Phòng bệnh hoại tử gan tụy cấp và đốm trắng trên tôm nuôi
Hiện nay một số địa phương trong tỉnh đang chuẩn bị cho vụ nuôi tôm nước lợ năm 2019. Để vụ nuôi thành công, ngành chuyên môn thông tin đến bà con một số giải pháp nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh cho tôm nuôi, đặc biệt là bệnh hoại tử gan tụy cấp và bệnh đốm trắng.
Cải tạo và loại bỏ các vật trung gian có thể ảnh hưởng đến tôm nuôi.
Năm 2018, Sóc Trăng có 13.373 ha diện tích tôm nuôi bị thiệt hại, trong có đến 22,88% diện tích bị bệnh hoại tử gan tụy cấp, 22,4% diện tích bị bệnh đốm trắng, còn lại do các yếu tố môi trường. Tính đến cuối tháng 2/2019, diện tích thả nuôi tôm nước lợ trên toàn tỉnh được trên 1.700 ha. Ngay từ đầu vụ bà con nuôi tôm chuẩn bị kỹ từ khâu cải tạo, quản lý các yếu tố đầu vào, chăm sóc quản lý môi trường ao nuôi... Trong giai đoạn cao điểm nắng nóng, những thời điểm giao mùa bà con càng chủ động hơn trong phòng chống bệnh Hoại tử gan tuỵ cấp và bệnh đốm trắng. Theo ông Lý Văn Hải, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu nói: “Năm 2018 vừa rồi khó nuôi mà giá tôm cũng bấp bênh. Năm nay tính nuôi lại bằng ao bạc nhưng vì còn lo ngại về thời tiết và dịch bệnh”.
Từ đầu năm 2019 đến nay do thời tiết và điều kiện môi trường còn chưa phù hợp nên để chuẩn bị cho vụ nuôi mới, người dân ở Vĩnh Châu chủ yếu thực hiện các khâu cải tạo đầu vụ như sửa ao, bón vôi, lấy nước.... Trong đó khâu lấy nước để xử lý vẫn gặp nhiều khó khăn do độ mặn trong môi trường tự nhiên còn thấp, dao động ở mức 2%o. Dự báo trong thời gian tới thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao, dẫn đến tôm dễ cảm nhiễm với mầm bệnh, nhiều hộ nuôi đã chủ động giải pháp phòng trừ theo phương thức nuôi khép kín. “Trong hợp tác xã có Ban kỹ thuật truyền đạt lại cho các thành viên về quy trình nuôi tôm theo dạng khép kín, nuôi nước trước khi nuôi tôm. Nuôi 1 ao, thì ao lắng khoảng 2-3 ao. Mình nuôi nước trước rồi xử lý men vi sinh trong ao lắng sẵn sàng mới chuyển sang ao nuôi”, ông Ngô Thanh Tuấn, xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ.
Lịch thả giống tôm nước lợ năm 2019 của thị xã Vĩnh Châu dự kiến là từ ngày 1/4 đến 30/9/2019. Bà con nuôi tôm cần lưu ý tuân thủ lịch thời vụ của địa phương, chỉ thả giống khi thời tiết thuận lợi, các yếu tố môi trường ổn định, phù hợp đối với tôm nuôi. Từ đầu năm đến nay, công tác phòng chống dịch bệnh cho tôm nuôi tại thị xã được triển khai quyết liệt, hệ thống giám sát dịch bệnh được thiết lập và hoạt động hiệu quả, tuy nhiên bệnh hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng… vẫn còn xảy ra. Để phòng bệnh hiệu quả phải quản lý các yếu tố môi trường trong ao nuôi như: pH, độ kiềm, nhiệt độ, oxy hoà tan, khí độc…. thật tốt, tránh biến động lớn và điều chỉnh nằm trong giới hạn cho phép. Theo ông Nhan Trung Nghĩa, Phó trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y thị xã Vĩnh Châu thì: Bệnh hoại tử gan tụy cấp gây bệnh trên cả tôm sú lẫn tôm thẻ chân trắng. Nhìn chung, bệnh này xuất hiện quanh năm. Tuy nhiên, tập trung chủ yếu vào giai đoạn nắng nóng nhiệt độ cao. Ông Nhan Trung Nghĩa nhấn mạnh: "Đối với bệnh hoại tử gan tụy cấp, bà con nuôi tôm phải lưu ý, đây là bệnh do vi khuẩn Vibrio có mang gen độc lực cao gây ra. Vì vậy biện pháp quan trọng nhất để phòng bệnh đó là quản lý tốt mật số vi khuẩn Vibrio trong ao. Bà con có thể sử dụng đĩa môi trường TCBS hoặc đĩa môi trường Chrome - Agar để xét nghiệm mật số vi khuẩn Vibrio”.
