Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phát Triển Hậu Cần Nghề Cá, Cần Những Gì?

Phát Triển Hậu Cần Nghề Cá, Cần Những Gì?
Ngày đăng: 17/11/2014

Sau hơn 2 tháng triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP, các cấp ngành và địa phương liên quan trong tỉnh đang tích cực vào cuộc nhằm hiện thực hóa những con tàu vỏ thép cho ngư dân. Tuy nhiên hậu cần nghề cá để đội tàu xa bờ vươn khơi hiệu quả còn tồn tại nhiều hạn chế cần kịp thời tháo gỡ.

Thiếu cơ sở đóng, sửa tàu thuyền

Trên địa bàn Quảng Trị hiện có 2 cơ sở sửa chữa đóng mới tàu thuyền trong đó Công ty TNHH đóng tàu Cửa Việt của ông Võ Văn Thụ, khu phố 5, thị trấn Cửa Việt (Gio Linh) là đơn vị duy nhất có đủ năng lực về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ đóng mới nâng cấp, cải hoán tàu công suất lớn.

Theo Thông tư 26/2014/TT-BNNPTNT quy định yêu cầu về nhà xưởng, trang thiết bị đối với cơ sở đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá công suất từ 90 CV trở lên, ngoài các tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng thì bắt đầu từ ngày 25/8/2014 trở đi các cơ sở này phải được UBND tỉnh công bố đủ điều kiện theo quy định và báo cáo về Tổng cục Thủy sản định kỳ hàng năm.

Vì vậy, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 67, ông Thụ nhập nguyên liệu và chuẩn bị nhân lực cho việc đóng mới tàu vỏ thép của chính gia đình ông nhưng vì xưởng đóng tàu Cửa Việt chưa được UBND tỉnh công bố như quy định của Thông tư 26 nên ông Thụ chưa thể triển khai việc đóng mới tàu vỏ thép như dự định.

Cá về bến

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Nam, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cho biết: “Thông tư 26 ra đời phục vụ Nghị định 67, thời gian qua tỉnh đang triển khai các công việc liên quan đến thực hiện Nghị định 67.

Chúng tôi cũng đã biết đến nguyện vọng chính đáng của ông Thụ và sẽ sớm tiến hành kiểm tra, công bố về năng lực đóng mới, sửa chữa tàu công suất lớn của xưởng này sau khi Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 cấp tỉnh ra đời. Vấn đề thủ tục sẽ sớm được hoàn thành nhưng điều đáng lo lắng nhất là hiện trên địa bàn tỉnh có quá ít cơ sở đóng mới sửa chữa tàu thuyền nên sẽ khó đáp ứng được nhu cầu của ngư dân khi cần thiết”.

Hiện toàn tỉnh có 2.279 tàu thuyền với tổng công suất 69.480 CV, trong đó có 178 tàu cá xa bờ. Từ trước đến nay ngư dân Quảng Trị vươn khơi bằng tàu vỏ gỗ truyền thống nhưng vì cơ sở sửa chữa đóng mới tàu thuyền trong tỉnh ít nên để kịp mùa vụ khai thác biển, ngư dân không chỉ đặt đóng mới tàu cá ở ngoài mà nhiều khi việc sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ tàu cá cũng phải đưa đến địa phương khác.

Kinh nghiệm đi biển của những ngư dân lâu năm cho thấy, thông thường mỗi tàu cá vỏ gỗ hoạt động trên biển 3 năm thì đưa lên đà bảo dưỡng một lần nhưng với tàu vỏ thép thì việc bảo dưỡng phải thực hiện định kỳ hàng năm vì vật liệu sắt, thép hoạt động trong môi trường nước biển mặn rất dễ rỉ rét, hư hỏng. Với số lượng cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền trên địa bàn hiện tại đã không đáp ứng được nhu cầu của ngư dân thì những năm tới càng khó có thể đáp ứng được nhu cầu của đội tàu công suất lớn theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Khó khăn chỗ neo đậu

Theo Quyết định số 288/2005/QĐ-TTg, ngày 8/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, tỉnh Quảng Trị có 3 khu vực cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão gồm: Cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Cửa Tùng quy mô 250 chiếc, loại 150 CV/chiếc; Cảng cá, khu dịch vụ hậu cần kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Cửa Việt quy mô 350 chiếc, loại 300 CV/chiếc, nằm tại huyện Triệu Phong và Gio Linh; Cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Cồn Cỏ với quy mô 250 chiếc loại 150 CV/chiếc.

Hiện nay, Cảng cá Cửa Tùng, Cửa Việt cùng với dự án cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Cồn Cỏ giai đoạn 2 đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Dự án Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Việt bờ Nam, ở xã Triệu An, Triệu Phong đã cơ bản hoàn thành và đưa một số hạng mục vào sử dụng từ tháng 12/2013. Dự án Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Tùng cũng đã được phê duyệt về thiết kế và tổng mức đầu tư, tuy nhiên trên thực tế các công trình vẫn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế.

