Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phát Triển Nông Nghiệp Kết Hợp Với Du Lịch

Phát Triển Nông Nghiệp Kết Hợp Với Du Lịch
Ngày đăng: 17/06/2012

Không chỉ có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như Suối Cá Thần, Cửa Hà, chùa Ngọc Châu..., huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) còn có nhiều tiềm năng để phát triển công - nông - lâm nghiệp.

Nhiều tiềm năng về du lịch

Cẩm Thủy là một huyện miền núi nghèo nằm ở phía tây tỉnh Thanh Hóa, tuy nhiên hệ thống giao thông lại tương đối thuận tiện, có Quốc lộ 217 chạy dọc chiều dài của huyện và đường Hồ Chí Minh vắt ngang thị trấn, ngoài ra còn có thể phát triển giao thông đường thủy trên sông Mã.

Hàng năm, Khu du lịch Suối Cá Thần đón hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Cẩm Thuỷ nằm trên tuyến du lịch Thọ Xuân (Lam Kinh) - Ngọc Lặc (đền thờ Lê Lai) - Vĩnh Lộc (Thành nhà Hồ) - Cẩm Thuỷ (Suối Cá Thần). Địa hình của Cẩm Thủy chủ yếu là núi và sông, vô tình thiên nhiên đã vẽ lên cho nơi đây một “bức tranh thủy mặc”, mà thể hiện rõ nhất là vẻ đẹp “sông lồng bóng núi” của điểm du lịch Cửa Hà.

Cách Cửa Hà khoảng 2km, du khách có thể ghé thăm chùa Ngọc Châu - ngôi chùa cổ nằm trong hang đá của dãy núi Tặng Sơn. Tại đây vẫn còn lưu giữ 2 tấm bia đá đề năm 1509 và năm 1654, nói về việc quy hoạch lại vườn chùa và sửa chữa chiếc chuông bằng đá “độc nhất vô nhị” của chùa. Dọc theo Quốc lộ 217 lên suối Cá Thần, du khách có thể ghé thăm làng nghề dệt thổ cẩm ở các xã Cẩm Bình, Cẩm Thạch…

Ông Hoàng Trung Hải – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cẩm Thủy cho biết: “Hiện Cẩm Thủy coi phát triển du lịch là nhiệm vụ chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội của địa phương.

Nhiều năm qua, chúng tôi đã chủ trương kết hợp phát triển du lịch sinh thái với du lịch cộng đồng, đồng thời từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho các điểm du lịch. Tuy nhiên, do khó khăn về vốn, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục huy động nội lực, đồng thời kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vào các điểm du lịch, từng bước hình thành các khu du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng”.

Khuyến khích đầu tư vào nông, công nghiệp

Ngoài lợi thế về du lịch, Cẩm Thủy cũng đang sở hữu những thế mạnh về phát triển trồng rừng, mía đường, xây dựng các nhà máy ximăng, nhà máy khai thác đá granit… Lợi thế là vậy, nhưng một phần do là huyện miền núi xa trung tâm thành phố, cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, phần do chính sách còn chưa thông thoáng, chưa có những ưu đãi thiết thực... nên các nhà đầu tư còn e dè.

Cẩm Thủy còn có hàng ngàn ha đất có thể quy hoạch vùng nguyên liệu trồng mía, sắn hoặc chăn nuôi gia súc, đặc biệt là hệ thống các mỏ khoáng sản như: Sắt, chì, vàng, ăngtimoan, than... đến nay vẫn chưa được khai thác.

Ông Nguyễn Văn Thành – Chủ tịch UBND huyện Cẩm Thủy cho hay: “Cẩm Thủy có đủ đất để trồng cây nguyên liệu cho nhà máy đường, nhà máy sắn và có đủ điều kiện để xây dựng các nhà máy ximăng, nhưng chúng tôi vẫn đang gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư.

Với phương châm mở rộng cửa để đón các nhà đầu tư, chúng tôi đang cố gắng tạo điều kiện tốt nhất có thể, nhằm giúp các doanh nghiệp về đầu tư trên địa bàn có thể phát triển mạnh, nhằm tận dụng triệt để lợi thế của địa phương”.

Ông Thành cho biết thêm: “Cẩm Thủy đang rất cần những nguồn đầu tư trong các lĩnh vực như xây dựng nhà máy ximăng, nhà máy gạch tuynel, sản xuất đá xuất khẩu, đá, cát vật liệu xây dựng, mở trường đào tạo nghề. Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc quy hoạch, xây dựng Khu du lịch Suối Cá Thần ở Cẩm Lương thành một điểm du lịch nổi tiếng thu hút du khách trong và ngoài nước. Để làm được điều này, chúng tôi đang mở cửa chào đón tất cả các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có kinh nghiệm, chuyên về lĩnh vực này”

Có thể bạn quan tâm

Bảo Yên phát triển cây ăn quả Bảo Yên phát triển cây ăn quả

Huyện Bảo Yên muốn trở thành huyện giàu có cần phải chuyển hướng canh tác sang phát triển cây ăn quả và những cây đặc sản bản địa với nhiều lợi thế mà không nơi nào có được.

28/11/2015
LCASP cho miền núi ngóng Quyết định 50 LCASP cho miền núi ngóng Quyết định 50

Theo ông Lò Thanh Bang, Giám đốc BQL dự án LCASP tỉnh Sơn La, sau gần 2 năm triển khai dự án này, toàn tỉnh đã xây dựng, lắp đặt được nhiều công trình khí sinh học (KSH) cho chăn nuôi.

28/11/2015
Gừng nhiễm bệnh thối củ Gừng nhiễm bệnh thối củ

Một phần diện tích gừng ở huyện Thới Bình (Cà Mau) đang bị ảnh hưởng năng suất do nhiễm bệnh thối củ.

28/11/2015
Trồng chuối xiêm thu nhập cao Trồng chuối xiêm thu nhập cao

Ông Nguyễn Văn Nhựt ở ấp Trung Đoàn, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng có 6 công trồng chuối, mỗi năm lời trên 100 triệu đồng.

28/11/2015
Gỡ khó cánh đồng liên kết Gỡ khó cánh đồng liên kết

Chuyển đổi mô hình SX, xây dựng cánh đồng liên kết (CĐLK) SX lúa bền vững, xây dựng thương hiệu gạo cho Đồng Tháp là một chủ trương mang tính đột phá trong tình hình hiện nay.

28/11/2015