Phòng bệnh cho thủy sản mùa nóng
Hỏi: Các biện pháp quản lý trại sản xuất giống thủy sản vào mùa hè? (Trần Trọng Lưu, xã Quảng Điền, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh)
Trả lời:
Với ao nuôi cá bố mẹ cần bổ sung nước thường xuyên cho ao nuôi, đảm bảo số lượng nước, chất lượng nước; có thể làm mái che khung bằng kim loại, rồi phủ lưới đen lên trên để giảm ánh nắng chiếu trực tiếp xuống ao nuôi làm ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn cá bố mẹ; tăng cường công tác phòng bệnh vào thời điểm nắng nóng.
Với ao ương đảm bảo bổ sung nước thường xuyên; chăm sóc và quản lý tốt các ao ương cá giống; tính toán mật độ nuôi phù hợp; khuyến khích dùng các chế phẩm sinh học xử lý môi trường; định lượng thức ăn hàng ngày cho từng đối tượng nuôi, điều chỉnh lượng thức ăn theo diễn biến thời tiết, tránh dư thừa thức ăn, gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến chất lượng cá giống. Những ngày nắng nóng không nên kéo cá vào bể ép, xuất bán hay vận chuyển cá giống.
Hỏi: Mùa hè cá rô phi thường mắc bệnh gì? Hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh? (Nguyễn Khắc Lâm, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh)
Trả lời:
Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng sẽ xảy ra trên diện rộng, nhiệt độ cao gây bất lợi cho sức khỏe của cá nói chung và cá rô phi nói riêng; đồng thời là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn gây bệnh Streptococcus ở cá rô phi phát triển. Để hạn chế bùng phát bệnh, việc chủ động quản lý tốt môi trường và phòng trị bệnh là cần thiết.
– Nguồn nước cấp vào ao cần phải được xử lý bằng vôi hoặc hóa chất khử trùng.
– Duy trì mực nước trong ao nuôi từ 1,5 – 1,8 m trở lên để bảo đảm ổn định môi trường nước trong ao.
– Tích cực bổ sung ôxy cho ao nuôi bằng máy quạt nước hoặc máy sục khí, đặc biệt là vào sáng sớm, đêm để bổ sung ôxy hòa tan, giúp giải phóng và hạn chế sự phát sinh của các khí độc.
– Trong quá trình nuôi, người dân cần bổ sung Vitamin C vào thức ăn nhằm nâng cao sức đề kháng cho cá, cho ăn liên tục từ 7 – 10 ngày/tháng với liều lượng 2 gr/kg thức ăn/ngày.
– Theo dõi, điều chỉnh số lượng thức ăn cho cá vừa đủ theo từng giai đoạn phát triển, không để dư thừa gây ô nhiễm môi trường trong ao nuôi.
– Đối với ao nuôi phì dinh dưỡng, nền đáy tích tụ nhiều bùn cần định kỳ thay nước hoặc bổ sung nước mới cho ao 1 tuần/lần.
– Sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nền đáy. Không dùng thuốc kháng sinh tùy tiện để phòng trị bệnh. Chỉ sử dụng kháng sinh khi xác định rõ nguyên nhân và hướng dẫn từ cán bộ kỹ thuật.
– Khi cá rô phi có biểu hiệu bất thường như mắt lồi, mờ đục mắt, xuất huyết da và xương nắp mang cần thông báo đến cơ quan chức năng để khuyến cáo biện pháp xử lý kịp thời.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình nuôi tôm ba giai đoạn tuần hoàn khép kín có ưu điểm hạn chế nhiều rủi ro dịch bệnh, nguồn nước ít bị ô nhiễm, thân thiện môi trường.
Nuôi thủy sản theo hướng công nghệ cao - mô hình nuôi cá điêu hồng trong bể lót bạt tại Long Hồ bước đầu thành công, vì chủ động nguồn thức ăn công nghiệp
Khi nhiệt độ xuống thấp trong thời tiết rét đậm rét hại như hiện nay có ảnh hưởng xấu thế nào tới tôm thẻ chân trắng nuôi?