Phát triển bền vững ngành thủy sản cần tháo gỡ bất cập từ thể chế
Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, thời gian qua, công tác thi hành pháp luật về xuất khẩu thủy sản từ giai đoạn nuôi trồng đến phân phối, xuất khẩu luôn được ngành nông nghiệp thành phố quan tâm.
Ngành nông nghiệp thành phố luôn tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật; triển khai kịp thời đến các đối tượng có liên quan về các văn bản, quy phạm pháp luật mới.
Đồng thời, thường xuyên tiến hành các đợt kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm.
Thu hoạch cá tra giống tại xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.
Hằng năm, Chi cục Thủy sản (thuộc Sở NN&PTNT thành phố) đều khảo sát nhu cầu phổ biến pháp luật trong lĩnh vực thủy sản ở các địa phương và lập kế hoạch trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, xác định rõ nội dung cần triển khai cho từng đối tượng khác nhau, như: các hộ sản xuất kinh doanh giống thủy sản, cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn thủy sản, người nuôi, người khai thác thủy sản.
Đầu năm 2015 đến nay, Sở NN&PTNT thành phố đã triển khai 6 lớp tập huấn văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp in hơn 1.600 tờ áp-phích tuyên truyền về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và tuyên truyền về nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP; vận động các tổ chức, cá nhân tham gia và ủng hộ kinh phí cho việc thả tái tạo nguồn lợi thủy sản; treo băng rôn, khẩu hiệu và cờ phướng để tuyên truyền vận động...
Đầu năm 2015 đến nay, ngành đã tổ chức thả trên 1 triệu con cá (cá trê vàng, thát lát, chạch lấu, cá tra…) tại 5 quận, huyện trên địa bàn thành phố, gồm: Ninh Kiều, Cái Răng, Phong Điền, Thới Lai và Thốt Nốt.
Cùng với việc triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản mới của Chính phủ và Bộ NN&PTNT theo đúng quy định, ngành nông nghiệp thường xuyên rà soát, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật theo từng chuyên ngành, kịp thời kiến nghị bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ những văn bản có nội dung chồng chéo, trái quy định hoặc không còn phù hợp… nhằm góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách.
Ông Nguyễn Minh Thạnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: Nhìn chung, hệ thống các cơ chế chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về thủy sản còn thiếu tính đồng bộ.
Một số văn bản quy định thường xuyên thay đổi và còn nhiều bất cập, chồng chéo, không khả thi khi áp dụng thực tế, gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Hơn nữa, do các quy định về phân cấp quản lý chưa phù hợp và còn thiếu các quy định cụ thể về công tác phối hợp liên ngành và phân công trách nhiệm của các bên có liên quan, nhất là giữa ngành nông nghiệp với ngành công thương và ngành y tế nên công tác quản lý nhà nước đối với ngành thủy sản tại nhiều nơi chưa được thực hiện tốt.
Các cấp, các ngành chức năng thành phố và Trung ương cần sớm xem xét, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản để giúp công tác quản lý được tốt hơn và thúc đẩy ngành thủy sản phát triển bền vững.
Bà Lê Ngọc Diện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản TP Cần Thơ, cho rằng: "Có nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản khi đưa vào áp dụng thực tế chưa mang tính khả thi cao, nhất là một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về các cơ chế chính sách ưu đãi.
Nỗi khổ của người nuôi thủy sản hiện nay là có nhiều chính sách ưu đãi nhưng họ không tiếp cận được do gặp nhiều vướng mắc trong hồ sơ thủ tục. Đơn cử, muốn vay vốn với lãi suất ưu đãi, ngân hàng đòi phải có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Nhưng với tình hình giá cá tra bấp bênh và giảm dưới mức giá thành sản xuất như hiện nay, các hộ nuôi cá khó xây dựng được phương án hiệu quả".
