Phao cứu sinh cho hộ dân vùng khó
Ổn định sản xuất
Dẫn chúng tôi đi thăm khu chuồng lợn với 16 con lợn thịt và 4 con lợn nái, ông Tiền Phi Săng (ngụ ấp Bá Huê, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi), phấn khởi nói: “Năm 2015, nhờ được vay vốn từ chương trình hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn của Ngân hàng CSXH, tôi đầu tư làm chuồng trại và mua con giống về chăn nuôi lợn. Hiện 16 con lợn thịt sắp xuất bán, ước lãi gần 20 triệu đồng”.
Năm 2015, vốn tín dụng Ngân hàng CSXH đã giúp gần 4.600 hộ thoát nghèo; tạo việc làm ổn định cho gần 1.500 lao động; hơn 1.300 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; gần 9.800 hộ được cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn.
Cũng là một trong những hộ trong vùng khó khăn được vay vốn chính sách, ông Tiêu Hoàng Văn, ngụ cùng ấp Bá Huê, bộc bạch: “Những năm gần đây đời sống kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn do đầu tư vào mô hình tôm công nghiệp không hiệu quả. Được vay 10 triệu đồng chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn từ Ngân hàng CSXH tỉnh, tôi đầu tư vào 7.000m2 đất nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp nuôi cua. Mỗi tháng gia đình tôi thu về khoảng 3,5 triệu đồng, đời sống gia đình từ đó đỡ phần vất vả”.
Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Hoàng Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Duyệt chia sẻ: “Đến nay Hội Nông dân xã nhận ủy thác tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH và đã cho khoảng 230 hộ vay với khoảng 1,8 tỷ đồng. Riêng chương trình hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đã giải ngân khoảng 260 triệu đồng, giúp nhiều hộ dân ổn định sản xuất”.
Cho vay đúng đối tượng
Theo lãnh đạo Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đầm Dơi, huyện có 9/16 xã thuộc danh mục đơn vị hành chính vùng khó khăn. Đến hết tháng 7, tổng dư nợ của chương trình cho vay vốn hộ gia đình sản xuất, kinh doanh là gần 24,5 tỷ đồng, với 1.479 hộ được thụ hưởng. “Vốn đã giúp xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, giúp nhiều hộ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội vùng khó khăn” - ông Trần Ngọc Tâm – Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đầm Dơi cho hay.
Theo ông Phan Văn Lùng-Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Cà Mau, tính đến ngày 31.7, tổng dư nợ tín dụng chính sách ưu đãi trên địa bàn đạt hơn 1.834 tỷ đồng. Chương trình cho vay vốn hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đạt dư nợ hơn 227,5 tỷ đồng với 11.374 hộ vay.
Ông Phan Văn Lùng chia sẻ thêm: “Nguồn vốn bổ sung hàng năm còn hạn chế so nhu cầu thực tế tại địa phương dẫn đến nhiều mô hình hiệu quả nhưng không có vốn để mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh; nhiều hộ đủ điều kiện, có nhu cầu về vốn nhưng chưa được xét cho vay”.
Có thể bạn quan tâm
Không giới hạn địa bàn, phạm vi và đối tượng tham gia bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) nhưng hộ nghèo không được hỗ trợ 100% tiền bảo hiểm như trước đây... Đó là những ý kiến quan trọng mà Bộ NNPTNT và Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ xem xét, phê duyệt về việc triển khai BHNN trong thời gian tới đây.
Trong lúc thả câu trên sông Tiền, người phụ nữ ở huyện Bình Đại (Bến Tre) cùng chồng bắt được con cá giống sủ vàng quý hiếm 3,8 kg.
“Phân bón DAP Lào Cai là loại phân bón có giá cao hơn những loại phân bón thông thường nhưng phân này có hàm lượng cao nên rất thích hợp với những cây công nghiệp, cây ngắn ngày cần kích thích sinh trưởng…” – kỹ sư Nguyễn Hữu Lâm - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Sơn La nói.