh chớm xuất hiện là những chấm kim màu vàng nâu, về sau vết bệnh phát triển thành hình mắt én. Để phòng trừ bệnh đạo ôn, cần chọn giống kháng bệnh, mật độ sạ vừa phải, bón phân cân đối, tránh bón thừa đạm, không để ruộng khô nước, khi bệnh chớm xuất hiện phun thuốc đặc trị như: Filia 525SE, Flash 75WP, Fuji-one 40 WP, Beam 75WP, Rabcide 30WP…
Có thể bạn quan tâm
Ông Nguyễn Văn Bình (48 tuổi) ở thôn Khách Nhi Xuôi, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) xuất phát điểm chỉ có 5 con bò sữa vào năm 2008.
Điển hình là mô hình kết hợp ương dưỡng cá giống với thâm canh lúa năng suất cao và dịch vụ nông nghiệp của ông Nguyễn Văn Hồng, ấp Bình Thạnh, xã Bình Phú
Sau gần 3 năm xây dựng, anh Nguyễn Bảo Nhuận (SN 1985, trú phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) sở hữu một vườn lan quý hiếm có quy mô lớn nhất Quảng Nam