Phát triển nghề Nuôi biển: Tiềm năng lớn, kỳ vọng cao
Tiềm năng nuôi hải sản trên biển của Việt Nam là không nhỏ nhưng chưa khai thác được nhiều. Vì vậy, nuôi biển là hướng đi quan trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, cần được đẩy mạnh phát triển trong những năm tới.
Nuôi cá biển lồng cho hiệu quả cao Ảnh: Xuân Trường
Tiềm năng, thực trạng
Việt Nam là quốc gia ven biển, có lịch sử phát triển lâu dài gắn liền với biển. Biển chứa đựng nhiều tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đáng chú ý là những lợi thế về vị trí địa lý, có bờ biển kéo dài trên 3.260 km và trên 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế biển, hơn 4.000 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều eo vịnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nghề nuôi biển.
Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích có khả năng sử dụng phát triển nuôi biển bao gồm: Các vùng vịnh kín, bãi triều ven biển và một phần ở các hải đảo, vùng biển hở. Tổng diện tích tiềm năng nuôi trồng hải sản trên biển và hải đảo khoảng 244.190 ha; trong đó, diện tích nuôi vùng bãi triều ven biển 153.300 ha, chiếm 62%; diện tích nuôi vùng vũng vịnh, eo ngách và ven đảo là 79.790 ha, chiếm 33% và nuôi vùng biển hở 11.100 ha, chiếm 5% (Nguồn thống kê từ các tỉnh ven biển).
Trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển nuôi hải sản trên biển và hải đảo, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng hải sản trên biển, hải đảo. Một số chính sách tiêu biểu như: Giao và cho thuê mặt nước biển; đầu tư và hỗ trợ cho công tác quy hoạch, nhập khẩu giống, đào tạo cán bộ, ưu tiên bố trí kinh phí khuyến ngư cho nuôi trồng hải sản trên biển và hải đảo. Do đó, trong những năm qua nghề nuôi biển đã có những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, hải đảo. Với những bước phát triển đáng kể về diện tích và sản lượng không ngừng tăng; các đối tượng nuôi biển phong phú và đa dạng bao gồm các loài: Cá biển (song, giò, cam, hồng Mỹ, vược, chim vây vàng, cá ngừ...); nhuyễn thể (nghêu/ngao, vẹm xanh, ốc hương, sò huyết, sò lông, tu hài, hàu cửa sông, hàu Thái Bình Dương, điệp...); giáp xác (tôm hùm, cua biển, ghẹ xanh); rong biển (rong câu, rong sụn, rong nho...).
Mặc dù, nuôi biển liên tục phát triển trong những năm qua, nhưng diện tích còn khiêm tốn. Đến năm năm 2016, nuôi cá biển ao/đầm đạt 6.300 ha và 1.164.643 m3 lồng, sản lượng 28.293 tấn; Nhuyễn thể là 47.129 ha, sản lượng 294.472 tấn; Tôm hùm 58.990 lồng, sản lượng hơn 1.300 tấn; Cua, ghẹ được nuôi ghép với các loài khác khoảng 220.000 ha, sản lượng khoảng 40.000 tấn/năm; Rong biển được trồng chủ yếu ở khu vực biển Nam Trung bộ, diện tích 10.150 ha, sản lượng 101.000 tấn.
Còn nhiều chông gai
Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng để phát triển một cách hiệu quả, ngành nuôi biển nước ta vẫn đang phải đối mặt với khá nhiều khó khăn và thách thức. Điển hình là hoạt động nuôi biển còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát chưa tuân thủ theo quy hoạch; công nghệ sản xuất thô sơ, lạc hậu, sản phẩm tạo ra chất lượng chưa cao, chưa tạo ra được sản lượng hàng hóa tập trung. Bên cạnh đó, ngư dân còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện địa hình và thủy vực phức tạp, nhiều thiên tai bão, lũ; nguồn vốn đầu tư phát triển nuôi biển lớn nên nhiều người dân và doanh nghiệp chưa mặn mà.
Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ phát triển nuôi biển còn gặp nhiều khó khăn. Như hạ tầng và dịch vụ cung cấp giống, thức ăn quy mô còn nhỏ chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất lớn. Con giống mới được sản xuất nhỏ lẻ, phần lớn phụ thuộc nhập khẩu (nguồn cung không ổn định, chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất). Về thức ăn cho đối tượng nuôi biển không thể phụ thuộc mãi vào nguồn cá tạp, trong khi thức ăn công nghiệp chưa được phát triển đúng mức. Theo Tổng cục Thủy sản, có tới 80% thức ăn thủy sản từ nhập khẩu hoặc do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm nuôi biển cũng đang là thách thức cho phát triển bền vững. Hiện, sản phẩm nuôi biển thường ở dạng tươi sống và chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch, một ít bán cho khách du lịch qua các nhà hàng, đầu mối và chợ địa phương. Các nhà máy chế biến trong nước hầu như không tham gia mắt xích tiêu thụ sản phẩm nuôi biển. Trong thời gian tới, thị trường ngày càng khắt khe hơn với yêu cầu vệ sinh và chất lượng cùng với những quy định chặt chẽ về quản lý sẽ là những khó khăn và thách thức đối với phát triển nuôi biển Việt Nam.
