Phát huy thế mạnh của cây lúa và con tôm càng xanh
Với sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, Đảng bộ huyện đã có sự nỗ lực, tập trung giải quyết các khó khăn và thách thức đó, đưa ngành nông nghiệp địa phương tiến lên một bước mới. Nông nghiệp của huyện đã có bước đột phá đi vào chiều sâu. Trước đây, kinh tế Tam Nông chỉ độc canh cây lúa, nhưng càng về sau, tùy theo điều kiện đất đai mà phát triển thêm nghề nuôi cá, nuôi tôm càng xanh hay trồng thêm cây màu.
Ông Nguyễn Văn Công, Bí thư Huyện ủy Tam Nông cho biết, thế mạnh của Tam Nông là đất đai. Trọng tâm là sản xuất lúa và nuôi tôm càng xanh. Về cây lúa, trong thời gian tới, Tam Nông sẽ đưa sản xuất lúa đi vào chiều sâu. Tam Nông đang hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ khâu làm đất đến thu mua và chế biến. Tất cả bắt đầu từ HTX Tân Cường ở xã Phú Cường sản xuất với quy mô tập trung và đã được nhân rộng ra ở những nơi có điều kiện. Tuy nhiên, cách làm này sẽ không nhân ra toàn huyện, chỉ khuyến khích những nơi có diện tích lớn và có điều kiện.
Theo dự tính của huyện, nếu nhân rộng được 1/2 diện tích toàn huyện thì diện mạo sản xuất nông nghiệp của huyện sẽ có sự thay đổi lớn. Lúc đó, không những thu nhập cao mà nhận thức, tác phong và cách làm của người dân cũng sẽ thay đổi. Thế mạnh thứ hai của Tam Nông là con tôm càng xanh. Từ diện tích chỉ vài chục ha năm đầu tiên, đến nay toàn huyện đã nuôi được trên dưới 700 ha.
Đích cuối cùng của dự án nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa là nâng diện tích toàn huyện lên 3.000 ha. Từ khi bắt đầu triển khai dự án, các bước đi được tiến hành chặt chẽ theo mô hình một vụ lúa một vụ tôm. Vụ tôm năm 2010 vừa qua, sản lượng tôm thương phẩm của huyện đạt gần 1.300 tấn, bình quân 1 tấn tôm người nuôi lãi trung bình khoảng 60 triệu đồng.
Không chỉ có lúa và tôm càng xanh, hiện tại Tam Nông có thêm mô hình trồng một vụ lúa một vụ sen ở vùng giáp ranh hai xã Phú Cường và Tân Công Sính. Khu vực này có diện tích khoảng 1.000 ha, trồng lúa không hiệu quả, một năm chỉ làm được vụ đông xuân. Vụ hè thu do làm không có lãi nên đa số người dân không làm. Đến nay, huyện đã trồng thử khoảng 20 ha sen, cho hiệu quả khá cao, sẽ tiếp tục nhân rộng lên khoảng 100 ha. Bên cạnh đó, huyện xây dựng vùng sản xuất màu ở các xã ven QL 30.
Hiện nay, 3 xã giáp QL 30 là An Hòa, An Long, Phú Ninh và thêm xã Phú Thành A điều kiện đất đai có thể sản xuất mỗi năm 2 vụ lúa 1 vụ màu vì gần sông, đất gò cao, không nhiễm phèn. Nhưng vùng này đất không bằng phẳng, do đó phải khoanh vùng chi tiết theo độ cao. Trước mắt, huyện tập trung quy hoạch ở xã An Hòa với diện tích tổng cộng khoảng 500 ha vì khu vực này có đê bao khép kín và có vùng đất cồn rộng khoảng 30 ha. Với lợi thế giáp với QL 30 và giáp tỉnh lộ ĐT 844 nên thuận tiện trong việc chuyên chở hàng hóa. Khi đó sẽ đẩy vụ đông xuân lên sớm hơn để đảm bảo vụ hè thu không trễ hơn mùa nước lũ sau khi trồng xen vụ màu.
Tags: phat huy cay lua, nuoi tom cang xanh, nuoi tom
Có thể bạn quan tâm
Khi tôm nuôi chết dần theo từng chu kỳ lột vỏ và trong ao nuôi có tôm mềm vỏ, sậm màu, có thể thấy rằng hiện tượng chết này có liên quan đến quá trình lột vỏ.
Muốn vụ nuôi thành công, tôm nuôi đạt sản lượng cao đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố: thức ăn, con giống, quản lý môi trường ao nuôi… Trong đó, yếu tố liều lượng của các loại thuốc, hóa chất được người nuôi sử dụng góp phần rất lớn trong việc nâng cao sản lượng tôm nuôi.
Framelco - Một công ty sản xuất các sản phẩm phụ gia để thay thế thuốc kháng sinh trong các trang trại đã tiến hành thử nghiệm công thức 1-monoglycerides để chống lại AHPNS/EMS. Một số phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng những sản phẩm 1-monoglycerides có hoạt tính diệt khuẩn chống lại khuẩn Vibrio parahaemolyticus
Trong nuôi trồng thủy sản, việc sử dụng vôi trong các công đoạn sản xuất là thường xuyên, tạo điều kiện cho đối tượng nuôi phát triển tốt.
Tính từ đầu năm 2011 đến nay, tình hình dịch bệnh tôm biển nuôi thâm canh, bán thâm canh đang diễn biến phức tạp với tần suất ngày càng cao đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân nuôi tôm trên 3 huyện ven biển: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú.