Phòng bệnh lùn sọc đen trước vụ đông xuân
Hiện nay, tại hầu hết địa phương của tỉnh, bệnh lùn sọc đen đã xuất hiện trên cây lúa chét. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại trong vụ lúa đông xuân 2017 - 2018 sắp tới, ngay từ bây giờ ngành liên quan, chính quyền các cấp và đặc biệt là nông dân phải khẩn trương phòng trừ loại bệnh cực kỳ nguy hiểm này trước khi triển khai việc gieo sạ…
Nông dân cần khẩn trương vệ sinh đồng ruộng và cày lật gốc rạ nhằm hạn chế nguồn bệnh. Ảnh: N.P
Theo kế hoạch, đông xuân 2017 - 2018 nông dân trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh sẽ triển khai sản xuất 42.000ha lúa. Thời gian xuống giống lúa chính vụ bắt đầu từ ngày 25.12.2017 và kết thúc vào ngày 10.1.2018. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại trong mùa lúa tới là bệnh lùn sọc đen có nguy cơ bùng phát mạnh trên diện rộng. Theo ông Nguyễn Văn Tân - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật, vụ hè thu 2017 vừa qua tại nhiều tỉnh thuộc khu vực phía Bắc có hàng chục nghìn héc ta lúa bị bệnh lùn sọc đen gây hại nặng và loại bệnh này đang có xu hướng lây lan vào các tỉnh miền Trung. Riêng tại Quảng Nam, hiện giờ trên ruộng lúa chét ở hầu hết địa phương đã xuất hiện bệnh lùn sọc đen. Ông Tân cho rằng, đây là nguồn bệnh rất nguy hiểm đối với vụ lúa đông xuân 2017 - 2018 của tỉnh.
Theo cơ quan chuyên môn, tác nhân gây bệnh lùn sọc đen hại lúa là vi rút lùn sọc đen phương Nam (Southern Rice Black Streaked Dwarf Virus - SRBSDV) thuộc nhóm Fijivirus-2, họ Reoviridae và rầy lưng trắng (Sogatella furcifera) là môi giới lây truyền vi rút đó từ cây lúa này sang cây lúa khác. Cây lúa bị bệnh có triệu chứng chung là thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường. Lá lúa bị bệnh có thể xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá. Gân lá ở mặt sau bị sưng lên. Khi cây còn non gân chính trên bẹ lá cũng bị sưng phồng. Từ giai đoạn làm đòng và khi lúa có lóng, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định. Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen. Nếu bị nhiễm bệnh nặng, cây lúa không trổ bông được hoặc trổ bông không thoát và hạt thường bị đen.
Ông Nguyễn Văn Tân cho hay, hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu trừ bệnh lùn sọc đen, chỉ có biện pháp tiêu hủy nguồn bệnh và phòng trừ rầy lưng trắng - môi giới truyền bệnh. Trước tình hình trên, Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật Quảng Nam đã phát đi Công văn số 447/TB-TT&BVTV đề nghị ngành nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương phối hợp với chính quyền cấp xã hướng dẫn nông dân phòng trừ bệnh lùn sọc đen trên lúa chét, cỏ dại trước khi triển khai sản xuất vụ lúa đông xuân 2017 - 2018. Theo đó, ngay từ bây giờ nhà nông phải nhanh chóng đắp bờ giữ nước mưa trong ruộng và tiến hành cày lật gốc rạ (đối với những chân ruộng chưa có nước thì cần rải vôi bột trước khi cày lật đất) nhằm tiêu hủy tối đa lúa chét, cỏ dại với mục đích vừa hạn chế nguồn bệnh vừa hạn chế thức ăn và nơi trú ngụ của rầy lưng trắng.
Có thể bạn quan tâm
Nông dân Vũ Văn Dung (Ninh Bình) có hàng loạt sáng chế hữu ích. “Kỹ sư chân đất” cũng không ngờ sản phẩm của ông đạt giải thưởng Nhân tài Đất Việt danh giá
Trong báo cáo tháng 11/2017, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo lượng gạo giao dịch trên thế giới năm 2017 sẽ chạm mức cao kỷ lục mới.
Nhiều nông dân đã biết tận dụng lợi thế từ internet để học hỏi, mở mang kiến thức ứng dụng vào sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế, tìm đầu ra cho sản phẩm…