Về sự thiếu đồng bộ và bất cập trong hệ thống các quy định pháp lý dẫn đến công tác quản lý ngành gặp nhiều khó khăn, ông Nguyễn Minh Thạnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, dẫn chứng:
Từ năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 01/1998/TTg về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc trong khai thác thủy sản. Tuy nhiên, do còn thiếu các cơ chế chính sách đào tạo nghề và hỗ trợ vốn để người dân chuyển đổi nghề nên việc xử phạt các đối tượng vi phạm còn gặp khó. Bởi có nhiều người vi phạm rất nghèo, nhất là các hộ sống dựa vào nghề làm ghe cào, xét về lý thì đúng, nhưng xét về tình người thì rất khó.
Hiện Trung ương cũng có quy định Sở NN&PTNT các địa phương không được kiểm tra chất lượng hàng hóa tại các doanh nghiệp có tham gia xuất khẩu thủy sản đóng trên địa bàn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vẫn có sản phẩm bán tại thị trường nội địa.
Nếu chỉ trông chờ cấp trung ương kiểm tra, không phân cấp cho địa phương quản lý theo địa bàn sẽ rất khó kiểm soát chất lượng sản phẩm thủy sản lưu thông trên thị trường nội địa. Cũng theo ông Nguyễn Minh Thạnh, tình trạng khó kiểm soát việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp cũng do thiếu quy chế phối hợp quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu vật tư nông nghiệp.
Ngoài ra, Nhà nước cũng thiếu các quy định cụ thể về điều kiện mua bán, sử dụng hóa chất nhằm phòng tránh trường hợp các loại hóa chất dùng trong các ngành khác như: y tế, công nghiệp… được đem vào sử dụng trong nông nghiệp...
Gần đây, nhiều doanh nghiệp và hộ nuôi thủy sản tích cực phát triển nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, trước quá nhiều tiêu chuẩn trong nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản mà các thị trường quốc tế đặt ra, doanh nghiệp cũng không khỏi băn khoăn.
Ông Nguyễn Đức Huy Vũ, Quản lý vùng nuôi thủy sản, Công ty cổ phần thủy sản Mekong, cho rằng: "Các cấp thẩm quyền cần đứng ra thương thảo với các thị trường xuất khẩu khác nhau nhằm liên thông các tiêu chuẩn lại và thuyết phục họ chấp nhận tiêu chuẩn VietGAP của nước ta, giúp doanh nghiệp và các hộ nuôi không tốn kém quá nhiều chi phí khi phải chạy theo thực hiện các tiêu chuẩn khác nhau và thay đổi liên tục…".
Có thể bạn quan tâm
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế, trong năm 2015 này huyện Phù Cát đã quy hoạch vùng sản xuất các loại cây trồng, đồng thời tập trung vận động nông dân chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả đưa vào sản xuất các loại cây trồng cạn.
Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu 11 mặt hàng nông sản chủ yếu (gồm gạo, cà phê, điều nhân, sắn và sản phẩm sắn, cao su, hạt tiêu, chè, rau quả, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sản phẩm mây, tre, cói, thảm)
Niên vụ cà phê 2014-15 mới qua. Một năm mua bán mới vừa bắt đầu. Nhìn lại hoạt động một năm qua, Hiệp hội Cà phê & Ca Cao Việt Nam cho rằng đây là một niên vụ cà phê “đau buồn”. Thử tìm hiểu lý do vì sao.
Ông Võ Thành Đô, Phó cục trưởng Cục Chế biến nông - lâm - thủy sản và nghề muối cho biết, từ nay đến năm 2020 và định hướng 2030, cả nước chưa cần xây dựng thêm các cơ sở chế biến mới càphê, hồ tiêu, chỉ chú trọng đầu tư bổ sung,...
Vị Xuyên là một trong 3 huyện trọng điểm phát triển cây cam sành của tỉnh Hà Giang. Theo kế hoạch, năm 2015, huyện sẽ trồng mới 200ha cam sành. Trong tháng 7 và tháng 8, Vị Xuyên đã trồng mới được 150ha cam sành trên địa bàn 9 xã, thị trấn, nâng tổng diện tích cam sành lên 480ha.