Trên địa bàn tỉnh, sông Bến Hải đổ ra cửa biển Cửa Tùng có lưu vực rộng khoảng 809 km2. Sông Thạch Hãn đổ ra cửa biển Cửa Việt với lưu vực rộng khoảng 2.660 km2. Đây là 2 cửa sông chính để tàu thuyền vươn khơi, cập cảng vào bờ hoặc chờ sửa chữa. Tuy nhiên, hiện nay tàu thuyền vào ra các cảng cá và khu neo đậu gặp nhiều khó khăn do lượng cát bồi đắp hàng năm ở các cửa sông ngày một lớn.

Từ cầu Cửa Việt trở vào 2 km dưới lòng sông chỗ sâu nhất khoảng 2,5 m nhưng nơi cạn chỉ khoảng 20 – 30 cm, vì vậy rất nhiều tàu vào ra ở đoạn sông này bị gãy chân vịt, gãy trục lái do mắc cạn. Để tránh rủi ro, những ngư dân có tàu cá công suất lớn trên địa bàn thị trấn Cửa Việt thường chờ lúc thủy triều lên mới cho tàu vào cập bến. Tuy nhiên, ngư dân lo lắng nhất là những lúc chạy tránh bão, không có thời gian để chờ thủy triều nên nhiều khi bão sắp đến mà tàu thì bị mắc cạn, rất nguy hiểm.

Ngư dân Bùi Đình Tiến, thị trấn Cửa Việt cho biết: “Mặc dù ở gần âu thuyền Cửa Việt nhưng đến mùa tránh bão tôi thường đưa tàu ngược sông Hiếu lên Đông Hà hoặc qua con sông cụt (hói) ở xã Triệu Phước (Triệu Phong) để neo đậu tránh trú. Âu thuyền Cửa Việt diện tích thiết kế chỉ phù hợp với tàu công suất nhỏ, chứ tàu công suất từ 300 CV trở lên không có không gian quay trở rất khó di chuyển khi cần vào ra khu neo đậu”.

Tại Cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá kết hợp khu neo đậu tránh trú bão Cửa Tùng mặc dù đã được phê duyệt dự án xây dựng giai đoạn 2 nhưng vì thiếu kinh phí nên đến nay vẫn chưa được triển khai. Trong khi đó cảng cá Cửa Tùng đã chính thức hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Sau khi Doanh nghiệp Tư nhân Ngọc Tuấn đi vào hoạt động chế biến cá bột, lượng tàu cá xa bờ của tỉnh bạn cập cảng nhập hàng cho nhà máy khá đông nhưng diện tích cảng khá hẹp nên khi có từ 10 tàu cá trở lên cập bến sẽ rất khó khăn trong việc neo đậu vì diện tích không đảm bảo. Bên cạnh đó, do lượng cát bồi lấp mạnh ở khu vực cửa biển và luồng lạch cũng gây không ít không khăn cho tàu thuyền mỗi lần cập cảng.

Ngư dân Cửa Tùng cho biết, ngày trước neo đậu tàu thuyền ở đây rất thuận lợi vì khu đất này vốn là vịnh tự nhiên khuất gió nhưng sau khi lấp vịnh xây dựng cảng cá kết hợp khu dịch vụ hậu cần neo đậu tàu thuyền Cửa Tùng như hiện nay thì khu vực này lại thường xuyên chịu lực va đập mạnh của sóng biển đánh trực diện nên mùa mưa bão tàu thuyền cũng không thể neo đậu tránh trú bão ở đây được.

Hiện nay thị trấn Cửa Tùng có 109 tàu thuyền hoạt động biển, trong đó có 7 chiếc tàu công suất từ 90 CV trở lên. Đến mùa mưa bão ngư dân ở đây đều phải di chuyển tàu thuyền lên sông Cánh Hòm, hoặc qua khỏi cầu Hiền Lương tránh bão.

Tại các khu neo đậu tàu thuyền đã được xây dựng, hầu hết công suất thiết kế đều dành cho tàu công suất từ 300 CV trở xuống. Vậy, vài năm nữa khi đội tàu xa bờ công suất lớn từ 400 CV trở lên theo Nghị định 67 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh hình thành thì ngư dân sẽ neo đậu tàu thuyền ở đâu mỗi lần cập bến hoặc tìm nơi tránh trú vào mùa mưa bão?

Thị trường tiêu thụ bấp bênh

Có thể nói, mặc dù số lượng tàu thuyền khai thác hải sản ở Quảng Trị những năm qua phát triển khá nhanh nhưng đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có rất ít doanh nghiệp thu mua sản phẩm hải sản cho ngư dân.

Doanh nghiệp Tư nhân Ngọc Tuấn là đơn vị hoạt động chế biến hải sản. Tuy nhiên, nhà máy chế biến thủy sản chính của doanh nghiệp là sản xuất bột cá nên nguyên liệu thu mua đầu vào chủ yếu là cá tạp, một sản phẩm của nghề giã cào thì trên địa bàn Quảng Trị không có tàu thuyền hoạt động nghề này và đây cũng là nghề không được khuyến khích phát triển trong khai thác biển.

