Trang chủ / Hải sản / Nghêu

Phát triển bền vững nghề nuôi nghêu

Phát triển bền vững nghề nuôi nghêu
Tác giả: Sáu Nghệ
Ngày đăng: 21/02/2020

Nhu cầu thị trường tăng, diện tích nuôi nghêu tại Việt Nam liên tục được mở rộng, vậy nhưng, trước tình hình biến đổi khí hậu, trong khi nghêu nhạy cảm với môi trường nên ngày càng có nhiều rủi ro cho người nuôi nghêu.

Diện tích nuôi nghêu liên tục tăng - Ảnh: ST

Diện tích tăng liên tục

Diện tích nuôi nghêu (cùng một ít sò và hàu) cả nước từ 28.133 ha năm 2011 lên hiện nay 40.685 ha và sản lượng tăng từ 157.000 tấn lên gần 300.000 tấn. Trước đây chủ yếu khai thác tự nhiên, tiêu thụ nội địa, nay đã xuất khẩu và theo VASEP, năm 2018 đạt kim ngạch 88,7 triệu USD. Các thị trường chính là EU, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Australia; tạo công văn việc làm cho khoảng 200.000 lao động. Mục tiêu năm 2020, diện tích nuôi tăng lên 48.370 ha, năng suất trung bình 8,27 tấn/ha, kim ngạch xuất khẩu tăng.

Vùng ĐBSCL nuôi nghêu đã phát triển ở tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh với diện tích năm 2019 là 5.283 ha; trong đó, Bến Tre 2.873 ha, Tiền Giang 1.950 ha, Trà Vinh 460 ha. Tổng diện tích bãi biển có thể phát triển nuôi nghêu ở ba tỉnh lên đến 9.770 ha. Ở tỉnh Bến Tre và Trà Vinh còn có 274 ha nghêu bố mẹ và 550 ha nghêu giống chất lượng cao.

Toàn bộ vùng nghêu của tỉnh Bến Tre từ năm 2009 đã được chứng nhận MSC (Marine Stewardship Council) của Hội đồng Quản lý Biển, cũng là ngành ngư nghiệp đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đạt chứng nhận này. Đây là nhãn hiệu cho nghề khai thác được quản lý tốt, giữ đa dạng sinh thái, không gây cạn kiệt. Nhờ thế, sản phẩm xuất khẩu được nhiều thị trường ưa chuộng. Ở tỉnh Bến Tre đã thành lập 9 hợp tác xã để quản lý bãi nghêu.

Ở phía Bắc, tỉnh Nam Định là điển hình khai thác nghêu tại các vùng đất ngập nước ven biển. Số liệu của Sở NN&PTNT, những năm đầu 1980 người dân bắt đầu quan tâm khoanh vùng khai thác nghêu bán ra ngoài tỉnh và xuất khẩu, đến nay có diện tích khoảng 1.700 ha, sản lượng hàng năm từ 17.000 đến 25.000 tấn. 

Ngày 22/8/2019 ở Nam Định diễn ra ký kết “Thỏa thuận hợp tác xây dựng chuỗi ngao tỉnh Nam Định” hướng đến Chứng nhận quốc tế ASC. Đại diện các hộ nuôi nghêu ở huyện Giao Xuân, Giao Thủy, Nam Điền, Nghĩa Hưng ký với ông Simond Lenger, Chủ tịch Tập đoàn Lenger Seafood Hà Lan. Đây là bước khởi đầu cho sự liên kết giữa những người nuôi và doanh nghiệp chế biến, tạo chuỗi sản phẩm bền vững. Tập đoàn Lenger Seafoods Hà Lan có kinh nghiệm nuôi trồng, đánh bắt và chế biến các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ hơn 90 năm, đã đầu tư Nhà máy chế biến nghêu ở TP Nam Định. Lenger Việt Nam là đơn vị đầu tiên trên thế giới áp dụng Chứng nhận ASC cho sản phẩm nghêu, dự kiến sẽ đạt được vào năm 2020.

Nguy cơ rủi ro cao

Nghiên cứu của TS Cao Lệ Quyên (Viện Kinh tế Quy hoạch thủy sản - Tổng cục Thủy sản) cùng 8 thạc sĩ về chuỗi giá trị nghêu ở 3 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh trong dự án do Liên minh châu Âu và Tổ chức Oxfam Việt Nam tài trợ, vừa công bố cho biết: “Giai đoạn 2010 - 2019, hầu hết bãi nghêu tại 3 tỉnh thể hiện xu hướng thu hẹp về diện tích và thay đổi vị trí phân bố theo hướng ra xa bờ hơn; tỷ lệ giảm diện tích trung bình tại 3 tỉnh là 21,7%; mật độ và sinh lượng cũng giảm”. Nguyên nhân chính là do xói lở và bồi tụ diễn ra liên tục, xen kẽ tại các vùng ven biển, trong lúc nghêu phụ thuộc nhiều vào các yếu tố tự nhiên.

