Phát triển gia trại nuôi thỏ: Hiệu quả bước đầu
Không chỉ thịt gà, thịt lợn, thịt bò mà thịt thỏ cũng là thực phẩm chính giàu dinh dưỡng. Nuôi thỏ là hướng đi đúng trong phát triển kinh tế hộ gia đình, bởi dễ nuôi, phát triển nhanh. Với sự năng động, nhạy bén trước thời cuộc, một số gia đình ở thành phố Lai Châu đầu tư nuôi thỏ theo mô hình gia trại, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi thỏ của anh Đỗ Ngọc Sơn (phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu).
Một trong những mô hình nuôi thỏ được đầu tư quy mô lớn, khoa học phải kể đến mô hình gia trại của anh Đỗ Ngọc Sơn (phường Quyết Tiến, thành phố Lai Châu). Trên diện tích 9ha đất đồi ở phường Quyết Thắng, tháng 1/2015, anh Sơn đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng cải tạo đất, xây dựng gia trại chăn nuôi tổng hợp. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Sơn kể: “Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Nam Định, từ nhỏ, tôi ấp ủ ước mơ xây dựng các mô hình chăn nuôi. Trải qua nhiều đơn vị công tác, đến năm 2014, chuyển về công tác tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Lai Châu, tôi mới có điều điện thực hiện dự định của mình. Ngoài công việc ở trường, tôi dành thời gian nghiên cứu về kỹ thuật nuôi thỏ, các loại gia súc và học hỏi kinh nghiệm ở các trang trại thành công ở huyện Than Uyên, các tỉnh: Thái Nguyên, Yên Bái… Gia trại của tôi thuê 2 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/nhân công”.
Anh Sơn chọn nuôi các loại thỏ giống Newzealand, California, loại thỏ có thể cho cân nặng tối đa 3,5 - 5,5kg khi trưởng thành. Khu vực nuôi thỏ là khu nhà rộng, lợp tôn, được xây dựng chắc chắn, có vải bạt phủ ấm khi mùa đông, hệ thống tưới nước mái làm mát tự động, cửa sổ thoáng mát mùa hè. Hơn 500 con thỏ ở trong những dãy chuồng kê sát, mỗi chuồng được thiết kế khép kín phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày. Trên mỗi chuồng dán các mảnh giấy ghi rõ thỏ đực, cái, ngày tuổi, thời gian giao phối, ngày đẻ… Thức ăn trong mỗi chuồng được cân đối dinh dưỡng các thức ăn thô, xanh, ngũ cốc tùy vào giai đoạn sinh trưởng của thỏ. Nước uống được thiết kế tự động, có hệ thống dây dẫn và van tự uống qua các chuồng. Cỏ dành cho thỏ được các nhân công lao động của gia trại chọn lựa kỹ lại trước khi cho thỏ ăn bởi riêng loại vật nuôi này, chỉ cần trong cỏ có sâu hoặc dính nước, bụi bẩn, thỏ sẽ đau bụng hoặc nhiễm bệnh mà chết. Phía dưới nền chuồng, anh Sơn trải sẵn lớp trấu, mùn cưa cùng với men sinh vật để tạo thành lớp đệm lót, nhằm giảm mùi hôi chất thải của thỏ, đồng thời giảm công và chi phí dọn chuồng, tạo môi trường nuôi sạch sẽ.
Với cách làm công phu, khoa học, thỏ trong gia trại sinh trưởng tốt, trung bình 3 tháng có thể xuất chuồng. Thỏ cái trưởng thành (5 tháng tuổi) được cho giao phối và sinh sản từ 5 - 10 con/lứa, mỗi lứa cách nhau khoảng 40 - 50 ngày. Mỗi chuồng thỏ cái sinh sản có các hộp gỗ để thỏ mẹ rứt lông lót ổ và ủ ấm cho thỏ con. Sự tỉ mẩn, tính toán kỹ lưỡng hiếm thấy của anh Sơn là nguyên nhân giúp anh thành công bước đầu. Hiện gia trại của anh bán thỏ thương phẩm giá 100 - 110 nghìn đồng/kg, thỏ giống từ 120 - 130 nghìn đồng/kg. Anh thường xuyên cung cấp thỏ cho quán bán thịt thỏ ở Chợ Trung tâm thành phố Lai Châu và bán giống, tư vấn kỹ thuật nuôi cho các gia đình ở thành phố. Từ khi xây dựng mô hình gia trại đến nay, kết hợp với chăn nuôi bò, ngựa đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Anh Sơn dự định sẽ tiếp tục nhân đàn thỏ lên số lượng 1.000 con nhưng lo lắng nhất vẫn là thị trường tiêu thụ thỏ chưa rộng lớn.
Trăn trở của anh Sơn cũng là nỗi lo chung của các hộ khi muốn mở rộng quy mô chăn nuôi thỏ. Người dân chưa có thói quen dùng thịt thỏ, vì chưa nhận ra giá trị dinh dưỡng của nó và không biết cách chế biến. Tại các chợ thành phố mới chỉ có một vài quán bán thịt thỏ làm sẵn, giá bán thỏ khá cao nên số lượng thỏ bán ra trong ngày không nhiều. Đối với các hộ nuôi thỏ quy mô nhỏ vài chục con thì gặp những khó khăn: chuồng trại không đảm bảo, thức ăn không vệ sinh, thỏ dễ bị bệnh và ốm chết.
Thực tế cho thấy nhiều gia đình ở các tỉnh từ nuôi thỏ thu được lợi nhuận tiền triệu, tiền tỷ. Với cách nuôi thỏ của anh Sơn, thành công bước đầu của gia trại nuôi thỏ đã tạm thời được khẳng định. Tuy nhiên, ngoài đầu tư tiền mở rộng quy mô nuôi thỏ, việc tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm cũng cần được các hộ tính toán kỹ lưỡng để trong thời gian tới, ngày càng nhiều gia trại nuôi thỏ thành công xuất hiện ở tỉnh ta. Muốn có được hướng đi đúng đắn và thành công, ngoài sự nỗ lực của các hộ chăn nuôi cần có sự vào cuộc phối hợp của các cơ quan chức năng tìm thị trường đầu ra ổn định, có sự liên kết, hợp tác và phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Thời tiết thay đổi thất thường khiến vụ lúa Đông Xuân của bà con nông dân xã Sa Nghĩa (Sa Thầy, Kon Tum) gần như mất trắng.
OM7347 là giống lúa đặc sản, thời gian sinh trưởng ngắn, cứng cây, dạng hình đẹp, đẻ nhánh khỏe, hạt gạo thon dài, cơm dẻo thơm…
Trong 3 năm gần đây, do giá tiêu tăng cao nên nông dân nhiều địa phương ở huyện Hoài Nhơn (Bình Định) đổ xô trồng khiến diện tích hồ tiêu “bùng nổ”.