Phát triển cá rô phi - làm gì để không vô định?
Trong quy hoạch phát triển của ngành nông nghiệp, cá rô phi được xác định là một trong 4 sản phẩm chủ lực của xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Thế nhưng thực tế, tương lai phát triển của loài thủy sản này vẫn vô định.
Trong ảnh: Cá rô phi - đối tượng chủ lực của thủy sản Việt Nam. Ảnh: Máy Cày
“Màu mỡ” tiềm năng
Việt Nam có tiềm năng lớn về diện tích mặt nước cho nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi cá rô phi nói riêng. Cụ thể, có 120.000 ha ao hồ nhỏ, trên 6.500 hồ chứa, trong đó có 560 hồ chứa lớn (dung tích trên 3 triệu m3), 580.000 ha ruộng trũng, hệ thống sông ngòi với 2.360 con sông có chiều dài từ 10 km trở lên, 990.000 ha mặt nước lợ mặn ven biển, trong đó nhiều vùng có độ mặn dưới 15 ppt, là điều kiện thuận lợi để mở rộng diện tích nuôi cá rô phi. Theo Quy hoạch phát triển nuôi cá rô phi đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đến năm 2020, đưa diện tích nuôi cá rô phi cả nước đạt 33.000 ha và 1,5 triệu m3 lồng nuôi trên sông và hồ chứa lớn; sản lượng đạt 300.000 tấn, trong đó 50 - 60% sản lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Theo đánh giá, cá rô phi rất dễ nuôi, nhanh lớn, có thể tận dụng được nguồn thức ăn. Sản phẩm cá rô phi của Việt Nam cũng ngày càng được ưa chuộng. Chẳng thế mà trong vòng 10 năm (2005 - 2015), số thị trường xuất khẩu cá rô phi của Việt Nam cũng tăng mạnh từ 8 lên con số 68, giá trị xuất khẩu cũng tăng mạnh qua từng năm, đặc biệt trong những năm gần đây. Trong 6 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu cá rô phi sang Mỹ đạt hơn 2 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. VASEP dự báo, xuất khẩu cá rô phi năm nay sẽ đạt 45 triệu USD, tăng 32% so với năm 2015.
Đến câu chuyện thực hiện
Theo TS Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, hiện nay cá rô phi xuất khẩu của Việt Nam phải cạnh tranh về thị trường với nhiều nước trên thế giới - những nước có công nghệ từ sản xuất giống đến nuôi thương phẩm hoàn thiện, giá thành sản xuất thấp. Trong khi đó, tình hình sản xuất con giống còn quá nhiều bất cập; nguồn giống phần lớn nhập khẩu, bị động và lệ thuộc, khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng.
Nhiều người nuôi cá rô phi tính toán, giá thành sản xuất cá rô phi trong nước còn quá cao chủ yếu do giá thức ăn quá đắt, và không chủ động được nguồn giống. Hiện nay, giá thức ăn cho rô phi tới tận ao của Trung Quốc quy ra bằng 2/3 Việt Nam. Thức ăn chăn nuôi nói chung, trong đó có thức ăn cho cá của Việt Nam hiện nay thuộc vào loại đắt nhất thế giới. Nguyên liệu thức ăn hiện nay phải nhập tới tới 60 - 70%. Trong khi đa phần các nhà máy lớn của Việt Nam lại là của các công ty nước ngoài nên không thể có cơ chế kiểm soát giá. Đối với vấn đề con giống, ở phía Bắc gần như 100% con giống phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra, công tác quản lý thuốc, hóa chất, thức ăn... trong nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi cá rô phi còn nhiều bất cập, vẫn còn hiện tượng sử dụng các loại thuốc, hóa chất, thức ăn không đảm bảo chất lượng, làm giảm hiệu quả sản xuất, gây ô nhiễm môi trường. Việc nuôi cá rô phi vẫn còn tự phát, hộ nuôi chưa tập trung quản lý chất lượng sản phẩm. Các vùng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún rất khó khăn để đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải trong sản xuất…
Giải nhiều “bài toán”
Để cá rô phi trở thành con nuôi chủ lực, theo các chuyên gia, cần quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu cá rô phi phục vụ chế biến và xuất khẩu. Căn cứ vào quy hoạch đầu tư của từng địa phương, tập trung thực hiện các dự án nuôi trồng và chế biến cá rô phi xuất khẩu theo chuỗi giá trị. Về lâu dài, ngoài việc chủ động con giống, cần có trung tâm sản xuất giống cá rô phi tại các địa phương để có nguồn giống tại chỗ phục vụ sản xuất. Cùng với việc nghiên cứu, sẽ nhập những đàn cá bố mẹ chất lượng tốt để lai tạo.
Đối với các vùng quy hoạch nuôi cá rô phi tập trung, ngoài diện tích doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, cần thu hút thêm các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê đất, mặt nước để nuôi cá rô phi. Tổ chức sản xuất phù hợp; liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến tiêu thụ sản phẩm; áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến để sản phẩm đảm bảo chất lượng đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu. Những vùng nuôi phân tán cần liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho hộ nuôi. Đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, đồng thời đa dạng hóa mặt hàng, sản phẩm để đáp ứng được yêu cầu của các thị trường nhập khẩu. Một mấu chốt khác là phải hạ giá thành sản xuất thức ăn nuôi trồng, nhằm hạ giá thành sản phẩm.
>>Theo TS Nguyễn Thanh Tùng, Việt Nam xuất khẩu cá rô phi sang 68 quốc gia trên thế giới, việc đẩy mạnh phát triển cá rô phi trong thời gian tới phải gắn chặt với phát triển thị trường, trong đó chú trọng cả thị trường xuất khẩu và nội địa. Tập trung mạnh vào các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, châu Phi...
Có thể bạn quan tâm
Trong những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao với thông tin, hàng vạn con cá chim trắng đã được phóng sinh xuống sông Hồng mới đây là loài hung dữ
Những năm gần đây, nhiều vùng nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bị "xóa sổ", vì người nuôi liên tục thua lỗ.
Người dân cho rằng, dự án thí điểm chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra không may bị “gãy gánh”