Đặc biệt, những tác động mạnh của biến đổi khí hậu, thiên tai; biến đổi môi trường và dịch bệnh sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp nghề nuôi biển trong tương lai. Nước biển dâng và nhiệt độ tăng sẽ ảnh hưởng không chỉ tới công trình nuôi biển như lồng bè, bãi triều nuôi nghêu mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe động vật nuôi, môi trường nuôi, dẫn tới bùng phát dịch bệnh. Ngoài ra, mâu thuẫn trong sử dụng mặt nước giữa nuôi thủy sản và các ngành kinh tế khác (như du lịch, vận tải biển, phát triển khu công nghiệp) sẽ càng gay gắt; phát triển nuôi biển tự phát, thiếu hoặc không thực hiện quy hoạch cũng là một trở ngại không nhỏ cho sự phát triển của ngành hàng này…
Giải pháp phát triển
Nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả tiềm năng phát triển nuôi biển, Tổng cục Thủy sản đã ban hành Quyết định số 195/QĐ-TCTS-KHTC ngày 27/4/2015 phê duyệt nghiệm thu sản phẩm dự án Quy hoạch phát triển nuôi trồng hải sản trên biển và hải đảo Việt Nam đến năm 2020; Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/2/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành thủy sản Việt Nam đến năm 2020 và các mục tiêu về Quy hoạch phát triển nuôi trồng hải sản trên biển và hải đảo Việt Nam đến năm 2020…
Theo đó, để nghề nuôi biển phát triển bền vững, cần tiếp tục xây dựng đồng bộ khuôn khổ pháp lý về biển và hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nuôi biển. Thực hiện các chính sách ưu tiên đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng thủy sản phục vụ phát triển nuôi biển. Có chính sách khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp tư nhân và đặc biệt là hình thức đầu tư hợp tác công - tư (PPP) trong nuôi trồng hải sản trên biển và hải đảo. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, ưu tiên bố trí nguồn vốn và huy động đầu tư nước ngoài, ODA, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nuôi trồng hải sản trên biển và hải đảo; tạo động lực, cơ sở vật chất kỹ thuật để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề nuôi biển.
Việc phát triển công nghiệp nuôi biển quy mô lớn vừa giải được bài toán về nguyên liệu cho chế biến, vừa tạo ra cú hích mạnh mẽ cho ngành, góp phần ổn định và giữ gìn an ninh trên biển. Dó đó, cần phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, sản xuất hàng hóa tập trung; ưu tiên phát triển nuôi biển theo quy mô lớn với công nghệ tiên tiến, thân thiện với sinh thái và môi trường biển, đảm bảo phát triển bền vững; phát triển đồng thời nuôi trên biển và nuôi cá biển trên đất liền; phát triển chuỗi giá trị hoàn thiện cho các sản phẩm nuôi biển, từ con giống đến thực phẩm tiêu dùng; phát triển thị trường xuất khẩu và nội địa; liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu trong phát triển nuôi biển.
Nghiên cứu và áp dụng công nghệ cao vào sản xuất giống, thức ăn, thuốc phòng trị bệnh, các sản phẩm, chế phẩm xử lý môi trường, lồng nuôi, công nghệ nuôi… phù hợp với điều kiện ở Việt Nam, đảm bảo mang lại hiệu quả kinh tế cao và thân thiện với môi trường biển.
Bên cạnh đó là việc khắc phục những yếu kém, hạn chế trong các khâu sản xuất giống, thức ăn, thuốc thú y phục vụ nuôi biển. Xây dựng các cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa công nghiệp nuôi biển với công nghiệp, du lịch và các lực lượng đảm bảo an ninh, quốc phòng trên biển.
Có thể bạn quan tâm
Lần đầu tiên, bào ngư vành tai được nuôi thương phẩm thí điểm tại xã đảo Tân Hiệp kỳ vọng sẽ mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi thủy sản ở Quảng Nam.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường là hướng đi tỉnh Cà Mau đang quyết tâm đạt được nhằm phát triển bền vững.
Nhờ năng suất đạt cao, khoảng 15 tấn/ha nên cả 2 tổ hợp tác của ấp đều thắng lớn, tổ nào cũng lời mấy tỷ đồng....