Phân bón vô cơ, hiểu để bón đúng
Trong canh tác vườn, các loại phân bón vô cơ được xác định là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc quyết định nâng cao năng suất cây trồng, cải thiện chất lượng trái cây.
Nhiều nhà vườn ở ĐBSCL đã nắm được vai trò phát huy hiệu quả của việc ứng dụng phân bón vô cơ.
Ở ĐBSCL các loại cây ăn trái được canh tác ở mức độ thâm canh cao. Rải vụ cũng nhờ ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật trong việc sử dụng phân bón. Nhiều nhà vườn đã nắm được vai trò phát huy hiệu quả của việc ứng dụng phân bón vào SX.
Phân bón vô cơ có nguồn gốc từ chất khoáng, vô cơ tự nhiên, hoặc sản phẩm hóa học. Phân bón vô cơ có nhiều loại khác nhau như phân đơn, hỗn hợp, phức hợp. Đặc điểm chung là cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu nhằm thúc đẩy sinh trưởng phát triển của cây trồng. Ngoài ra, nhiều loại phân còn có tác dụng cải tạo dinh dưỡng cho đất, góp phần đa dạng hóa cây trồng trên nền đất nhiễm phèn mặn, bạc màu.
Hiện trên thị trường có rất nhiều loại phân bón, chuyên dùng cho từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng. Tại các vùng chuyên canh cây đặc sản ở ĐBSCL thì phân bón được nhập khẩu từ các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến, được nhiều nhà vườn ưa chuộng. Đặc điểm chung là phối hợp nhiều dưỡng chất trên một hạt phân gồm đa, trung, vi lượng. Tỷ lệ và thành phần dinh dưỡng trong phân ngày càng đa dạng, nhiều sản phẩm còn kết hợp các chất hỗ trợ giúp cây tăng sức chống chịu với yếu tố bất lợi từ môi trường dịch hại và có cả các chất làm gia tăng hiệu suất sử dụng phân bón.
Do phân bón vô cơ mang lại nhiều hiệu quả tức thì hấp dẫn dẫn đến một số bà con đã lạm dụng quá mức. Thậm chí xem đây là biện pháp duy nhất để tạo ra năng suất của cây trồng. Thực trạng này đã diễn ra trong một thời gian dài gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường đất, tạo điều kiện cho dịch hại bùng phát, làm sụt giảm chất lượng nông sản gây mất niềm tin của người tiêu dùng về độ an toàn vệ sinh thực phẩm.
GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp (ĐH Cần Thơ) cho biết, cây trồng cần nhiều dưỡng chất chủ yếu như N, P, K, Ca, S, Mg… để cây phát triển bình thường. Trong điều kiện thâm canh tăng vụ, cây trồng đã lấy đi trong đất rất nhiều dưỡng. Vì vậy cần phải bổ sung thêm dinh dưỡng cho đất. Hiện phân hữu cơ có thành phần dinh dưỡng, chẳng hạn như đạm rất ít (khoảng 1%) nên việc vổ sung dinh dưỡng cho đất bằng phân hữu cơ tốn kém rất nhiều công sức.
"Người bón nên tuân thủ bón theo nguyên tắc như chọn loại phân phù hợp, bón theo nhu cầu của cây, bón đúng thời điểm cây cần và bón theo nước tưới nhỏ giọt", GS.TS Nguyễn Bảo Vệ chia sẻ.
Ông Mai Văn Trị, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng, trong các quy trình, khuyến cáo bón phân cân đối tránh bón thừa đạm. Tức là bà con tùy vào loại đất, giai đoạn sinh trưởng của cây để bón cho hợp lý. Ví dụ như giai đoạn sau thu hoạch thì cây cần nhiều đạm để hồi phục tạo điều kiện phục hồi năng suất ở vụ sau. Bón quá nhiều một loại dinh dưỡng nào đó có thể tổn hại đến bộ rễ cây trồng, ngộ độc đất, cây sẽ phát triển theo chiều hướng kém và ngược lại.
Kỹ sư Phạm Văn Huy, đại diện Cty TNNH Behn Meyer Agricare Việt Nam (BM) cho biết: Phân bón vô cơ của BM được sử dụng nguồn nguyên liệu châu Âu, công nghệ hóa học. Sử dụng công nghệ đạm kép gồm nitrat và amon. Hai dạng này khi bón vào môi trường gốc cây đạm nitrat sẽ được cây tiêu thụ trước trong 4-5 ngày đầu, sau đó khoảng 8-10 ngày sau đạm amon sẽ được chuyển hóa thành đạm nitrat thông qua quá trình nitrat hóa.
Bên cạnh thành phần đa lượng thì trong hạt phân của BM có thêm thành phần trung vi lượng như canxi, phốt pho, magie, lưu huỳnh… ảnh hưởng quan trọng đến quá trình quang hợp diệp lục tố trên cây, giúp cây phát triển cân đối và đồng đều hơn.
Kỹ sư Huy cũng khuyến cáo bà con nên bón phân đều, không bón cận gốc, nên cách gốc chừng 2-3 tấc. Để tránh trường hợp bà con tưới dập cây sẽ bị thừa phân. Thường thì khả năng hấp thu dinh dưỡng của cây sẽ từ bên ngoài tán cây trở vào gốc vì rễ cám sẽ ăn trước.
Có thể bạn quan tâm
Công nghệ táo bạo này vừa được các nhà nghiên cứu thực hiện ở Đại học Ben-Gurion (BGU), miền nam Israel.
Chất thải chăn nuôi được coi là nguồn tài nguyên quý giá, cần được tái tạo để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, làm phân bón hữu cơ phục vụ cho ngành trồng trọt.
Làm gì chớ nuôi trùn quế bây giờ sướng lắm. Chỉ cần đổ phân bò vào chuồng cho trùn ăn rồi nghỉ đi chơi, 2 tháng sau mới phải đảo phân.