Để phòng bệnh đốm trắng cho tôm nuôi, khi chuẩn bị ao cần loại bỏ hết các vật trung gian như cua, còng, tôm, tép… Vét sạch bùn đáy, rải vôi, phơi khô đáy ao 15 đến 20 ngày. Sử dụng lưới ngăn chim, rào lưới xung quanh bờ ao, sử dụng riêng dụng cụ cho từng ao sẽ giúp hạn chế lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào ao nuôi. Trong quá trình nuôi: hạn chế cấp nước trực tiếp vào ao nuôi, nên cấp qua ao lắng đã xử lý; khi cấp nước vào ao nuôi cần lọc qua túi lọc nhiều lớp, để ngăn trứng và ấu trùng của giáp xác; quản lý tốt các yếu tố môi trường, khí độc… đồng thời tăng cường bổ sung khoáng, dinh dưỡng cho tôm (Vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa nâng cao sức đề kháng) nhất là vào những thời điểm giao mùa hoặc có mưa kéo dài; kiểm tra thường xuyên màu sắc, khả năng bắt mồi, tình trạng sức khỏe của tôm để kịp thời phát hiện và xử lý. Trường hợp tôm mắc bệnh đốm trắng thì nước ao tôm bệnh phải được xử lý bằng Chlorine 30 kg/1000m3 hoặc hóa chất có công dụng tương đương, sau 12 ngày mới được xả ra ngoài môi trường; tuyệt đối không sử dụng các loại dụng cụ như chài, thau đựng thức ăn… của ao có tôm bệnh cho các ao tôm khỏe mạnh; khi đã chăm sóc ao tôm bị bệnh đốm trắng thì phải cách ly, hạn chế qua lại hoặc chăm sóc ao tôm khỏe mạnh trong cùng thời điểm; có biện pháp hạn chế các loại động vật trung gian truyền lây mầm bệnh từ ao tôm bị bệnh sang ao tôm khỏe.
Theo dự báo của đài khí tượng thuỷ văn Sóc Trăng, ngay đầu năm 2019 độ mặn xâm nhập vào vùng của sông Hậu và sông Mỹ Thanh. Đồng thời hiện nay đang vào cao điểm mùa khô, nắng nóng từ cuối tháng 3 đến tháng 5, từ giữa tháng 5 sẽ bắt đầu mùa mưa. Đây là những thời điểm thời tiết bất lợi hoặc có sự biến động lớn về môi trường nên dịch bệnh rất dễ xảy ra.
Có thể bạn quan tâm
Một nghiên cứu mới đây của Hajar Ebadi và cộng sự 2020 đã cho thấy tác động tương tác của lipid trong khẩu phần ăn đến vitamin E và vitamin C khi bổ sung
Bổ sung vi khuẩn Pediococcus pentosaceus với mật độ 10^8 CFU/g sẽ giúp giảm hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR)
Để phát triển ngành nuôi tôm công nghiệp cần phải vượt qua những thách thức lớn.