Nghiên cứu của ông Nguyễn Đức Minh ở Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II cho biết thêm: “Cùng với sự phát triển nhanh và mạnh của nghề nuôi nghêu, hiện tượng nghêu chết hàng loạt cũng đã xuất hiện và có xu hướng gia tăng”. Năm 2019, từ đầu năm đến tháng 6/2019, hơn 300 ha nghêu ở tỉnh Trà Vinh bị chết 3 đợt sau khi thả 95 tấn con giống, gây thiệt hại trên 300 tấn trong năm nay và theo chu kỳ thu hoạch kéo dài sang năm 2020 mất khoảng 700 tấn nữa.

Những năm trước, thống kê của ông Minh, giữa tháng 5/2003, gần 5.000 tấn nghêu nuôi trên 80 ha ở huyện Tiền Hải (Thái Bình) bị chết đồng loạt. Tháng 5/2005, nghêu trên 400 ha mới thả giống ở huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) bị chết sạch; còn tỉnh Bến Tre, nghêu chết 40 - 80% ở 1.650 ha tại huyện Ba Tri; trên 70% ở 900 ha tại huyện Bình Đại. Tháng 3/2007, nghêu ở huyện Bình Đại (Bến Tre) lại chết trên 2.500 tấn. Từ cuối năm 2007 đến tháng 3/2008, tại huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), nghêu chết 80 - 90% trên diện tích 800 ha và hiện tượng này lặp lại vào năm 2008 - 2009. Năm 2008, khoảng 90% diện tích nghêu tại huyện Hoằng Phụ (Thanh Hóa) chết hàng loạt. Năm 2010 - 2011, dịch bệnh trở lại huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) làm gần 759 ha nghêu bị chết, mất khoảng 2.595 tấn. Từ năm 2010 - 2012, diện tích nghêu nuôi bị chết tại Tiền Giang là 1.195,8 ha. Tính thành tiền, mỗi khi thiệt hại từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Nghêu chết hàng loạt khiến nghề nuôi nghêu đầy rủi ro, cuộc sống người nuôi nghêu bấp bênh. 

Đi tìm giải pháp

Các nghiên cứu chuyên sâu xác định, vi khuẩn giống Vibrio gây chết nghêu ở giai đoạn ấu trùng và hậu ấu trùng; vi khuẩn nội bào Ricketsia gây chết nghêu nuôi thương phẩm. Các yếu tố độ mặn, nhiệt độ, thời gian phơi bãi có liên quan nghêu chết hàng loạt.

Nuôi nghêu đang chủ yếu khai thác thiên nhiên. Tại tỉnh Bến Tre, phần lớn các hợp tác xã không phải bỏ vốn nên tỷ suất lợi nhuận khá cao, dao động từ 1/1,39 - 1/2,4, tức là thành viên hợp tác xã góp vốn 1 đồng sẽ được chia lợi nhuận 1,39 - 2,4 đồng. Xét hiệu suất đầu tư là tương đối cao, tuy nhiên, phụ thuộc thiên nhiên có nhiều rủi ro nên thu nhập từ nghề nuôi nghêu không cao. Ở Tiền Giang chỉ 82% số hộ muốn tiếp tục nuôi nghêu.

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II đề xuất, cần đầu tư cho nghề nuôi nghêu căn cơ hơn. Trước tiên, xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo môi trường và dịch bệnh. Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi ở các vùng đặc trưng của ĐBSCL và các địa phương khác. Nuôi nghêu hiện nay thả giống chủ yếu nghêu sọ (500 - 3.000 con/kg), không ương nghêu cám nên chi phí cao và không chủ động mùa vụ. Cần ương giống nghêu trước khi thả nuôi vùng bãi triều và tổ chức đào tạo, tập huấn, trợ giúp kỹ thuật nông dân.

“Các sản phẩm nghêu để có giá trị xuất khẩu cần phải đạt các chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm và là sản phẩm có giá trị tăng cao. Do đó, cần xây dựng các vùng nuôi nghêu có năng suất cao, đạt chất lượng và được chứng nhận MSC”, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II kết luận.

Nghiên cứu của TS Cao Lệ Quyên cùng 8 thạc sĩ cho biết ở tỉnh Bến Tre: “Lao động tham gia nghề nghêu trên 90% độ tuổi từ 45 - 60, còn thanh niên không thích. Thu nhập từ nghêu đảm bảo 27% thu nhập hộ, nhưng đang ngày càng khó khăn, nguy cơ bị suy giảm do ảnh hưởng của việc suy giảm nguồn lợi và các bất lợi về thời tiết”. 


Có thể bạn quan tâm

Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi nghêu - Phần 1 Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi nghêu - Phần 1

Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi nghêu - Phần 1

23/08/2016
Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi nghêu - Phần 2 Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi nghêu - Phần 2

Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi nghêu - Phần 2

23/08/2016
Sản xuất giống nghêu Bến Tre - Phần 1 Sản xuất giống nghêu Bến Tre - Phần 1

Sản xuất giống nghêu Bến Tre - Phần 1

23/08/2016