Phát triển vườn cây VietGAP ở ĐBSCL: Còn nhiều gian nan
Ngành nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long chủ trương phát triển vườn cây ăn trái theo hướng VietGAP, nhằm đưa trái cây vươn ra thế giới. Hướng đi đúng, nhưng việc nhân rộng còn lắm gian nan…
Dù ngành nông nghiệp khuyến cáo, nhưng đến nay canh tác trái cây VietGAP ở ĐBSCL còn rất ít
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất cây ăn trái chủ lực của cả nước với diện tích khoảng 300.000ha, sản lượng 3-3,5 triệu tấn trái/năm. Trái cây ở ĐBSCL đa dạng về chủng loại, thu hoạch quanh năm, sản lượng lớn… nhưng chất lượng còn hạn chế, kích cỡ chưa đồng đều, từ đó ảnh hưởng đến xuất khẩu. Khắc phục tình trạng này, ngành nông nghiệp chủ trương phát triển vườn cây ăn trái theo hướng VietGAP, nhằm đưa trái cây vươn ra thế giới. Hướng đi đúng, nhưng việc nhân rộng còn lắm gian nan…
Chú trọng chất lượng
Nhiều ngày qua, thị trường tiêu thụ bưởi da xanh nội địa và xuất khẩu hút hàng, giá bưởi tại ĐBSCL dao động 40.000 - 50.000 đồng/kg.
Ông Đào Văn Minh, ở xã Quới Sơn, huyện Châu Thành (Bến Tre), tiết lộ: “Cùng với được giá, vườn bưởi của gia đình tôi thường xuyên đón thương lái, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khảo sát. Khi xem vườn bưởi, doanh nghiệp nước ngoài hỏi về quy trình sản xuất và tôi trình bày về mô hình canh tác VietGAP từ hơn 7 năm nay theo hướng dẫn của Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI). Các công đoạn đều tuân thủ chặt chẽ an toàn vệ sinh thực phẩm; bón phân, tưới nước phân đúng định kỳ để đảm bảo trái bưởi phát triển đều, chất lượng ngon… Thương lái và doanh nghiệp nước ngoài rất hài lòng về bưởi da xanh VietGAP”.
Theo ông Minh, trước đây khi trồng bưởi, nhà vườn thường có tâm lý chú trọng số lượng, nên để trái nhiều. Cây có quá nhiều trái dẫn đến chất lượng không tốt, độ đồng đều thấp, mẫu mã kém… bán giá không cao. Năm 2010, ông Minh được ngành nông nghiệp hướng dẫn phát triển cây ăn trái bền vững, chú trọng chất lượng nhằm tăng giá trị. Mấy năm nay, chỉ với 8 công bưởi da xanh, ông Minh có thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm.
Ông Lưu Văn Tín, Giám đốc HTX quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp), cho biết: “Quýt hồng là trái cây đặc sản, nhưng ngày trước nông dân thường sản xuất theo cách truyền thống nên hiệu quả chưa cao. Năm 2012, được ngành nông nghiệp hỗ trợ mô hình trồng quýt hồng VietGAP, nông dân chuyển sang cách làm mới, chú trọng chất lượng. Nhờ đó, chất lượng quýt hồng nâng lên rõ rệt, trái to, màu da đẹp, độ ngọt cao, tiêu thụ dễ dàng”.
Ông Phạm Hữu Hiện, ở xã An Nhơn, huyện Châu Thành (Đồng Tháp), kể: “Xứ cù lao này trồng nhãn rất nhiều nhưng nông dân vất vả bởi bệnh chổi rồng và lo về chất lượng. Tôi đi tìm giống mới thay thế và phát hiện giống nhãn Idol có ưu điểm ít sâu bệnh, năng suất cao, hạt nhỏ, cơm dầy, ngọt, kháng bệnh. Bên cạnh đó, được ngành nông nghiệp hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, giúp trái nhãn Idol ngon, sạch, bán giá cao gấp 2,5 lần so nhãn khác; đồng thời xuất khẩu được vào thị trường Hoa Kỳ…”.
Tiếp sức cho nông dân
Có thể nói, thời buổi hội nhập quốc tế đòi hỏi chất lượng ngày càng cao, việc sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn GAP là hướng đi phù hợp.
Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết: “Toàn tỉnh có hơn 70.000ha cây ăn trái, mấy năm qua, tỉnh đẩy mạnh thành lập hơn 46 hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT) sản xuất, tiêu thụ trái cây, trong đó canh tác theo hướng GAP. Hàng năm, các HTX và THT trái cây như sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc, khóm, vú sữa Lò Rèn, thanh long… hợp tác với các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ với số lượng khá lớn”.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, cây ăn trái được xác định là thế mạnh nông nghiệp, vì thế tỉnh luôn khuyến cáo nông dân canh tác hướng GAP. Đến nay, nhiều xã viên của HTX chôm chôm Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ; THT trồng sầu riêng Thanh Bình, huyện Vũng Liêm; HTX chôm chôm Tích Thiện, huyện Trà Ôn; các HTX và THT trồng bưởi Năm Roi ở thị xã Bình Minh… cùng nhiều nơi khác, đã mạnh mẽ hưởng ứng mô hình GAP, nhằm nâng cao chất lượng trái cây.
Ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho hay thời gian qua tỉnh rất quan tâm sản xuất trái cây tiêu chuẩn GAP nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Chỉ tính riêng trái xoài đã có 34ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, 48ha đạt tiêu chuẩn VietGAP; bên cạnh đó, tỉnh thành lập 2 HTX và 34 THT về sản xuất và tiêu thụ xoài, cùng 1 chợ đầu mối, 75 cơ sở thu mua. Đồng Tháp kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu, tạo điều kiện để doanh nghiệp liên kết cùng nông dân sản xuất trái cây sạch… Mỗi năm, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng tấn xoài sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), sản xuất trái cây giữ vai trò quan trọng trong ngành trồng trọt, đặc biệt trái cây an toàn theo tiêu chuẩn GAP ngày càng được chú trọng nhằm nâng cao giá trị và thuận lợi trong xuất khẩu. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương ở ĐBSCL sau khi sản xuất theo GAP đã mang lại những thành công nhất định. Ngoài mặt được, thì việc sản xuất trái cây tiêu chuẩn GAP cũng bộc lộ nhiều hạn chế như: sản xuất chưa gắn với thị trường, thương lái mua sản phẩm GAP tương đương với giá trái cây bình thường, từ đó dẫn đến một số nông dân chán nản xin ra khỏi GAP.
Ngoài ra, sau thời gian đạt tiêu chuẩn GAP thì nông dân phải làm thủ tục “tái công nhận” mất khoảng 2,2 triệu đồng/ha, nhiều hộ ngán ngại chi phí nên quay lưng với GAP… Cục Trồng trọt cho rằng, quy hoạch vùng sản xuất GAP chưa hoàn thiện, thị trường tiêu thụ còn bấp bênh, cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất GAP chưa đáp ứng. Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích chưa đủ mạnh để các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất GAP; phía người tiêu dùng cũng chưa quan tâm nhiều và chưa mạnh dạn trả thêm tiền để tiêu thụ trái cây GAP… Những điều này khiến diện tích cây ăn trái ở ĐBSCL đạt tiêu chuẩn GAP còn khiêm tốn.
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre), trăn trở: “Xây dựng mô hình GAP tốn nhiều công sức, tiền bạc; nhưng một số nơi tan rã bởi ai cũng muốn quyền lợi mà không thực hiện trách nhiệm của mình, điều đó đẩy tình trạng canh tác GAP như “con thuyền không lái”. Để khắc phục vấn đề này, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nông dân trong 3-5 năm đầu chứng nhận GAP; hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho vùng canh tác GAP; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường khi hợp tác phát triển trái cây GAP; đặc biệt là làm sao để nông dân canh tác GAP bán được trái cây giá hợp lý, thị trường ổn định… Có như vậy, việc sản xuất GAP mới phát triển nhanh được”.
Ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở kinh doanh trái cây Hương Miền Tây (Bến Tre), cho biết: “Muốn có trái cây sạch, an toàn, chất lượng… để xuất khẩu phải sản xuất GAP; mà muốn GAP phát triển thì cần trợ lực nông dân. Vì vậy, Hương Miền Tây liên kết với nhiều HTX, THT và nông dân sản xuất trái cây ở ĐBSCL để ký hợp đồng tiêu thụ; đồng thời hỗ trợ 50% chi phí “tái công nhận” cho nông dân khi tham gia GAP…”.
Tiến sĩ Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, lưu ý, cần tăng cường sản xuất cây ăn quả an toàn theo chuẩn GAP, bởi hiện nay Việt Nam đã gia nhập nhiều hiệp định thương mại quốc tế, vì vậy sản phẩm khi xuất khẩu phải đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Có thể bạn quan tâm
Với giá 40.000-50.000 đồng mỗi kg, giống dưa mới được bán chủ yếu ở cửa hàng, siêu thị, chưa có nhiều cơ hội đến tay người tiêu dùng phổ thông.
Xuất khẩu gạo chỉ có thể góp phần bảo đảm an ninh lương thực trong nước, chứ không thể giữ vai trò quyết định.
Nông nghiệp Việt Nam từng áp dụng nhiều tiêu chuẩn sản xuất như VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP… VietGAP là tiêu chuẩn made in Việt Nam