Thị trường tiêu thụ hải sản cho ngư dân trên địa bàn tỉnh chủ yếu thông qua mạng lưới tư thương trước khi về các lò hấp sấy cá hay phân phối ra chợ. Với những sản phẩm hải sản cao cấp có giá trị xuất khẩu thì tư thương thu mua rồi bán lại cho hệ thống nhà hàng hoặc các cơ sở thu mua hải sản ở tỉnh, thành khác. Vì phải bán qua nhiều khâu trung gian nên ngư dân thường bị ép giá.

Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm khai thác biển của ngư dân, những năm gần đây mạng lưới các lò hấp sấy cá trên địa bàn ngày càng mở rộng quy mô sản xuất. Xã Gio Việt và thị trấn Cửa Việt là 2 địa phương phát triển mạnh lò hấp sấy cá với khoảng 150 cơ sở. Tuy nhiên, các lò hấp cá phát triển tự phát trong khi đầu ra của sản phẩm cá hấp lại khá bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái Trung Quốc nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Sắp tới, những tàu cá được đóng theo Nghị định 67 có giá trị lớn, công nghệ đánh bắt hiện đại thì sản phẩm làm ra cũng sẽ nhiều hơn. Nhưng với cách tiêu thụ sản phẩm như hiện nay thì ngư dân vẫn là người chịu thiệt thòi. Họ là người trực tiếp làm ra sản phẩm nhưng giá cả lại do người khác quyết định. Để phát triển nghề biển bền vững, hậu cần nghề cá cũng cần được đầu tư phát triển tương xứng mới phát huy được hiệu quả việc khai thác, đánh bắt trên biển của những đội tàu xa bờ trong tương lai.

Nguồn bài viết: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=87&modid=390&ItemID=88362


Có thể bạn quan tâm

Mô Hình Nuôi Cá Rô Phi Và Cá Trê Lai Bán Thâm Canh Ở Nhà Bè (TP. HCM) Mô Hình Nuôi Cá Rô Phi Và Cá Trê Lai Bán Thâm Canh Ở Nhà Bè (TP. HCM)

Trong tự nhiên, cá rô phi và cá trê lai là loài ăn tạp, bao gồm sinh vật phù du, tảo sợi, rong có lá, động vật đáy, các loài nhuyễn thể, tôm cá con và cả mùn bã hữu cơ. Tính ăn mồi động vật của hai loại cá này tích cực ở giai đoạn cá con, giai đoạn 1 - 9 cm cá ăn mồi sống rất mạnh. Tuy nhiên khi cá lớn, chúng chuyển sang chủ yếu thực vật như rong, tảo, giảm bắt mồi động vật. Nói chung đây là hai loài cá dễ nuôi, dễ ăn, mau lớn. Một ưu điểm nữa của cá trê lai, đó là loài cá có sức chống chịu cao đối với điều kiện xấu của ao nuôi.

19/12/2012
Ngư Dân Được Mùa Cá Cơm Ngư Dân Được Mùa Cá Cơm

Từ đầu tháng 7 đến nay, ngư dân các xã Cà Ná, Phước Diêm (Thuận Nam - Ninh Thuận) được mùa cá cơm. Mỗi ngày có trên 30 lượt tàu, thuyền địa phương và hàng trăm tàu, thuyền vãng lai khác cập cảng Cà Ná.

29/07/2013
Nuôi Tép Bạc Bông Nuôi Tép Bạc Bông

Một số bà con ở Trà Vinh đang nuôi một giống tép được coi là có sức đề kháng tốt, có khả năng chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Đặc biệt, loài tép này có khả năng không nhiễm các loại bệnh nguy hiểm, trong đó có bệnh gây hoại tử gan tuỵ. Loài thuỷ sản này có tên là tép bạc bông.

07/06/2013
Sầu Riêng Núi Cấm Chết Dần Không Rõ Nguyên Nhân Sầu Riêng Núi Cấm Chết Dần Không Rõ Nguyên Nhân

Thậm chí có cây chết dần mà chưa rõ nguyên nhân. Ông ba Mau, nhà ở vồ Pháo Binh cho biết, ông trồng hàng chục cây sầu riêng, những năm đầu cho trái rất sai, nhưng chỉ sau vài năm thì sầu riêng cho trái ít lại và không mang lại hiệu quả kinh tế.

07/06/2013
Chương Trình Nuôi Bò Vỗ Béo Ở Thôn Trà Nô Chương Trình Nuôi Bò Vỗ Béo Ở Thôn Trà Nô

Cuối năm 2011, từ Dự án Thoát nghèo bền vững, huyện Thuận Nam đã triển khai Chương trình Nuôi bò vỗ béo cho nông dân Trà Nô, xã Phước Hà. Sau một năm thực hiện, chương trình đã mang lại tín hiệu vui cho nhiều hộ nghèo.

29/07/2013